Du lịch

Đà Nẵng: Du lịch đường sông trả giá quá lớn sau vụ lật tàu trên sông Hàn

Đà Nẵng đã tạm dừng hoạt động tất cả các tàu du lịch trên sông Hàn. Cái giá mà du lịch đường sông của TP này phải trả sau vu lật tàu Thảo Vân 2 tối 4/6 là quá nặng nề. Nhưng liệu có phải chỉ có chủ tàu, lái tàu mới là người phải chịu trách nhiệm?

Du lịch đường sông bị tạm dừng

Sinh thời, ông Nguyễn Bá Thanh luôn mong ước dòng sông Hàn của Đà Nẵng sẽ “đẹp lên, tưng bừng” lên. Chính vì vậy ông đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để thúc đẩy phát triển du lịch đường sông của TP này, từ quy hoạch các bến du thuyền, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đóng tàu du lịch đến thúc đẩy khơi thông sông Cổ Cò để nối sông Hàn vào tới Hội An, thậm chí “cầm tay chỉ việc” các tàu du lịch nên tổ chức phục vụ khách như thế nào cho hấp dẫn...

Sau vụ chìm tàu du lịch Thảo Vân 2 trên sông Hàn... (Ảnh: HC)


Tuy vậy, cũng phải sau thời gian dài, du lịch đường sông của Đà Nẵng gần đây mới bắt đầu có đôi chút khởi sắc, trên sông Hàn mới bắt đầu có một số tàu du lịch đưa khách qua lại, giúp dòng sông trở nên sáng sủa hơn, sinh động hơn, lung linh hơn vào mỗi tối; tạo thêm các sản phẩm mới cho du lịch của TP, gắn kết giữa sông Hàn với bán đảo Sơn Trà để phát triển du lịch biển, đảo và sắp tới còn là du lịch văn hóa lịch sử, làng quê, sinh thái... khi dòng sông Hàn được khơi thông.

Thế nhưng, tất cả đã bị giáng một đòn rất nặng nề sau vụ tàu Thảo Vân 2 bị chìm trên sông Hàn tối 4/6. Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các ngành tạm ngừng hoạt động của tất cả các tàu du lịch trên sông Hàn để rà soát lại toàn bộ các điều kiện đảm bảo an toàn; đồng thời kiểm tra chặt chẽ quy trình xuất bến trước khi cho phép hoạt động trở lại.

Đó là một quyết định đúng đắn, nhưng có thể nào không nao lòng khi sau vài năm rộn rã những chuyến tàu mang đầy ánh sáng đưa du khách đi thưởng ngoạn Đà Nẵng về đêm, nay dòng sông Hàn lại trở nên lặng lẽ và nhiều bóng tối. Trong khi đó, ở cảng Sông Hàn, cả hai cổng vào đều đã bị barie của CSGT tạm thời ngăn lại. Dưới sông, đoàn tàu du lịch xếp hàng dài...

Những dòng đầy cảm thán

Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực du lịch đường sông ở Đà Nẵng đã đưa lên FaceBook của mình những dòng đầy cảm thán. Một bạn có nick name Anh Tú viết: “Mùa du lịch, mùa thuận về kinh doanh. Vậy mà thời điểm này, tất cả các tàu đều buộc phải neo đậu, đều bị rà soát kiểm tra kỹ lưỡng trước khi xuất bến. Nhưng khi đã đạt các điều kiện cần và đủ, liệu còn vị khách du lịch nào đủ can đảm, dám đánh cược số phận để đặt chân lên những con tàu đó?

Ngay bây giờ đây, xin đừng quy chụp trách nhiệm cho bất kỳ một cá nhân nào cả. Vì nếu để làm đúng và rõ thì lỗi là của cả hệ thống chứ không của riêng ai. Đêm nay, sông Hàn không một bóng tàu du lịch qua lại. Không chỉ chỉ đêm nay mà có thể là năm nay, thậm chí vài năm sau nữa... Hiu hắt và đìu hiu... Phận người như con nước, không biết dạt về đâu?”.


Bạn có nick name Thanh Phú thì viết: “Tháng 04/2009, sau thời gian dài khảo sát, ấp ủ kế hoạch và xây dựng nội dung, chúng tôi được sự hỗ trợ của các cơ quan chính quyền TP đồng ý với chủ trương và cho phép triển khai khai thác Tour du lịch đường sông với 2 sản phẩm chính là du lịch biển đảo và du thuyền sông Hàn. Từ đó đánh dấu sự ra đời của khu du lịch Bãi Cát Vàng, Bãi Ban, Bãi đá đen... Và đặc biệt là làm sống dậy một sông Hàn tuyệt đẹp về đêm trên những con tàu du lịch,...

Cảng Sông Hàn đã tạm thời đóng lại (Ảnh: HC)


Dù không phải là những người chuyên về sông nước nhưng càng làm chúng tôi càng thấy yêu biển đảo quê hương, một thứ tình cảm đến lạ kỳ... Đi tiên phong bao giờ cũng khó, nhưng chúng tôi lại được sự hỗ trợ, ủng hộ nhiệt tình của Sở Du lịch, các anh chị phòng lữ hành, các anh chị công ty lữ hành, khách sạn... với mong muốn sao cho du lịch biển đảo và du lịch đường sông ngày càng phát triển, giúp du lịch Đà Nẵng đa dạng hoá sản phầm,...

Nhưng đêm định mệnh 4/6 dường như đã xoá bỏ công sức của tất cả những con người có tâm huyết với du lịch đường sông, từ lãnh đạo Sở, phòng... đến đội ngũ anh chị em điều hành, hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ,...

Đến hiện trường khi nghe tin sự cố, chứng kiến nỗi đau mong mỏi người thân còn mất tích đến khi chứng kiến lần lượt 3 thi thể được đưa lên trên bờ, chụp và quay rất nhiều video, ảnh nhưng không đưa lên FB vì nỗi đau này là quá lớn ...

ĐAU !!! Chứng kiến nỗi đau của người cha khi mất 2 đứa con, của người vợ khi mất đi chồng mình thì không còn giới hạn của sự đau khổ.

ĐAU !!! Vì nếu như mình cương quyết hơn cho sự ra đời của Hiệp hội du lịch đường sông để loại bỏ những con sâu Thảo Vân ngay từ đầu thì đã không nên cớ sự này !!!

Và ĐAU !!! Đau rất nhiều cho du lịch đường sông Đà Nẵng. Niềm tâm huyết của các bậc ông, chú đi trước chưa hoàn thành, giờ lại phải tiếp tục dang dở...”.


Giá phải trả quá nặng nề

Tại cảng Sông Hàn, chúng tôi gặp thuyền trưởng Lê Văn Lực từng lái tàu du lịch 4U Sông Hàn lao đến cứu các nạn nhân tàu Thảo Vân 2 bị chìm tối 4/6. Ông tâm sự, cái giá mà du lịch đường sông của Đà Nẵng phải trả bởi vụ tai nạn vừa rồi là quá lớn. Và trong cái giá chung phải trả đó, nhiều tàu du lịch, nhiều doanh nghiệp khác vốn làm ăn đường hoàng cũng bị vạ lây.

Đoàn tàu du lịch xếp hàng lặng lẽ ở bến cảng (Ảnh: HC)


Ông Lê Văn Lực tự tin 2 chiếc tàu du lịch 4U Sông Hàn được đầu tư rất bài bản nên hoàn toàn đủ sức vượt qua bất cứ cuộc kiểm tra, rà soát nào về chất lượng phương tiện cũng như chất lượng dịch vụ. Nhưng ông không dám chắc sẽ vượt qua được nếu sự cố vừa qua biến thành cơn khủng hoảng kéo dài. Doanh nghiệp lấy đâu tiền trả lãi vốn vay ngân hàng để đóng tàu, những người lao động như ông biết lấy gì làm kế sinh nhai nếu con tàu cứ phải nằm tại bến vì không có khách...

Theo ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, thống kê sơ bộ cho thấy vào buổi tối định mệnh 4/6, tất cả các tàu du lịch ở cảng Sông Hàn đón tới hơn 1.200 khách. Nguồn khách khá phong phú, từ ngoài nước như Hàn Quốc, Malaysia..., trong nước như Hà Nội, Nam Định, Thái Nguyên, Đắk Lắk, Bình Định, Đà Nẵng... Nay tất cả những kết quả đó đang quay lại điểm xuất phát và có nguy cơ sẽ giẫm chân ở đó khá lâu!

Công luận đang chờ

Gây nên tình trạng này, quá rõ ràng chính là chủ tàu và lái tàu Thảo Vân 2. Vì lòng tham, vì kiểu làm ăn chụp giựt, họ không chỉ khiến xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng làm thiệt mạng 3 người, nhiều người khác bị thương; không chỉ khiến bản thân họ đang phải đối mặt với sự trừng phạt của luật pháp; mà còn khiến du lịch đường sông nói riêng, du lịch Đà Nẵng nói chung chỉ mới gượng dậy sau cơn khủng hoảng “cá chết miền Trung” thì nay lại phải chịu thêm một phen chao đảo mới. Hình ảnh, thương hiệu của cả TP cũng vì thế mà bị ảnh hưởng không nhỏ!

Nhưng, nếu chỉ quy kết trách nhiệm cho riêng chủ tàu, lái tàu Thảo Vân 2 là chưa đủ. Như bạn Anh Tú đã viết: “Nếu để làm đúng và rõ thì lỗi là của cả hệ thống chứ không của riêng ai”. Song không phải vì “lỗi là của cả hệ thống” mà không chỉ rõ ra, xác định trách nhiệm cụ thể của từng người, từng cơ quan trong “hệ thống” đó và có hình thức xử lý thích đáng.

Thông cáo báo chí của UBND TP Đà Nẵng trưa 5/6 cho hay, một trong những nhiệm vụ đã và đang được tập trung thực hiện là: “Chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ thông tin; nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc, khẩn trương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể; yêu cầu không để vụ việc đáng tiếc tương tự xảy ra. Khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc theo quy định của pháp luật”.

Công luận đang trông chờ vào điều đó!

Tác giả bài viết: Hải Châu

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP