Cuộc sống

Đàn bà “đi biển”…một mình

Cơn đau lại ập đến, tức giận và tủi hờn đã khiến những lời nói chẳng thể nào nhẹ nhàng.

Hôm ấy là một ngày thật dài. Hà xách hàng chục xô nước kỳ cọ sàn nhà sạch bóng, quần áo tã lót xếp gọn vào chiếc làn màu hồng xinh xắn, bếp núc cũng tinh tươm, gối nệm thơm tho… Hà đã thu vén mọi thứ tươm tất để chào đón con gái bé bỏng, chỉ còn ngả lưng chờ chồng về.

Ai đã từng mang thai sinh nở hẳn hiểu rõ tình trạng của Hà lúc này, nằm ngửa thì khó thở mà nằm nghiêng lại tức bụng, nên chỉ nửa nằm nửa ngồi. Ở phòng bên, mẹ chồng đã ngáy đều, trong nhà im ắng, chỉ còn tiếng đồng hồ tích tắc.

Chồng Hà cuối cùng cũng về đến, dừng xe trước cổng, gục mặt nôn ngay vào gốc cây sa kê. Chị vội vàng xỏ dép chạy ra vỗ lưng cho anh. Anh ra hiệu nhờ chị dắt xe rồi đi thẳng vào nhà. Hà khóa xong cửa nẻo, trở vào đã thấy anh lăn ra ngủ, giày vẫn còn trên chân. Chị kê lại gối, kéo chăn đắp cho anh rồi nằm xoay lưng lại vì mùi rượu nồng nặc. Con bé trong bụng Hà chừng như đã muốn ra lắm rồi. Nằm đếm từng cơn gò rồi Hà cũng thiếp đi được một lúc, cho đến khi chồng vỗ vỗ lưng chị hỏi: "Nhà còn gì ăn không em?".

1374263 10203313078053284 2100494098377926353 n 101015744

Hà trở dậy, mở tủ lạnh lúi húi rã đông thịt gà, nấu cho chồng tô mì nhiều hành lá. Anh ăn xong lại vào giường ngủ. Hà nhìn đồng hồ, thấy đã 3g30, định đi nằm thì phát hiện đã ra chút máu hồng. Chị vào đánh thức mẹ chồng, bà bật dậy, nhanh chóng vấn tóc và thay quần áo. Chị gọi taxi, nấn ná cho chồng ngủ thêm một chút.



Cuối cùng thì anh cũng vừa xách đồ sinh, vừa ngả nghiêng theo vợ ra xe. Mẹ chồng say xe, lên xe là khư khư ôm túi nôn, anh chồng thì tiếp tục giấc ngủ, chỉ còn Hà và bác tài thi thoảng nói vài câu xã giao. Đường từ nhà đến bệnh viện khoảng 40km, Hà chọn sinh ở thành phố vì bác sĩ đã dặn thai lớn, phải sinh ở bệnh viện uy tín mới yên tâm.

Đến bệnh viện, làm thủ tục xong, y tá trực xếp cho Hà một giường ở phòng chờ, nói chỉ mới có dấu sinh, chưa nở tử cung. Rồi y tá lại đưa chị đi kiểm tra tình trạng sức khỏe của em bé. Mẹ chồng say xe, mệt đừ, phải lên giường nằm. Chồng Hà đi tìm cà phê uống cho tỉnh. Những cơn đau bắt đầu ập đến, lúc đầu còn thưa, còn chịu được, sau càng lúc càng dữ dội hơn.

Hà gọi y tá nhờ kêu người nhà, chị thấy khát nước và cần có người thân bên cạnh. Cô y tá trẻ phát loa gọi tên người nhà sản phụ Lê Bảo Hà mấy lần, nhưng vẫn không thấy chồng và mẹ chồng Hà đâu. Nằm song song với chị, một sản phụ đang được chồng xoa lưng, vuốt tóc, động viên luôn miệng. Hà chợt thấy tủi thân, thấy mình như người chửa hoang… Cô y tá lại đỡ Hà vào phòng khám, bác sĩ nói đã nở được hai phân, kết quả đo moniter không tốt lắm, phải ra đo lại. Nước mắt Hà chực trào. Chị đã thật sự tức giận.

Chị muốn gọi cho mẹ đẻ, nhưng điện thoại của chị lại đang trong túi áo chồng. Hà nhờ chồng của chị giường bên gọi cho chồng mình, anh không nghe máy. Cuối cùng, chị đành nhờ gọi cho mẹ đẻ. Chị không muốn gọi bà từ đầu vì bố chị đang ốm. Nhà mẹ chị gần bệnh viện nên bà nhanh chóng có mặt bên chị. Lúc này mới thấy chồng chị xách cà phê tòn teng đi vào, cười tươi như mới đi nghỉ dưỡng về. Hà quay mặt không nhìn chồng. Mẹ Hà hỏi: "Con đi đâu về?". Anh thật thà: "Hôm qua con uống say quá, đi mua cốc cà phê, chờ người ta pha thì ngồi ngủ quên lúc nào không biết".

Đến nước này thì Hà không thể kiềm chế được, chị nói rõ từng tiếng một: "Anh và mẹ anh về nhà đi, đứa bé này không phải con anh. Anh không xứng là cha nó. Tôi sẽ tự nuôi con khôn lớn, không dám phiền đến anh".

Cơn đau lại ập đến, tức giận và tủi hờn đã khiến những lời nói chẳng thể nào nhẹ nhàng. Anh bối rối, phát hoảng, mẹ Hà phải dàn xếp mới khỏi một phen ầm ĩ. Chị vỡ ối, bác sĩ kiểm tra, khuyên nên sinh mổ vì em bé quá lớn, từ sáng đến nửa đêm tử cung lại chỉ nở được hai phân. Cuối cùng, chị cũng đón con, hai bà mẹ tíu tít chăm con, chăm cháu. Vết mổ còn đau xé nhưng nhìn con ngủ như thiên thần, bầu má tròn tròn, đôi môi chúm chím, Hà thấy lòng lắng lại, bao uất ức như bị xua tan…

Mẹ Hà nói con rể về trông nom nhà cửa rồi còn đi làm, vài hôm nữa xuất viện thì lên đón vợ con. Thế nhưng hôm xuất viện, mẹ Hà đã làm xong hết thủ tục, thanh toán viện phí đâu đó mà chồng Hà vẫn chưa thấy xuất hiện. Gần trưa anh mới đến, áo bỏ trong quần nhưng không có dây thắt lưng, dép kẹp, tóc còn chưa chải. Hà hiểu ngay sự thật. Hà lặng lẽ bế con suốt 40 cây số đường về, tay mỏi rã rời, vết mổ đau quặn mỗi khi chị lên cơn ho.

Về nhà, Hà lại tự sắp xếp đồ vào tủ, nấu nước tắm cho con. Xong đâu đấy, chị gọi cho mẹ đẻ, nói mình muốn ly hôn. Mẹ từ tốn khuyên: "Chồng con vô tâm phần lớn là do con. Con cứ chu đáo quá khiến chồng sinh hư. Nó đã hình thành thói quen là mọi thứ đã có vợ lo hết, chẳng còn gì phải bận tâm. Nếu con thật sự muốn ly hôn, hãy chờ thêm thời gian cho con bé cứng cáp. Mẹ sẽ ủng hộ con".

Mẹ nói thật nhiều về những kinh nghiệm, những lo toan của một đời làm đàn bà. Hà tin mẹ, nấn ná tới khi con biết lẫy, biết ngồi; rồi nấn ná tới khi chồng chị đi công tác ở đâu về cũng mua những món quà xinh xinh cho con gái. Nghe ai mách đồ gì mẹ ăn tốt sữa, con ăn thông minh là anh tìm mua ngay. Chị lại nấn ná thêm để nhìn anh tập đi cho con, ngồi bên con tỉ mẩn sửa những món đồ chơi, kiên nhẫn giải thích cho con đâu là cục pin, đâu là con ốc vít. Nấn ná cả đến khi chị… sinh đứa thứ hai.

Lần này xác định là cũng phải sinh mổ nên chị không cần phải chịu cơn đau trở dạ. Anh đã biết bồng bế con, đêm dậy mấy lần pha sữa cho con khi chị chưa có sữa. Ngày xuất viện, anh lúi húi thu xếp đồ đạc cho hai mẹ con. Con gái lớn đã ba tuổi, sà vào lòng mẹ chu mỏ thơm lên má mẹ, nói: “Con nhớ mẹ, con yêu em. Bố đã dạy con nói thế hàng chục lần”.

Những giọt nước mắt chầm chậm lăn trên má, chị nhìn ra cửa sổ, nhận thấy chậu bát tiên xanh đã nở mấy bông hoa xanh dịu dàng giữa đám gai sắc nhọn. Mẹ chị từng dặn đi dặn lại chị không biết bao nhiêu lần: “Đàn bà có thiên chức làm mẹ, nhưng đàn ông thì phải dành thời gian cho họ học làm cha”.

Tác giả bài viết: Hoàng Hiền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP