Chiều 27/5, lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng (Đà Nẵng) và ngành chức năng kiểm tra đột xuất khu du lịch suối Lương dưới chân đèo Hải Vân, thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Khu du lịch này được kỳ vọng mở ra hướng phát triển du lịch về phía Tây Bắc của thành phố, tuy nhiên, do quản lý lỏng lẻo nên các hoạt động kinh doanh du lịch tại đây không theo quy củ.
Lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị rà soát tất cả các hoạt động kinh doanh tại suối Lương. |
Theo báo cáo của lãnh đạo phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, khu vực suối Lương hiện có 9 hộ kinh doanh du lịch. Hầu hết các điểm du lịch dọc suối Lương đều không có giấy phép hoạt động, người dân tự ý xây dựng lán trại, hồ bơi, thu phí với giá khá cao nhưng không hề nộp ngân sách.
Một số khu vực, chủ hộ kinh doanh ngang nhiên xây dựng lán trại, nhà sàn, đổ móng trụ bằng bê tông cốt thép, chặn dòng suối Lương xây hồ nước, sạp bê tông… để kinh doanh, gây ô nhiễm nguồn nước.
Ông Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết, mặc dù chính quyền nắm rất rõ hoạt động kinh doanh du lịch “chui” tại khu vực suối Lương nhưng do cuộc sống của các hộ kinh doanh ở đây đa số nghèo nên địa phương “du di”.
“9 hộ này địa phương cũng mạnh dạn đề xuất với thành phố cho họ tồn tại. Khi nào có dự án và yêu cầu tháo dỡ thì phường tháo dỡ. Nếu không cho họ kinh doanh thì lãng phí diện tích đất rừng ở đó, vì có sông, có suối” – ông Trương Việt nói.
Khu vực suối Lương trước đây do Ban Quản lý Rừng đặc dụng Hải Vân quản lý, sau đó giao về quận Liên Chiểu quản lý, tổng diện tích hơn 1.600 ha. Trong số 9 trường hợp xây dựng các công trình không phép tại khu vực suối Lương có 5 trường hợp xây dựng công trình từ trước năm 2014.
Chặn dòng suối Lương để xây hồ bơi. |
Lãnh đạo quận Liên Chiểu cho biết, hoạt động kinh doanh tại đây diễn ra hàng chục năm trước nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu kinh doanh ăn uống. Mấy năm gần đây, du khách đến khu du lịch suối Lương ngày một đông thì xuất hiện nhiều trường hợp tự ý xây dựng công trình dọc suối.
Theo ông Dương Thành Thị, Chủ tịch HĐND quận Liên Chiểu, ở đây nguy cơ về an toàn thực phẩm, tai nạn, an ninh trật tự có thể xảy ra bất cứ lúc nào. “Ở đây là khu vực suối đá, có những nơi nước rất sâu, nếu trẻ em không khéo thì sẽ rất nguy hiểm. Quá trình di chuyển trên mõm đá tai nạn xảy ra, đã có nhiều trường hợp như vậy. Nếu để hoạt động này tồn tại thì phải đưa vào quy củ, tức phải cấp giấy phép, nếu xét thấy không được thì phải dừng” – ông Thị nêu rõ.
Sau khi kiểm tra thực tế tại khu vực suối Lương, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, các hoạt động kinh doanh du lịch “chui” và tự ý xây dựng công trình tại khu vực suối Lương lẽ ra chính quyền địa phương phải ngăn chặn từ đầu. Việc người dân tự ý ngăn suối để làm du lịch gây ảnh hưởng đến dòng chảy và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho du khách.
Nhiều lều trại xung quanh khu vực suối Lương. |
Ông Đặng Việt Dũng đề nghị ngành chức năng rà soát toàn bộ hoạt động kinh doanh tại khu vực này, nghiêm cấm không cho phát sinh thêm hộ kinh doanh.
“Không thêm lều, không mở thêm khu du lịch, tất cả giữ nguyên hiện trạng như vậy. Tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện có bao nhiêu lều, hồ tắm, bao nhiêu máng trượt, khu du lịch? Hộ đó như thế nào, giao đất ra sao? Địa phương biết hết. Rồi có thu tiền, nộp thuế không, đã được tập huấn bao nhiêu lần? Làm như thế mà không thu tiền là chuyện lạ” – ông Đặng Việt Dũng nói.
Được biết, chỉ riêng tiền cho thuê sạp tại khu du lịch suối Lương đã lên tới 500.000 đồng/sạp. Đó là chưa kể các hoạt động buôn bán bên trong. Thế nhưng chính quyền địa phương lại cho rằng, khách du lịch đến đây không phải mất tiền dịch vụ./.