Kinh tế

Đẩy mạnh sản xuất nuôi trồng thủy sản ở các huyện miền núi

Hiện nay, các huyện miền núi đang chú trọng đến việc khai thác tiềm năng lợi thế để nuôi trồng thủy sản hiện. Cùng với đó, phong trào nuôi cá trên sông, hồ phát triển nhanh trong những năm gần đây đã trở thành mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Thêm một loại hình sản xuất có sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước phù hợp với điều kiện canh tác, tạo ra sản phẩm hàng hóa đang trở thành sinh kế cho người dân các địa phương miền núi.

Với diện tích hơn 7000 ha mặt nước, trong đó vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản chiếm tới 1/3, lòng hồ bản Vẽ được coi là khu vực thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản của bà con quanh vùng. Sau hơn 2 năm phát động phong trào, ở đây đã hình thành các tổ hợp tác nuôi cá, mở ra hướng đi mới trong việc phát triển các mô hình phối hợp, tăng thêm mối quan hệ đoàn kết cộng đồng, giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân.

Mô hình nuôi cá dưới lòng hồ Bản Vẽ


Ông Kha Văn Khương – khe Tả Xiêng – Bản vẽ cho biết: Tôi được tham gia vào mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ này năm nay đã là năm thứ 2, mới đầu thì chỉ có một vài hộ làm sau khi thấy các hộ nuôi có kết quả nên nhiều người học hỏi làm theo, các hộ làm trước hướng dẫn cho các hộ làm sau về kỹ thuật, giống cá . bây giờ thì có nhiều nhà làm rồi.

Ông Vi Quang Phùng bản Nhắn xã Thạch Giám được bà con trong vùng phong là chuyên gia về nuôi cá lồng của xã. Nhà nằm ngay sát cạnh sông cả rộng lớn, lưu lượng dòng chảy ổn định, ông đã tìm hiểu kiến thức và tham quan học hỏi mô hình nuôi cá lồng ở nhiều nơi và đầu tư để thử nghiệm nuôi cá lồng.

Ông Phùng chia sẻ: Những ngày đầu thử nghiệm nuôi cá lồng tôi gặp không ít khó khăn bởi chưa có kinh nghiệm, sự lo lắng của vợ con, sự ngạc nhiên của mọi người bởi lâu nay ai cũng nghĩ cá chỉ nuôi trong ao chứ nuôi trên sông thì ở đây chưa ai làm. Nhưng chính sự quyết tâm phải tận dụng tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế gia đình và giúp anh em thoát nghèo là động lực để tôi tiếp bước và thành công.

Là địa phương có tới 780 ha diện tích hồ đập, vậy nên ngành nông nghiệp Thanh Chương rất chú trọng vào loại hình nuôi cá nước ngọt tự nhiên. Mục tiêu phấn đấu đạt con số 1000 ha diện tích nuôi cá với sản lượng khoảng 500 tấn mỗi năm. Thanh Liên là 1 trong những xã có phong trào nuôi trồng thủy sản nhiều nhất huyện, hiện có hơn 70ha diện tích hồ đập giao khoán cho hộ dân để sản xuất cá thương phẩm.

Huyện Thanh Chương có hơn 70ha diện tích hồ đập giao khoán cho hộ dân để sản xuất cá thương phẩm


Theo ông Nguyễn Cảnh Đồng – xã Thanh Liên Huyện Thanh Chương: Vì được xã cho thầu khoán hồ nên lứa cá đầu tiên này gia đình tôi đã mạnh dạn thả 1 tấn cá giống, đến thời điểm này cá phát triển nhanh, có trọng lượng khoảng 3- 5kg/1 con..

Anh Trần Văn Hùng – Phó phòng nông nghiệp huyện Thanh Chương cho biết thêm: Từ Quyết định 87 của UBND Tỉnh hỗ trợ nuôi trồng thủy sản chúng tôi đã rà soát để cấp phát kinh phí cho các hộ xây dựng mô hình nuôi cá theo các mức từ 2,5 – 6 triệu / 1 lồng nuôi. Từ hiệu quả bước đầu chúng tôi sẽ tham mưu UBND huyện chú trọng đầu tư vào lĩnh vực này nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa..

Các sản phẩm thủy sản hiện nay đang có xu huớng tiêu thụ mạnh trên thị trường nên đã mở ra những thuận lợi cho người nuôi. Thêm vào đó, những chính sách hỗ trợ của nhà nước được triển khai kịp thời sẽ góp phần tăng diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân ở khu vực miền núi vốn còn nhiều khó khăn này.

Tác giả bài viết: Trần Lịch

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP