Tin địa phương

Đà Nẵng giải bài toán thiếu nguồn nhân lực ngành y tế

Thành phố Đà Nẵng hiện đang nghiên cứu xây dựng đề án bệnh viện vệ tinh nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Song, sự thiếu hụt trầm trọng về nguồn nhân lực y tế, nhất là bác sĩ tại các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến quận, huyện cũng như xã, phường đang là một lực cản lớn…

Hiện nay, nguồn nhân lực y tế Đà Nẵng thiếu trầm trọng, tập trung ở các bệnh viện đặc thù, chuyên ngành như Lao và bệnh phổi, Tâm thần, Phục hồi chức năng… Tại tuyến xã, phường, hiện mới có 23 trong tổng số 56 đơn vị có bác sĩ cơ hữu.

Trung tâm y tế các quận, huyện cũng rơi vào tình trạng tương tự, cho nên người bệnh thường phải chuyển lên tuyến trên, mặc dù không thiếu trang thiết bị. Như Bệnh viện đa khoa Hòa Vang, được đầu tư tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng, với quy mô 150 giường bệnh, tám phòng, khoa chức năng với đầy đủ trang thiết bị cùng bốn phòng mổ hiện đại, máy siêu âm màu J16 (hiện đại ngang Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng) cùng thiết bị nội tiêu hóa, cắt lớp vi tính... nhưng vì thiếu bác sĩ chuyên khoa nên các trang thiết bị này chưa vận hành hết công năng.

Trong 273 cán bộ, nhân viên chỉ có 31 bác sĩ nhưng chín bác sĩ phải phục vụ ở trạm y tế các xã và dự phòng. Do vậy để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho hơn 600 lượt người mỗi ngày, bệnh viện này hiện đang thiếu khoảng 15 bác sĩ. Tuyển không được người, bệnh viện đa khoa Hòa Vang phải chọn phương án hợp đồng với các bác sĩ đã về hưu.

Tại Trung tâm y tế quận Liên Chiểu, tình trạng cũng không khả quan hơn. Theo bác sĩ CK2 Lê Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm, thì hiện tại ở đây thiếu khoảng 30 bác sĩ, một số khoa phải ở ghép và không thể thành lập khoa Hồi sức cấp cứu vì không có bác sĩ. Thạc sĩ, bác sĩ CK1 Mai Hữu Phước, Trưởng Khoa Nội, Trung tâm y tế quận Ngũ Hành Sơn cho biết tình trạng thiếu bác sĩ ở đây tập trung ở các khoa: Nội, Lão khoa, Sản, Ngoại - Liên chuyên khoa.

Vì thiếu nên sau ca trực phần lớn bác sĩ đều ở lại tiếp tục làm thêm buổi sáng vì đông người bệnh. Phòng khám biên chế ba bác sĩ, tăng cường một bác sĩ khác vào buổi sáng, nhưng trung bình một bác sĩ sẽ khám từ 70 đến 80 người bệnh/ngày, trong khi quy định một ngày mỗi bác sĩ khám không quá 50 người bệnh.

Trong khi đó, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng (bệnh viện chuyên khoa lớn nhất tại khu vực miền trung, Tây Nguyên) sau 20 năm, đến cuối năm 2015 mới tiếp nhận được một bác sĩ chính quy về công tác theo chính sách thu hút nhân tài. Nguyên nhân là do mức lương quá thấp, lại làm việc trong một môi trường khó khăn. Ngay như Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng dù đã thông báo tuyển dụng liên tục nhưng chỉ tuyển được… hai người, khi nhu cầu là 30.

Trước tình hình đó, Đà Nẵng đã có những chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC)về làm việc trong ngành y tế. Đồng thời, thành phố cũng đã ban hành kế hoạch thu hút, tuyển chọn và bố trí công tác đối với người được cử đi đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú.

Đối với bác sĩ chuyên khoa cấp 2, dược sĩ chuyên khoa cấp 2, thạc sĩ, bác sĩ nội trú và những người tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc được xếp lương theo ngạch, bậc đang hưởng hoặc xếp 100% lương theo ngạch tương ứng với trình độ đào tạo ở bậc khởi điểm.

Hỗ trợ theo chính sách của thành phố đối với đối tượng thuộc diện thu hút nguồn nhân lực một triệu đồng/tháng trong thời gian 5 năm. Sau khi tiếp nhận, bố trí công tác, được nhận hỗ trợ một lần với số tiền từ 15 đến 40 triệu đồng tương đương từng vị trí, bằng cấp chuyên môn. Riêng đối với các sinh viên đang học các chương trình đào tạo theo đề án NNLCLC sẽ được hỗ trợ chi phí từ 27 đến 34 triệu đồng/người/năm.

Thành phố cũng có ưu đãi riêng đối với các bác sĩ đang công tác tại tuyến quận, huyện, TP tự nguyện đến công tác tại trạm y tế các xã miền núi thuộc huyện Hòa Vang được hỗ trợ một lần 15 triệu đồng, về trạm y tế các xã còn lại thuộc huyện Hòa Vang được hỗ trợ 10 triệu đồng và về trạm y tế các phường thuộc các quận được hỗ trợ bảy triệu đồng. Hiện nay, thành phố cũng đang xây dựng lại đề án hỗ trợ thu hút nhân tài để trình Hội đồng Nhân dân thành phố phê duyệt tại kỳ họp vào tháng 7 tới, các chính sách sẽ thay đổi tùy tình hình thực tế của địa phương.

Ngoài ra, một số bệnh viện cũng tự cân đối kinh phí để hỗ trợ các bác sĩ về công tác. Bệnh viện đa khoa Hòa Vang ngoài các chính sách của thành phố cũng hỗ trợ mức từ 8 đến 15 triệu đồng/người, hỗ trợ tiền thuê nhà và khuyến khích đi học các khóa đào tạo chuyên khoa ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu công việc và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Bệnh viện Tâm thần chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực với việc cắt cử y sĩ đi học chuyên tu bốn năm tại Trường ĐH Y Dược Huế. Hiện tại, có 20 bác sĩ học hệ bốn năm để khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ.

Bài toán về nguồn nhân lực đang đặt ngành y tế Đà Nẵng trước nhiều thách thức, khó khăn. Để thu hút được bác sĩ về tuyến cơ sở, bác sĩ Mai Hữu Phước cho rằng, cần có chế độ ưu đãi như các nước, đó là lương của họ cần trả cao gấp hai, ba lần tuyến trên. Đồng thời bác sĩ đi tuyến cơ sở cần có khoảng thời gian nhất định, sau đó nếu họ muốn thì chuyển công tác đi tuyến khác theo như yêu cầu.

Tác giả: NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

Nguồn tin: Báo Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP