Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ V, sáng 31/5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định bày tỏ quan tâm tới tình trạng bạo lực học đường đang có diễn biến phức tạp hiện nay. Đại biểu phân tích rằng, nguyên nhân của tình trạng này là trẻ muốn nhận được nhiều sự chú ý hơn, vì vậy môi trường giáo dục cần đáp ứng nhu cầu hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh tham gia góp ý tại Hội trường |
Ngoài ra, đại biểu cũng quan tâm đến sử dụng trang phục áo dài truyền thống trên nghị trường. Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét đưa một nội dung vào Nghị quyết kỳ hợp này cho phép đại biểu được mặc áo dài ngũ thân tại các phiên họp, khi viếng lăng Bác và trong lễ chào cờ.
“Trong buổi khai mạc Kỳ họp thứ V của Quốc hội, tôi rất muốn mặc áo dài truyền thống để tham dự nhưng quy định đề nghị các đại biểu nam mặc comple. Chúng ta cần hướng đến xây dựng bộ lễ phục cho người Việt. “… văn hóa là bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”, trong đó, trang phục truyền thống là một phần của văn hóa dân tộc, chúng ta cần giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của dân tộc”- đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh
Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận Áo dài Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Nhà thiết kế Lan Hương cho biết, để được UNESCO công nhận, Áo dài Việt Nam còn rất nhiều rào cản, trước hết Áo dài phải được công nhận là quốc phục, hiện nay chúng ta mới chỉ gọi là Áo dài truyền thống thôi. Hơn nữa nó đang thiếu sự cân bằng giữa Áo dài nam và nữ. Trang phục cho nữ đã rất tốt rồi, nhưng Áo dài cho nam đang gây nhiều tranh cãi, việc sử dụng trang phục áo dài nam trong các sự kiện hội nghị, văn hóa, xã hội còn rất ít chưa thể hiện được vai trò, vị thế của trang phục truyề thống. Bên cạnh đó trong quá trình xây dựng hồ sơ, Việt Nam phải chứng minh được Áo dài đi vào cuộc sống như thế nào? người dân có nhu cầu sử dụng ra sao? Ngành nghề Áo dài phải là một ngành nghề phát triển tốt mang lại giá trị về kinh tế cho xã hội. Chúng tôi mong muốn trang phục áo dài cho nam giới ngày càng được hưởng ứng và được sử dụng nhiều hơn nữa đặc biệt là tại các sự kiện chính trị- văn hóa- xã hội của đất nước, của các địa phương, ban, ngành”- Nhà thiết kế Lan Hương khẳng định. |
Tác giả: Thu Hường - Quỳnh Nga
Nguồn tin: congthuong.vn