Giới trẻ

Dâu mới chưa kịp tháo vương miện cài đầu đã phải xắn tay rửa đống bát đũa chất chồng

Phải rửa cả đống bát đĩa dài "tràng giang đại hải”, ấy thế mà, có người vẫn có thể coi đó là “niềm vui, nhiệm vụ của dâu mới”.

Lấy chồng có lẽ là bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời người con gái. Từ đây, cuộc đời bế tắc hay cuộc sống nở hoa phụ thuộc rất nhiều vào người chồng mà các cô gái đã lựa chọn. Vui có, hạnh phúc có, nhưng đi kèm với đó cũng là trăm ngàn mối lo lắng tìm đến và phát sinh.

Có cô dâu chưa kịp tận hưởng hết niềm vui ngày trọng đại chỉ có 1 lần trong đời thì đã phải ngao ngán lắc đầu với mâm bát đũa xếp cao ngồn ngộn sau khi bạn bè, người thân tới ăn uống chúc mừng.

Hình ảnh cô dâu mới ngồi rửa bát với gương mặt tỉu ngìu ngày cưới thu hút 2.500 lượt like.
Ở thành phố, việc tổ chức tiệc cưới ngoài nhà hàng, thuê người làm từ A đến Z nên sau khi hôn lễ kết thúc, cô dâu chỉ việc ung dung cùng chú rể chụp choẹt ảnh kỷ niệm cùng người thân trong nhà rồi ngồi thư thái đếm phong bì cưới.

Còn ở các vùng quê, hầu hết cỗ cưới đều do người nhà tự làm lấy, nên nhiều cô dâu mới phải "mắt tròn mắt dẹt" vì mâm bát ăn xong xếp một hàng "tràng giang đại hải" đang chờ đến lượt mình.

Mới đây, trên diễn đàn hội chị em có truyền tay nhau hình ảnh một cô dâu mới về nhà chồng đang hì hục rửa một đống bát đũa vây quanh mà thấy đồng cảm và xót thay cho phận làm dâu.

Chưa kịp tháo vương miện trên đầu, cô dâu đã phải xắn tay vào rửa bát.
"Nghĩ mà nản. Đợt em về bát đũa cả một sân luôn, còn hơn thế này", "Em cũng bị cảnh này. Ở quê, con dâu mới về thấy mọi người làm là phải làm, không làm sẽ bị soi mói chê bai rằng cô dâu lười".

"Mình cũng trải nghiệm rồi, chia buồn", "Ác mộng cuộc đời đây mà, nhớ cảnh ngày đầu về làm dâu", "Nhìn cảnh này em lại nhớ lại 7 năm về trước, 35 mâm thôi, thấy em xuất hiện là bao nhiêu chị em dâu nhà chồng vỗ đít hét các mẹ ạ"… là những lời tâm sự chia xót, động viên của những cô gái có cùng cảnh ngộ.

Thế nhưng, vẫn có không ít những cô nàng may mắn hơn, khi về làm dâu, được anh chị em và mọi người rửa bát đĩa giúp nên cứ nhàn tênh chẳng khác gì ở nhà mẹ đẻ. Những cô nàng này thường lấy được những anh chồng có bố mẹ chồng và người nhà chồng tâm lý.

Theo các cô con dâu, nếu nhà chồng tâm lý, nhớ lại cảnh ngày xưa mình cũng khổ sở, chìm trong cả biển bát đũa mà thương con dâu thì các cô con dâu sẽ chẳng còn gặp phải cơn ác mộng này.

Tuy nhiên, cũng có một số chị em coi chuyện dâu mới về rửa bát là chuyện thường tình, cho rằng, đó là việc nhà mình chứ chẳng phải việc nhà ai.

Anh em họ hàng rửa phụ giúp cho là may, còn không họ bỏ về hết thì ngồi rửa một mình là chuyện thường từ xưa tới nay và cho hay gần như cô gái nào lấy chồng về cũng rửa cả núi bát đũa như thế, thậm chí có người còn phải rửa nhiều hơn và coi đây là "niềm vui của cô dâu mới".

Những cô nàng chăm chỉ rửa bát còn được mệnh danh là "nữ hoàng chén đĩa".

Chị em than thở về thân phận làm dâu.
Nhìn mâm bát ngồn ngộn chất đống thế này liệu có ai không sợ?
"Gớm! Thế này còn may mắn chán. Em vừa cởi được cái váy ra, bà cô chồng đang rửa thấy em liền nói câu nhẹ tựa lông hồn "cháu rửa nốt nhé". Nghẹn ngào "vâng" xong xắn quần rửa, may còn có người quan tâm lấy hộ cái ghế vì em đang có bầu.

Mà bát đũa nào đâu được phân bát ra bát, đũa ra đũa thế này, bê cả mâm ra í chứ. Rửa xong thì quét dọn với cọ sân, lau 2 cái nhà 3 tầng thì các mẹ biết rồi đấy", Lan Thư chia sẻ.

Cho rằng, lối suy nghĩ trên của chị em, coi rửa bát nghiễm nhiên là phận sự của phụ nữ, của con dâu mà vui vẻ chấp nhận sẽ dẫn đến việc không bao giờ có sự bình đẳng và được tôn trọng:

"Cứ thế này, cộng với cái suy nghĩ "phải đẻ con trai bằng được để nối dõi tông đường", không sớm thì muộn các bạn trai cũng sẽ lấy nhau và việc có con cũng nhờ tiến bộ của khoa học can thiệp hết.

Đúng là cái suy nghĩ nông cạn, ấu trĩ và cổ hủ, chỉ giỏi bắt nạt phụ nữ!", Nguyen Thuy Chi bức xúc nói.

Theo cô, cô dâu cũng là người chứ đâu phải cái máy rửa bát?: "Các bà mẹ chồng có con gái mà nhìn cái cảnh con mình phải làm như con dâu xem, nếu không thấy xót thì chắc chả cô dâu nào dám than nửa lời đâu.

Nhiều nhà coi con mình như lá ngọc cành vàng, còn con người ta như đồ bỏ đi, không bằng người đi ở. Thật sự rất thương những cô dâu ở vùng nông thôn, cưới xong cứ như đi đày".

Dâu mới về nhà chồng phải rửa bát, dọn dẹp nhà cửa là bổn phận và trách nhiệm, thế nhưng, nếu việc gì cũng chừa lại để hết cho dâu mới làm thì đúng là ăn hiếp "con gái nhà người ta" một cách thái quá, đáng bị lên án và lúc ấy, không phải ai khác, chính các cô dâu mới phải là người "vùng dậy đấu tranh", kêu gọi sự giúp đỡ của những người xung quanh, nhất là sự giúp đỡ của chú rể.

Tác giả bài viết: Minh Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP