Trong nước

Đại gia Lê Ân bức xúc vì tỉnh BR-VT ‘nói một đường làm một nẻo’

Tỉnh BR-VT ra công văn số 352 ngày 13/1, yêu cầu Sở TNMT sớm thi hành án cho ông Lê Ân, nhưng cũng có đơn giám đốc thẩm bản án phúc thẩm và chờ tòa tối cao giải quyết mới thi hành.

Bà Rịa - Vũng Tàu lo thiếu tiền bồi thường cho đại gia Lê Ân

Ngày 22/1, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, đại gia Lê Ân (ngụ phường 10, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), cho biết rất bức xúc trước cách hành xử của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vì việc “nói một đằng làm một nẻo”. Do tỉnh này không chịu sớm thi hành hai bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao (tại TP.HCM) gây khó khăn trong việc chấm dứt pháp nhân của Ngân hàng thương mại cổ phần Vũng Tàu (VCSB) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 492 năm 2010.


Đại gia Lê Ân cùng vợ trẻ mong muốn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải sớm thi hành 2 bản án có hiệu lực pháp luật
"Dài cổ" chờ thi hành án

Theo hồ sơ tố tụng, đại gia Lê Ân nguyên là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng thương mại cổ phần Vũng Tàu (VCSB). Sau khi ngân hàng này giải thể, đại gia Lê Ân là người thay mặt cho hội đồng thanh lý (HĐTL) của VCSB, kiện UBND tỉnh BR-VT với nội dung yêu cầu tỉnh trả lại cho nguyên đơn 20.000 m2 đất tại số 141 đường Bình Giã, P.8, TP.Vũng Tàu (tài sản này công ty Bình Giã thế chấp vay tiền làm đường Trần Phú, rồi giao trừ nợ VCSB sử dụng, từ năm 1995, thanh tra Ngân hàng Nhà nước VN yêu cầu VCSB hạch toán nội bản tài sản 141 Bình Giã để đảm bảo tiền gửi của dân).

Năm 2001, Tòa án tỉnh BR-VT có quyết định kê biên 20.000 m2 đất và tài sản trên đất nói trên để đảm bảo thi hành án vụ án xảy ra tại VCSB. Năm 2002, UBND tỉnh lại có quyết định 9729 thu hồi gần 16.000 m2 giao cho công ty Bình Minh sử dụng. Phần còn lại trên 4.600 m2 giao cho TP. Vũng Tàu sử dụng. HĐTL VCSB kiện, UBND TP. Vũng Tàu không thực hiện được.

Ngày 9/3/2015, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên UBND tỉnh BR-VT phải thực hiện thủ tục công nhận quyền sử dụng đất cho VCSB đối với diện tích trên 4.600 m2 tại số 141 Bình Giã. HĐXX cũng buộc UBND tỉnh BR-VT bồi hoàn cho VCSB giá trị của trên 15.700 m2 (đất phi nông nghiệp) theo giá đất tại thời điểm thi hành án.

Ngoài ra 12.012 m2 (1,2 ha đất) tại phường 3, TP. Vũng Tàu, ông Lê Ân nhận chuyển nhượng của họ tộc bà Nguyễn Thị Vịnh năm 1992, được phòng công chứng xác nhận bản án 1366/PTHS năm 2003 tuyên để thi hành án về phần dân sự vụ án VCSB. Năm 2004, UBND tỉnh BR-VT ban hành quyết định 2581, thu hồi 4.520 m2 giao cho bà Lê Thị Cường (đã chết trước đó 2 năm). Đại gia Lê Ân cho biết: “Một người đã chết vẫn được giao đất, căn cứ Điều 136 Hiến pháp năm 1992 thì việc UBND tỉnh thu hồi các lô đất nêu trên là vi phạm hiến pháp, pháp luật một cách nghiêm trọng”.

Trước đó, trả lời trên một số báo chí, ông Phan Văn Mạnh, PGĐ Sở TN&MT tỉnh BR-VT cho biết phương án các ngành chức năng của tỉnh BR-VT là chờ quyết định cuối cùng của TAND và VKSND tối cao. Nếu hai cơ quan này không kháng nghị giám đốc thẩm thì phải thi hành án cho ông Lê Ân và VCSB.

Ông Lê Ân bức xúc nói: “Ông Mạnh nói vậy thì trái với chỉ đạo của UBND tỉnh theo công văn số 352 ngày 13/1/2017. Sở TN&MT và UBND tỉnh là cơ quan bảo vệ pháp luật. Pháp luật quy định bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, các cơ quan Nhà nước và công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành. Trừ trường hợp Tòa án tối cao có văn bản yêu cầu tạm đình chỉ thì UBND tỉnh mới tạm ngưng việc thi hành án”.

Bản án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành án ngay

Về vấn đề này luật sư Bùi Quốc Tuấn (Trưởng văn phòng luật sư Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, thời gian để TAND và VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm bản án hành chính tối đa là 3 năm kể từ ngày tuyên án. Tuy nhiên việc kháng nghị là vấn đề khác còn về vấn đề bản án có hiệu lực pháp luật thì phải thi hành ngay mới đúng theo quy định.

“Trong trường hợp nếu không có khả năng thi hành án thì UBND tỉnh BR-VT phải có văn bản xin hoãn thi hành án. Tuy nhiên chỉ xin hoãn được trong thời gian tối đa là 3 tháng theo Điều 261 Luật Tố tụng hành chính”, luật sư Tuấn nói. Căn cứ theo luật, trường hợp này UBND tỉnh BR-VT phải thi hành án ngay sau khi bản án có hiệu lực chứ không phải để bên được thi hành án “dài cổ” chờ nhiều năm như vậy rồi trả lời qua loa, chiếu lệ.


Văn bản Tổng cục THADS gửi báo Người Đưa Tin.

Cách đây không lâu, sau bài viết đăng tải trên báo Người Đưa Tin về việc tỉnh BR-VT không chịu thi hành 2 bản án đã có hiệu lực pháp luật nêu trên, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đã có văn bản gửi đến báo Người Đưa Tin. Trong văn bản nêu rõ: “Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, tránh việc đương sự khiếu kiện kéo dài, Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh BR-VT khẩn trương kiểm tra nội dung đơn đương sự nêu, có biện pháp đôn đốc việc thi hành án theo đúng quy định của pháp luật, trả lời đương sự và có văn bản thông tin đến báo Người Đưa Tin và báo cáo nội dung vụ việc và giải quyết về Tổng cục trước ngày 15/1/2017”. Dù vậy đến thời điểm này báo Người Đưa Tin vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản thông báo nào.

Song song đại gia Lê Ân cũng cho biết chưa nhận được bất kỳ câu trả lời phúc đáp nào từ những cơ quan chức năng có liên quan đến việc thi hành 2 bản án trên.

Tác giả bài viết: Nguyễn Nhâm

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP