Cuộc sống

Đám cưới linh đình ở dinh Tổng đốc của giai nhân Thái Bình

Đám cưới của bà Vi Kim Ngọc được tổ chức linh đình tại tư dinh Tổng đốc ở Thái Bình. Hôm đó, quan khách từ các nơi về tham dự. Ngoài các nghi lễ truyền thống, lễ cưới còn có khiêu vũ theo phong cách phương Tây.

Buổi hẹn đầu tiên của người đẹp với chàng tiến sĩ Văn khoa

Trong khu nhà trồng nhiều cây hoa loa kèn đỏ trên phố Trần Hưng Đạo (Hai Bà Trưng, Hà Nội), tôi được những người con của giai nhân Vi Kim Ngọc kể cho nghe về mối tình đặc biệt của bà.

Theo GS Nguyễn Văn Huy - con trai út vị giai nhân nức tiếng một thời, lúc bấy giờ, trong quan niệm đương thời, chuyện cưới xin của con cái phải do cha mẹ quyết định.

Bà Vi Kim Ngọc và ông Nguyễn Văn Huyên trong lễ cưới.

Bởi vậy, năm Vi Kim Ngọc 13 tuổi, Tổng đốc Vi Văn Định đã đồng ý hứa gả con gái vào gia đình họ Dương, được xem là môn đăng hộ đối về sự giàu có và thanh thế.

Tuy nhiên, đến khi 16 tuổi, Vi Kim Ngọc mới biết chuyện này, vì vậy bà kiên quyết đấu tranh với người cha nghiêm khắc để hủy hôn ước, đòi cha "sêu trả" ba năm.

"Tục lệ xưa khi đã nhận lời đính ước, hằng năm đến dịp Tết, nhà trai sẽ đến biếu Tết chờ cô gái đến tuổi lấy chồng. Nếu phá bỏ phải trả lễ. Đó gọi là "sêu trả", GS Nguyễn Văn Huy giải thích.

GS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, giới thiệu những bức ảnh về gia đình mình trong bảo tàng Nguyễn Văn Huyên.

Khi ấy, bà Vi Kim Ngọc có tư tưởng rất rõ ràng về tình yêu, muốn được tự do lựa chọn hạnh phúc riêng cho mình.

Trong quyển hồi kí, bà viết: "Ước mơ của em khi đôi tám xuân xanh, quyết chọn được người tài đức mới dám trao thân, còn không em ở vậy suốt đời...

Năm 1935 lúc em còn là thiếu nữ, nhiều thanh niên mong muốn kết duyên chân trần. Nhưng em thờ ơ, ai cũng từ chối.

Em đợi chàng trai xứng đáng có đức có tài, thủy chung với em. Em ước có chàng Hoàng Phủ Thiếu Hoa và em sẽ là Mạnh Lệ Quân. Như thế là trai tài gái sắc mới xứng... ".

Bà Vi Kim Ngọc thời trẻ.

Những tưởng Tổng đốc Vi Văn Định sẽ từ chối yêu cầu của con gái nhưng không ngờ cụ lại đồng ý trả lễ.

Chuyện hủy hôn của bà Vi Kim Ngọc đánh dấu một bước chuyển mình mới của tư tưởng lễ giáo phong kiến, từ chỗ bị sắp đặt, nam nữ có thể tự do tìm hiểu, định đoạt hôn nhân cho mình.

Bà Vi Kim Ngọc kiên quyết đấu tranh như vậy, là vì bà bị ám ảnh khi chứng kiến người mẹ Hà Thị Bạch (vợ cả Tổng đốc Vi Văn Định) dẫu là người phúc hậu, hiểu biết nhưng cả đời không được sống trong tình yêu.

Danh nghĩa là nhất phẩm phu nhân nhưng mẹ giai nhân Vi Kim Ngọc phải đau khổ, chịu cảnh chồng năm thê bảy thiếp, chăn đơn gối chiếc.

Sau này, Tổng đốc Vi Văn Định vì quá sủng ái vợ lẽ, mẹ giai nhân Vi Kim Ngọc đau khổ, bỏ về quê Lạng Sơn. Trên đường đi, cụ Bạch bị ngã ngựa, chấn thương sọ não và qua đời.

Khi cụ Bạch mất, giai nhân Vi Kim Ngọc vừa kết hôn vài năm với GS Nguyễn Văn Huyên (Bộ trưởng Bộ Giáo dục từ 1946 -1975).

Nói về mối nhân duyên của cha mẹ, Tiến sĩ - thầy thuốc nhân dân Nguyễn Kim Nữ Hiếu, con gái bà Kim Ngọc, cho biết, bà Kim Ngọc và GS Huyên quen nhau qua sự giới thiệu của bạn bè.

"Năm đó, một người bạn đưa cho mẹ tôi bức ảnh của cha, không ngớt lời ca tụng chàng trai trong ảnh giỏi giang, vừa có bằng tiến sĩ văn khoa lại có bằng cử nhân luật. Lúc đó, cha tôi vẫn ở Paris, Pháp.

Mẹ tôi nghe bạn nói, cũng không để tâm nhiều. Cho đến khi cha về nước, được bạn đưa xuống Thái Bình chào quan Tổng đốc. Ông bà ngoại tôi còn mời cha dự cơm trưa.

Hai người chính thức biết mặt nhau nhưng phải đến những bữa tiệc chiêu đãi trong dinh Tổng đốc, họ mới trò chuyện", bác sĩ Nữ Hiếu chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu - con gái vợ chồng GS Nguyễn Văn Huyên - Vi Kim Ngọc.

Từ Pháp trở về, GS Nguyễn Văn Huyên mua một chiếc xe hơi hiệu Renault có hai chỗ ngồi phía trước và ba ghế ngồi phía sau. Kể từ khi gặp mặt người con gái sắc nước hương trời, trái tim ông vô cùng xao xuyến.

Hàng tuần, ông đều hẹn bạn là luật sư Nguyễn Mạnh Tường lái xe xuống Thái Bình thăm giai nhân. Đôi bạn còn tham dự các buổi khiêu vũ do quan Tổng đốc tổ chức.

Mặc dù trong lòng ông và giai nhân Vi Kim Ngọc đã dành nhiều tình cảm cho nhau nhưng cả hai đều giấu kín trong lòng. Các buổi đi chơi đều có sự tham dự của những người bạn, không bao giờ họ gặp gỡ riêng tư.

Một lần giai nhân Vi Kim Ngọc về Hà Nội, đến nhà người bạn thân Vân Loan (con gái học giả Nguyễn Văn Vĩnh) chơi, GS Huyên cũng đến đó. Thấy ý trung nhân, GS Huyên nảy ra ý tưởng hẹn hò riêng với người đẹp. Ông giục luật sư Nguyễn Mạnh Tường xuống và mời giai nhân Vi Kim Ngọc lên xe.

Hai người đã rong ruổi khắp phố phường, lên Hồ Gươm, Hồ Tây vãn cảnh, chuyện trò vui vẻ. Đây chính là buổi hẹn hò đầu tiên của họ.

Đám cưới nức tiếng của con gái Tổng đốc

Mấy tháng sau, bà Vi Kim Ngọc vào Huế cùng cha mẹ dự lễ tế Nam Giao. Khi ấy, GS Nguyễn Văn Huyên cũng vào Huế tham dự cùng anh người rể Phan Kế Toại. Dịp đó, ông Phan Kế Toại đang là Tổng đốc Hưng Yên.

Ở lễ tế Nam Giao, đôi trai tài gái sắc gặp lại nhau. Thời điểm này, ông Phan Kế Toại đã đại diện cho gia đình GS Huyên, gửi lá thư cầu hôn đến cụ Vi Văn Định.

Trong thư ông Phan Kế Toại thể hiện sự mong muốn cho hai gia đình kết nghĩa thông gia.

Cô dâu Vi Kim Ngọc về nhà chồng. Bên cạnh là 4 phù dâu mặc áo dài trắng.

Tôn trọng lựa chọn của con gái, cụ Định không vội trả lời thư mà đưa cho bà Vi Kim Ngọc xem. Trở về Thái Bình, vợ chồng cụ Vi Văn Định vẫn tiếp tục nhận được nhiều lá thư cầu hôn của gia đình GS Nguyễn Văn Huyên nhưng không hồi âm vì con gái chưa có ý kiến.

Đến khi GS Huyên trực tiếp gửi thư cho cụ Vi Văn Định, trong đó kèm theo lời hỏi thăm giai nhân Vi Kim Ngọc "Gửi em, người đáng yêu nhất" thì bà mới đồng ý để nhà trai xuống Thái Bình làm lễ cầu hôn.

Quà cưới của Vi Kim Ngọc được bạn bè gửi tặng. Mỗi kỷ vật gắn liền với cuộc đời mình, bà đều trân trọng, giữ gìn.

Ngày 12/4/1936 đám cưới của GS Nguyễn Văn Huyên và giai nhân Vi Kim Ngọc được tổ chức long trọng tại tư dinh Tổng đốc Thái Bình.

Hôm đó, quan khách từ các nơi đổ về tham dự, bao gồm cả quan lại các tỉnh thành và người nước ngoài.

Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, đám cưới còn có tiệc và khiêu vũ như phương Tây. Đây được xem là lễ cưới hoành tráng, nức tiếng một vùng.

Cô dâu, chú rể chụp ảnh cùng hai họ và quan khách trước tư dinh Tổng đốc Thái Bình.

"Ngày cưới mẹ tôi mặc bộ áo cô dâu nhiều lớp, may bằng thụng gấm, đầu đội khăn vành dây, chân đi hài thêu bằng sợi chỉ vàng.

Đây là bộ trang phục cưới đắt đỏ, con nhà quyền quý mới được mặc. Phần lớn, các cô dâu thời đó chỉ được mặc nhiễu điều (áo dài đỏ)", bác sĩ Nữ Hiếu chậm rãi nói.

Lễ rước dâu trong đám cưới giai nhân Vi Kim Ngọc.

Lễ rước dâu, nhà trai đi đoàn xe ô tô đen sang trọng từ Hà Nội về. Từ cổng vào dinh, có lính lệ (lính gác) cầm ô lọng vàng, mặc quần áo đỏ xếp hàng chào đón.

Chú rể dù theo Tây học nhưng vẫn giữ nếp truyền thống, mặc bộ áo the gấm. Đại diện đoàn nhà trai là ông Phan Kế Toại cùng nhiều nhân sĩ, trí thức đương thời.

Ngoài của hồi môn được cha mẹ chuẩn bị cho, giai nhân Vi Kim Ngọc nhận được nhiều món quà cưới từ bạn bè và người thân.

Hai ngày sau, GS Nguyễn Văn Huyên trực tiếp lái xe, đưa vợ về nhà làm lễ "Nhị hỷ" (tục lại mặt). Nhân dịp này, hai vợ chồng chụp một bức ảnh kỷ niệm, GS Huyên mặc đồ Tây, còn vợ mặc áo dài, vấn khăn.

Ảnh chụp trong lễ "Nhị hỷ" (tục lại mặt) sau đám cưới của con gái Tổng đốc Vi Văn Định.

Hai vợ chồng giai nhân Vi Kim Ngọc - GS Nguyễn Văn Huyên đã có cuộc hôn nhân viên mãn, họ lần lượt sinh được 4 người con, 3 trai, 1 gái.

Bốn người con của vợ chồng GS Nguyễn Văn Huyên.

Tiến nữ Nữ Hiếu chia sẻ thêm, giai nhân Vi Kim Ngọc đặc biệt thích mặc áo dài. Chiếc áo dài gắn liền với cuộc đời bà từ ấu thơ cho đến khi lấy chồng, sinh con và khi lớn tuổi.

Những năm chiến tranh, trên chặng đường đi tản cư, di chuyển chỗ ở, dù vất vả, bà vẫn cố gắng gói ghém, giữ gìn từng tà áo.

Gia đình GS Nguyễn Văn Huyên chụp ảnh cùng người con trai nuôi trên khu tản cư. Bà Vi Kim Ngọc mặc bộ áo dài hoa.

Khi trở thành phu nhân Bộ trưởng, bà cũng thường xuyên lựa chọn tà áo dài tại những sự kiện ngoại giao bên cạnh chồng.

(Còn nữa)

Tác giả: Nguyệt Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP