Cuộc sống

Dấu hiệu nhận biết ung thư thận

Ung thư thận giai đoạn sớm thường không có triệu chứng điển hình; ở giai đoạn muộn khoảng 30% người bệnh bị đau bụng, tiểu ra máu, có khối u bụng.


Siêu âm bụng giúp phát hiện sớm khối u ở thận. Ảnh: TT.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, các nghiên cứu tại Mỹ ghi nhận có đến 90-95% trường hợp u ở thận là ung thư. Bệnh chiếm 3% trường hợp ung thư ở người trưởng thành, đứng thứ 7 trong các loại ung thư ở nam giới và thứ 10 ở nữ. Trong năm 2015, nước Mỹ có gần 62.000 trường hợp ung thư thận mới phát hiện và 14.080 ca tử vong vì ung thư thận.

Đa số trường hợp ung thư thận được phát hiện ở độ tuổi từ 50 đến 70. Thông thường giai đoạn sớm của bệnh, khi kích thước u dưới 7 cm thì không có triệu chứng điển hình. Đến giai đoạn muộn, khoảng 30% người bệnh có các triệu chứng đau bụng, tiểu máu, thăm khám thấy có khối u trong bụng.

Bác sĩ khuyên, để phát hiện sớm ung thư thận, người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm. Bướu thận được chẩn đoán chủ yếu dựa vào hình ảnh siêu âm và chụp bụng cắt lớp điện toán (CT scan). Gần đây người dân ngày càng có ý thức khám sức khỏe định kỳ nên đa số bướu thận được phát hiện sớm khi kích thước dưới 4 cm, nhờ đó việc điều trị trở nên đơn giản hơn.

Theo bác sĩ Đức, vào khoảng những năm 2000-2005, phương pháp điều trị bướu thận là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ thận. Về sau qua các nghiên cứu trên toàn thế giới, các chuyên gia Niệu khoa nhận thấy việc cắt bỏ toàn bộ thận khi bướu thận kích thước dưới 7 cm là không cần thiết vì 2 lý do. Thứ nhất là không thay đổi tỷ lệ tái phát so với việc chỉ cắt bỏ bướu giữ lại thận. Thứ hai, bệnh nhân chỉ còn một thận sẽ dễ bị suy thận mạn hơn.

Từ sau năm 2005, đối với bướu thận kích thước dưới 7 cm, cách điều trị tốt nhất là phẫu thuật cắt bướu giữ lại thận, có thể thực hiện bằng mổ hở hoặc phẫu thuật nội soi. Đặc biệt, trong những trường hợp người bệnh chỉ có một quả thận khỏe mạnh, thận còn lại bị bệnh sỏi hoặc dị tật bẩm sinh, suy giảm chức năng thì việc phẫu thuật cắt bướu giữ lại thận là chỉ định tuyệt đối.

Vừa qua, các bác sĩ Khoa Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM đã phẫu thuật nội soi thành công cho một người đàn ông 64 tuổi bị di chứng tai biến mạch não, suy thận mạn tính giai đoạn 1-2. Người bệnh tình cờ phát hiện bướu thận trái 5 cm. Các bác sĩ nhận thấy ca này nếu cắt thận sẽ có nguy cơ suy thận nặng hơn, thậm chí phải chạy thận nhân tạo suốt đời. Bác sĩ đã phẫu thuật nội soi chỉ loại bỏ bướu thận mà không phải cắt bỏ toàn bộ thận, nhờ đó bảo tồn tối đa chức năng của quả thận. Theo dõi sau phẫu thuật cho thấy chức năng thận của bệnh nhân vẫn duy trì rất tốt.

Tác giả bài viết: Trần Ngoan

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP