Kinh tế

Đặc sản nông nghiệp của Nghệ An: Cần thương hiệu để đến với người tiêu dùng

Từ lâu nay, nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, cam Quỳ Hợp… được biết đến như những đặc sản truyền thống của Nghệ An, nhưng để biết được điểm cung cấp chính xác những sản phẩm truyền thống có nguồn gốc xuất xứ để tiêu thụ lại rất khó.

nghe an IPSU jpg
Được đánh giá là ngon và có giá trị cao nhưng cam Nghĩa Đàn vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến

Vì vậy, Nghệ An đã tổ chức hội thảo nhằm tìm hướng để quảng bá được các sản phẩm của địa phương đến với người tiêu dùng gần, xa, là bước khởi động, là khâu nối cho con đường sản phẩm đến với các nhà hàng, khách sạn phối kết hợp tiêu thụ.

Nhiều đặc sản địa phương còn “ẩn mình”

Với hơn 100 các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được trưng bày tại hội thảo, trong đó có nhiều sản phẩm mang đậm tính truyền thống của địa phương như: Nước mắm Quỳnh Lưu, Cửa Lò, cá thu nướng Cửa Lò, gà đồi, nhút Thanh Chương, cà chua múi Tương Dương, hương trầm Quỳ Châu, cam Quỳ Hợp, mật ong Thái Hòa…

Ngoài một số sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể như nước mắm Hải Giang 1, cá thu nướng Cửa Lò, gà đồi Thanh Chương… thì rất nhiều sản phẩm vẫn được ít người biết đến. Còn nông dân xứ Nghệ, họ chỉ biết đến việc quanh năm sản xuất ra những loại đặc sản đó nhưng họ không biết con đường đến với người tiêu thụ là như thế nào, những ai cần mua hàng hay những người đã tiêu thụ sẽ cảm nhận như thế nào…

Huyện miền núi Quỳ Châu được nhắc đến với sản phẩm như hương trầm, vịt bầu; Tương Dương với món bò giàng, ớt cay; cá mát sông Giăng của Con Cuông; mật mía Nghĩa Đàn… những sản phẩm này đã có tiếng đối với địa danh này. Nhưng khi mang về các vùng miền như TP Vinh hay các địa phương lân cận thì còn ít người được biết đến, hoặc biết đến nhưng không có gì khẳng định được những sản phẩm này đến từ những địa phương trên. Vì thế, cần thiết phải tạo được một thương hiệu, được công nhận và kiểm soát chặt chẽ những sản phẩm này để đưa đến người tiêu dùng.

Giám sát sản xuất để đảm bảo chất lượng

Ông Nguyễn Quý Linh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An cho biết, có một băn khoăn của cả doanh nghiệp cũng như bà con nông dân là thương hiệu của những sản phẩm do bà con sản xuất ra. Điều đó đồng nghĩa với việc làm thế nào để sản phẩm của bà con tạo được thương hiệu riêng của mình, từ đó con đường đưa sản phẩm vào nhà hàng, khách sạn, siêu thị sẽ dễ dàng hơn, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng và sử dụng thường xuyên.

“Để làm được điều này thì lãnh đạo các địa phương cần phải quan tâm để cùng bà con sản xuất ra sản phẩm và giới thiệu ra thị trường. Nếu muốn xây dựng hay nhân rộng các mô hình sản xuất sản phẩm thì cần có sự chung tay của chính quyền địa phương là điều quan trọng… Hiện Trung tâm đang xây dựng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính với diện tích 3ha với tiêu chuẩn GAP tại xã Quỳnh Xuân (TX Hoàng Mai). Sắp tới sẽ mời các đơn vị đánh giá và đưa ra thị trường tiêu thụ”, ông Linh chia sẻ.

Cũng theo ông Linh, Trung tâm chuẩn bị triển khai Dự án nông sản cây có múi (cam, bưởi) tại 3 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Đang xây dựng chỉ giới địa lý cho thương hiệu “Gà đồi Thanh Chương”; Mô hình Nghệ đen tại Kỳ Sơn; Thương hiệu Bưởi hồng Quang Tiến (TX Thái Hòa)…

Một khó khăn trong việc triển khai là do chuỗi cửa hàng còn nhỏ lẻ, không tiêu thụ hết sản phẩm. Thậm chí như sản phẩm su su tại Quỳnh Lưu và Hoàng Mai sản xuất với số lượng lớn, lại không có đơn vị thu mua nên người dân đành phải đổ cho trâu bò ăn. Vì thế, Trung tâm cũng đã giới thiệu một số khách hàng lớn đến kiểm tra chất lượng để xuất khẩu số lượng lớn sang Nhật Bản, nếu được chấp nhận sẽ có hướng đi mới cho su su trong những năm tới. Trung tâm cũng khuyến khích các cửa hàng bán sản phẩm cùng trực tiếp tham gia giám sát, sản xuất để tạo thương hiệu cho sản phẩm thông qua chất lượng.

Với những bước khởi đầu như trên, nông sản của người dân xứ Nghệ sẽ có những tiền để khẳng định được thương hiệu của mình, với những sản phẩm chất lượng tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Điều này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

“Để làm được điều này thì lãnh đạo các địa phương cần phải quan tâm để cùng bà con sản xuất ra sản phẩm và giới thiệu ra thị trường. Nếu muốn xây dựng hay nhân rộng các mô hình sản xuất sản phẩm thì cần sự chung tay của chính quyền địa phương là điều quan trọng… Hiện Trung tâm đang xây dựng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính với diện tích 3ha với tiêu chuẩn GAP tại xã Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai). Sắp tới sẽ mời các đơn vị đánh giá và đưa ra thị trường tiêu thụ”, ông Nguyễn Quý Linh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Nghệ An.

Tác giả bài viết: Ngô Toàn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP