Kinh tế

Đà Nẵng “mất” sân Chi Lăng, ai chịu trách nhiệm?

Đại án Phạm Công Danh đã khép lại với những bản án đúng người, đúng tội. Song dư luận vẫn băn khoăn về nhiều quyết định bất thường liên tiếp của Đà Nẵng trong thương vụ sân Chi Lăng.

Số phận của sân Chi Lăng vẫn chưa rõ ràng sau khi đại án Phạm Công Danh khép lại.

Những quyết định bất thường

Năm 2010, tập đoàn Thiên Thanh bắt đầu rơi vào tình trạng khó khăn. Để có nguồn tiền, ông Phạm Công Danh – lúc đó là chủ tịch HĐQT kiểm tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh nghĩ đến việc thâu tóm một ngân hàng, và mục tiêu nhắm đến là Ngân hàng Đại Tín (Tiền thân của Ngân hàng Xây dựng).

Ông Phạm Công Danh bắt đầu kế hoạch của mình với một thương vụ “vô tiền khoáng hậu”. Cuối năm 2010, tập đoàn Thiên Thanh dành được quyền phát triển khu phức hợp thương mại – dịch vụ với diện tích 5,5 ha trên nền sân vận động Chi Lăng, quận Hải Châu, trung tâm TP Đà Nẵng.

Căn cứ chỉ đạo của UBND TP. Đà Nẵng, Công ty Quản lý và Khai thác đất TP Đà Nẵng ngày 29/10/2010 đã ký hợp đồng giao đất số 328/HĐ-GQSDD/KTQD với tập đoàn Thiên Thanh. Công ty của ông Phạm Công Danh theo đó bỏ 1.393 tỷ đồng để sở hữu lô đất 55.061 m2 trên nền sân vận động Chi Lăng. Đơn giá tương đương 25,3 triệu đồng/m2, thấp hơn nhiều giá trị thị trường khu vực xung quanh (80 triệu đồng/m2).

Ngày 20/1/2011, Thiên Thanh có kiến nghị HĐND, UBND TP Đà Nẵng được tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của sân Chi Lăng để chia cho các công ty thành viên nhằm thuận lợi trong việc huy động vốn thực hiện dự án. Chỉ 10 ngày sau đó, ngày 21/1/2011, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đã ký quyết định phê duyệt ranh giới 14 lô đất chuyển quyền sử dụng cho 10 công ty thành viên tập đoàn Thiên Thanh, tạo tiền đề để cấp sổ đỏ riêng lẻ cho các lô đất vào đúng 1 tuần sau, ngày 28/1/2011.

Ngay khi có được quyền sử dụng các lô đất trên, ông Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới thế chấp 10 sổ tại OceanBank vay 1.253 tỷ đồng. Có nghĩa rằng phần lớn khoản tiền nộp cho Đà Nẵng để ‘mua’ sân Chi Lăng của Thiên Thanh là tiền từ OceanBank, tập đoàn của Phạm Công Danh gần như bỏ ra rất ít.

Để có tiền trả cho OceanBank, đầu tháng 3/2011, ông Phạm Công Danh bán 5 lô đất cho 2 công ty con của PVN là PVFC (3 lô) và PVFI (2 lô) với tổng số tiền lên tới 1.306 tỷ đồng. Trong thương vụ này, giá đất sân Chi Lăng đã được nâng lên tới 56,7 triệu đồng/m2, gấp 2,24 giá đất Đà Nẵng giao cho Thiên Thanh chỉ một tháng sau khi cấp sổ.

Khoản ‘lãi’ thu được từ thương vụ trên ông Phạm Công Danh dùng trả nợ cho OceanBank, chuyển 20 tỷ đồng vào tài khoản của Thiên Thanh và chuyển vào tài khoản cá nhân 183 tỷ đồng. Số tiền này cùng với khoản tiền ‘bòn rút’ từ Ngân hàng Xây dựng sau đó được Phạm Công Danh chi trả cho nhóm cổ đông cũ của Ngân hàng Xây dựng.

Cụ thể, từ cuối năm 2012 tới đầu năm 2014, ông Phạm Công Danh cùng cấp dưới đã thông qua 10 pháp nhân thuộc tập đoàn Thiên Thanh và 2 công ty khác lập 14 bộ hồ sơ vay vốn khống, định giá khống gấp 13 lô đất tại sân Chi Lăng để vay 4.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Xây dựng (có 7 lô trước đó cầm cố vay tiền ở BIDV vẫn chưa giải chấp), lô còn lại được thế chấp vay tiền ở Agribank chi nhánh Láng Hạ. Số tiền vay được ông Phạm Công Danh dùng để trả nợ BIDV, chi lãi ngoài và trả cho nhóm Phú Mỹ trong thương vụ thâu tóm Ngân hàng Đại Tín.

Đất thế chấp tại Ngân hàng Xây dựng được ông Phạm Công Danh chỉ đạo các cấp dưới nâng khống giá gấp 4 lần (so với mức định giá vay tiền tại BIDV) lên gần 7.500 tỷ đồng. Giá trị thực tế số tài sản trên sau đó được tính toán dưới sự chỉ định của Ngân hàng Nhà nước là khoảng 2.400 tỷ đồng.

Hành động nâng khống giá trị rồi mang 13/14 lô đất sân Chi Lăng đi cầm cố vay tiền ở Ngân hàng Xây dựng, sau đó mất khả năng thanh toán của ông Phạm Công Danh cùng cấp dưới khiến Ngân hàng Xây dựng thiệt hại khoảng 1.600 tỷ đồng.

Dẩu hỏi trách nhiệm

Đây là một trong những sai phạm nghiêm trọng của ông Phạm Công Danh trong đại án Ngân hàng Xây dựng. Các đối tượng liên quan đã bị tòa án tuyên với các mức án đúng người, đúng tội, trong đó ông Phạm Công Danh chịu mức tù 30 năm ở cả hai phiên sơ thẩm tháng 9/2016 và phúc thẩm tháng 1/2017.

Vụ án đã khép lại, song những hậu quả của nó vẫn còn rất nặng nề. Riêng đối với người dân Đà Nẵng, nguy cơ di tích 70 năm tuổi bị ‘băm nát’ cho nhiều nhà đầu tư không phải không thể xảy ra.

Trong lúc này, dư luận đang đặt ra câu hỏi về trách nhiệm cũng như tính minh bạch trong thương vụ giao đất sân Chi Lăng cho Thiên Thanh cách đây 7 năm, khi giá đất giao chỉ bằng 1/3 giá thị trường, và đặc biệt là việc phân mảnh, cấp ‘sổ đỏ’ 14 lô đất cho 10 công ty con của tập đoàn Thiên Thanh mà cả 10 pháp nhân này đều được lập ra vào ngày 1/12/2010, chỉ 3 tháng trước khi được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký quyết định cấp sổ. Tại sao chính quyền Đà Nẵng lại tỏ ra ‘sốt ruột’ trong việc cấp đất cho Thiên Thanh; tại sao dễ dàng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một lúc 10 pháp nhân chỉ mới thành lập trước đó một vài tháng, chưa rõ năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai dự án?

Kể từ đại án Phạm Công Danh được đưa ra ánh sáng, nhiều tiếng nói ở Đà Nẵng đã gay gắt chất vấn về vụ việc sân Chi Lăng. Cuối năm 2014, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng ông Nguyễn Hoàng Sơn bức xúc “truy” UBND TP. Đà Nẵng việc phân lô cấp sổ sân Chi Lăng để tập đoàn Thiên Thanh đi bán, thế chấp ngân hàng có đúng pháp luật hay không; ai là người ký quyết định phân lô; trách nhiệm và hướng xử lý ra sao. Bổ sung ý kiến, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng ông Mai Đức Lộc chất vấn: “Việc đồng ý cho tách 14 lô giao cho 10 đơn vị của tập đoàn Thiên Thanh để huy động vốn là đúng hay sai? Nếu đúng thì sắp tới trong các dự án tương tự, chúng ta có thể cho phép huy động vốn theo kiểu này hay không?”

Mặc dù vậy, cho đến nay vẫn chưa một cuộc thanh kiểm tra hay thậm chí là thông báo công khai của chính quyền Đà Nẵng phản hồi những băn khoăn trên của dư luận. Trong lúc này, ‘số phận’ của sân Chi Lăng vẫn chưa biết đi về đâu. Chính quyền Đà Nẵng đã nhiều lần lên tiếng sẽ chuộc lại sân Chi Lăng, song liệu có khả quan? Mời đón đọc trong kỳ tới: “Mức giá nào cho ‘giấc mơ’ Chi Lăng của người Đà Nẵng”.

Phân lô cấp sổ đỏ khi dự án vẫn “trên giấy”, đúng hay sai

PGS. TS. Nguyễn Thị Nga, trưởng bộ môn Luật Đất đai trường ĐH Luật Hà Nội cho biết trong trường hợp Đà Nẵng giao đất cho tập đoàn Thiên Thanh chỉ thực hiện một dự án thống nhất, thì không được phân lô rồi cấp sổ đỏ cho các lô đất khi dự án vẫn chưa được thực hiện theo đúng quy hoạch được phê duyệt, căn cứ vào Luật Kinh doanh Bất động sản 2005 (Khoản 6 Điều 20 – PV) và Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003 (Điều 101, sau này được luật hóa tại Điều 194 Luật Đất đai 2013 – PV).

Tác giả: Nghi Điền

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP