Trong nước

Đấu giá biển số đẹp thu nghìn tỷ, vướng vì đâu?

Vấn đề này đã được đề xuất và nghiên cứu từ rất lâu nhưng vì sao đến nay vẫn chưa thể thực hiện?

Mỗi biển số đẹp bán đấu giá có thể thu về tiền tỷ cho ngân sách. Vấn đề này đã được đề xuất và nghiên cứu từ rất lâu nhưng vì sao đến nay vẫn chưa thể thực hiện?

Để ngăn chặn hiện tượng xin cho biển số đẹp, năm 2010, Cục CSGT đề xuất Bộ Công an, Chính phủ cho phép đấu giá, số tiền đấu giá nộp vào ngân sách. Ảnh: Minh Đức.


Nhu cầu có thật của đa số người dân

Ông Nguyễn Chiến Thắng, chủ một doanh nghiệp lớn tại Hà Nội cho biết, ông vừa mua một chiếc xe ôtô Range Rover với giá hơn 4,3 tỷ đồng và đang muốn sở hữu một biển số đẹp cho tương xứng với giá trị của chiếc xe. “Tuy nhiên, tôi không biết phải làm cách nào vì hiện Nhà nước chưa có cơ chế đấu giá biển số xe. Nếu có, tôi sẵn sàng bỏ ra 1 tỷ để có được biển số như ý”, ông Thắng cho biết đồng thời tỏ ra băn khoăn trước việc nhiều người có xe ô tô giá trị lớn đã sở hữu những biển số rất đẹp. Khi chưa có cơ chế đấu giá, liệu họ có tự “bốc” được những biển số “trong mơ” đó hay không?

Trao đổi với PV, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) - người từng đưa ra rất nhiều ý kiến tâm huyết về việc cho đấu giá biển số xe đẹp trên nghị trường Quốc hội cho rằng, biển số xe đẹp là một loại tài nguyên có thể khai thác được ngay nên cần cụ thể hoá nó, nhất là trong điều kiện thu ngân sách khó khăn. Hơn nữa, đây cũng là nhu cầu có thật của đa số người dân nên chắc chắn số tiền thu được sẽ không hề nhỏ. “Năm 2008, Nghệ An đã thực hiện thí điểm đấu giá 1 biển số tứ quý 9, thu được 700 triệu, tương đương xây được 17 căn nhà cho người có công”, ông Cảnh dẫn chứng.

Từ thực tế của một vài địa phương đã thực hiện đấu giá, thông tin từ một số đại lý bán xe và số liệu tham khảo từ cộng đồng sử dụng ôtô, xe máy, ông Cảnh cũng đã tổng hợp một danh sách các nhóm số xe người dân, doanh nghiệp có nhu cầu, đồng thời đề xuất mức giá khởi điểm (có tính chất ước lượng) cho từng nhóm biển số xe, cũng như mức phí thu cho các nhóm số (ngũ linh, tứ quý, phát lộc, số theo ngày sinh) thông qua đấu giá.

“Theo tính toán của tôi, nếu cho đấu giá sẽ thu cả chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách và việc triển khai thực hiện hoàn toàn khả thi. Nếu quy định nguồn thu này để lại cho địa phương để chi cho lĩnh vực y tế, giáo dục, chính sách cho người có công thì sẽ tạo được sự ủng hộ nhiều hơn nữa từ người dân, doanh nghiệp”, ông Cảnh nói.

Vì sao chưa thể khai thác Nguồn lợi lớn từ kho biển số đẹp?

Nhiều người muốn sở hữu một biển số đẹp tương xứng với giá trị chiếc xe.


Để ngăn chặn hiện tượng xin cho biển số đẹp, năm 2010 Cục CSGT đề xuất Bộ Công an, Chính phủ cho phép đấu giá biển số xe đẹp, số tiền thu được nộp vào ngân sách, những biển số còn lại để người dân tự chọn. Sau đó, Bộ Công an đã có dự thảo trình Quốc hội xem xét nhưng không được thông qua vì vướng Luật Đấu giá tài sản.

Theo ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh, nguyên nhân là do pháp luật chưa công nhận biển số xe là một loại tài sản mà chỉ coi đó là mã số để quản lý nên từ đó đến nay việc đấu giá biển số xe gặp bế tắc.

Trao đổi với Báo Giao thông, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an cũng cho rằng, trước đây nhiều người không coi biển số xe là một loại tài sản công nên việc cho đấu giá còn gặp nhiều vướng mắc.

“Dưới góc độ tài nguyên số có thể coi đây là tài sản, và hiện giờ giá trị tài sản không chỉ là giá trị hữu hình mà còn có giá trị bên trong nên chúng ta cũng cần tính toán lại khái niệm tài sản, có thể bắt đầu xem lại khái niệm tài sản từ Bộ luật Dân sự”, tướng Quân nêu quan điểm và cho rằng, nếu thực hiện đấu giá công khai, minh bạch thì sẽ tạo được nguồn thu lớn cho ngân sách, hạn chế được một số tiêu cực trong cấp biển số xe.

Tuy nhiên, ông Quân cũng cho rằng, làm không khách quan sẽ vẫn còn xuất hiện tình trạng “quân xanh, quân đỏ” khi đấu giá. Bên cạnh đó, hiện nay việc cấp biển đang tiến hành theo cách bấm số ngẫu nhiên, nếu giờ lựa chọn ra các số đẹp để đem đấu giá thì sẽ gây xáo trộn ít nhiều trong việc quản lý kho số.

Ngoài ra, mỗi người chỉ nên có một biển số xe, kể cả khi sau này thay đổi xe thì người đó sẽ vẫn giữ biển số đó, giúp tiết kiệm kho số. Nếu tổ chức đấu giá thì biển số đó sẽ là tài sản của người sở hữu.

Theo Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền, tới đây Luật Quản lý tài sản công cần xác định biển số xe có phải tài sản công hay không: “Lâu nay, chúng ta cứ hiểu ngầm với nhau đó là một loại tài sản, có giá trị, nhưng khi thực hiện việc đấu giá lại vướng vì chưa có quy định của luật.

Nếu thực sự xã hội có nhu cầu và biển số xe đẹp có giá trị cao thì cơ quan quản lý nên tính toán sửa đổi các quy định cho phù hợp để triển khai thực hiện. Một việc vì lợi ích chung, đem lại nguồn lợi cho Nhà nước, cho người dân nên tạo hành lang pháp lý để thực hiện một cách công khai, minh bạch”.

 Năm 2008, Công an tỉnh Nghệ An đã tổ chức thành công hai phiên đấu giá thử nghiệm biển số xe đẹp, thu về số tiền hơn 2,8 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Vì người nghèo. Trong đó, anh Nguyễn Khắc Việt (trú huyện Hưng Nguyên) đấu giá được biển số ôtô 37S-9999 với giá 700 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi chủ trương đấu giá thực hiện được vài tháng, Bộ Công an có văn bản yêu cầu tạm dừng. Đặc biệt với quan điểm, “biển kiểm soát chỉ là một phương pháp giúp lực lượng chức năng quản lý phương tiện” nên cơ quan chức năng không công nhận đó là tài sản người dân được quyền sở hữu.                                                                                            Văn Thanh   

Tác giả bài viết: Hoài Thu/ Báo giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP