Nhiều hộ dân đã tập trung trước Nhà máy xử lý rác Phú Hà để phản đối vì ô nhiễm |
Ngày 24/2, rất đông người dân thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân đã kéo lên cổng nhà máy rác thải Phú Hà để phản đối việc nhà máy này đốt, xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường.
Họ mang theo các băng rôn với những dòng chữ: “Đề nghị nhà máy Phú Hà trả lại môi trường trong sạch cho hơn 40 hộ dân thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân”.Thậm chí nhiều gia đình còn mang cả ruồi đến đặt trước cổng nhà máy để phản đối.
Những người dân nơi đây phản ánh, kể từ khi nhà máy rác thải Phú Hà đi vào hoạt động thì xuất hiện mùi hôi thối nồng nặc khiến cho cuộc sống của hơn 40 hộ dân thôn Nam Xuân Sơn bị xáo trộn, ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Vũ Hoàng, ở thôn Nam Xuân Sơn phản ánh: “Kể từ khi nhà máy này đi vào hoạt động thì cuộc sống người dân hoàn toàn bị đảo lộn, ruồi muỗi, bệnh tật đang đeo bám hàng ngày. Nhất là trẻ em không thể chịu nổi”.
“Chúng tôi sẽ đứng ở cổng nhà máy cho đến khi nhà máy này xử lý dứt điểm tình trạng hôi thối. Nếu nhà máy này tiếp tục hoạt động thì đề nghị chính quyền phải có phương án đảm bảo về môi trường hoặc chuyển chúng tôi đến khu tái định cư khác”, ông Hoàng nói thêm.
Thậm chí mang ruồi đến trước cổng nhà máy để phản đối |
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (trú tại thôn Nam Xuân Sơn) cũng không nén nổi bức xúc: “Gia đình tôi ở sát với hàng rào nhà máy nên mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ruồi nhặng đầy nhà. Mỗi lần ăn cơm thì ruồi đậu đen bàn, nhiều lúc phải mắc màn để ăn cơm”.
Trước tình trạng đó, hơn 40 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của nhà máy xử lý rác thải đã đồng loạt ký vào đơn kiến nghị gửi lên chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý.
Ông Vũ Văn Sự, Trưởng thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân cho biết: “Người dân yêu cầu trả lại môi trường trước kia cho họ hoặc là di dời hơn 40 hộ dân đến địa điểm khác cách xa nhà máy. Vào năm 2017, có một số cuộc họp giữa chính quyền xã, huyện với lãnh đạo nhà máy rác thải Phú Hà bàn phương án di dời hơn 40 hộ dân thôn Nam Xuân Sơn đến chỗ khác”.
Ông Lê Văn Phâng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh) cho biết: “Năm 2017, chúng tôi có xây dựng phương án di dời người dân ra khỏi vùng ảnh hưởng của nhà máy gửi ra UBND tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh giao cho Sở Tài chính tính toán kinh phí để di dời. Từ đó đến nay vẫn chưa có thông tin cụ thể gì thêm”.
Cũng theo ông Phâng thì hiện nhà máy nằm sát với nhiều hộ dân. Và nguyện vọng của người dân cũng như lãnh đạo địa phương là mong các cơ quan cấp trên xem xét tạo điều kiện để có vùng tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng ra khỏi khu vực đó càng sớm càng tốt.
Tác giả: Xuân Sinh
Nguồn tin: Báo Dân trí