Kết quả đánh giá hiện trạng môi trường tại khu vực âu thuyền cho thấy hầu hết các điểm xả thải vào âu thuyền đều có chỉ số COD, BOD,NO2, NH4, Colirorm vượt giới hạn cho phép.
Với quy mô của cảng cá lớn nhất miền Trung, mỗi ngày Thọ Quang đón hàng trăm lượt tàu thuyền đánh bắt cá từ các nơi về neo đậu, kéo theo lượng rác thải khá lớn phát sinh được xả thẳng xuống âu thuyền, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tình trạng này tồn tại suốt nhiều năm qua và vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Tháng 4/2017, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương tăng cường phối hợp triển khai các hoạt động xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường tại âu thuyền Thọ Quang, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp trước thềm sự kiện APEC 2017 tổ chức vào cuối năm 2017.
Nước thải và rác thải từ các hoạt động của người dân và tàu cá là nguyên nhân gây ô nhiễm tại âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: Đoàn Lê |
Nhằm có những giải pháp tích cực xử lý tình trạng ô nhiễm tại khu vực âu thuyền Thọ Quang, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đà Nẵng đã ký hợp đồng với Trung tâm công nghệ môi trường – Viện Công nghệ môi trường (thuộc Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam) triển khai đề tài “Nghiên cứu giải pháp ứng dụng hệ vi sinh vật phân hủy nền đáy để xử lý mùi phát sinh do bùn và nước mặt tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang” với sự chủ trì của kỹ sư Huỳnh Đức Long.
Ngày 27/6 vừa qua, Sở KH&CN Đà Nẵng đã tiến hành nghiệm thu đề tài. Theo khảo sát từ Ban chủ nhiệm đề tài, nguyên nhân ô nhiễm tại âu thuyền Thọ Quang đến từ nhiều nguồn khác nhau: Nước thải và rác thải từ các tàu cá và của người dân hoạt động tại âu thuyền, nước thải từ các trạm xử lý đã qua xử lý được xả trực tiếp ra âu thuyền, nước thải sinh hoạt của khu dân cư xung quanh khu vực âu thuyền chưa được thu gom,…
Bên cạnh đó, hoạt động của chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang cũng là nguyên nhân gây mùi hôi nồng nặc tại khu vực này do quá trình phân hủy thủy sản tại chợ.
Hiện trạng âu thuyền Thọ Quang: Rác thải nổi lềnh bềnh và ứ đọng trên mặt nước đen ngòm. Ảnh: Đoàn Lê |
Kết quả đánh giá hiện trạng môi trường tại khu vực âu thuyền cho thấy hầu hết các điểm xả thải vào âu thuyền đều có chỉ số COD, BOD,NO2, NH4, Colirorm vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn QCVM 14: 2008/BTNMT, các chỉ tiêu môi trường không khí H2S,CO,SO2 … cũng đều vượt giới hạn cho phép.
Sau khi lấy mẫu bùn và phân tích trong phòng thí nghiệm, ban chủ nhiệm đề tài đã tìm ra giải pháp để cải thiện chất lượng môi trường âu thuyền như: Sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước thải và bùn để hạn chế mùi hôi; sử dụng công nghệ hút bùn Sediturle kết hợp cố định chế phẩm sinh học với mục tiêu nhằm loại bỏ trực tiếp một lượng lớn bùn ở đáy âu thuyền, đồng thời sử dụng chế phẩm vi sinh vật phân hủy tạo thành phân Compost sử dụng cho nông nghiệp.
Mỗi ngày, khu vực âu thuyền Thọ Quang đón hàng trăm tàu cá qua lại. Ảnh: Đoàn Lê. |
Qua quá trình nghiên cứu, Ban chủ nhiệm cũng đã tạo ra chế phẩm VSV có khả năng thích ứng và phát triển mạnh cũng như khả năng xử lý các thành phần gây ô nhiễm đặc trưng tại khu vực âu thuyền Thọ Quang.
Hiện chế phẩm đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp bản quyền cho sản phẩm. Thông qua kết quả thu được từ đề tài, với giải pháp xử lý của Viện Công nghệ môi trường Việt Nam, âu thuyền Thọ Quang sẽ được triển khai xử lý để không còn tình trạng ô nhiễm không khí và nước, nhất là vào mùa khô.
Tác giả: Đoàn Lê
Nguồn tin: Tạp chí Khám phá