Không còn tình trạng xe ben nối đuôi, náo loạn TTATGT trên đường CMT8. |
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, đường Cách mạng tháng 8 (CMT8) hiện không còn tình trạng từng hàng xe ben nối đuôi chạy rầm rập, phóng nhanh vượt, ẩu hay chạy hàng hai đe dọa an toàn của các phương tiện lưu thông cùng chiều như những tháng trước.
Ngay tại các nút giao CMT8 - Ông Ích Đường, CMT8 - Lương Định Của… đoàn phương tiện dừng chờ đèn đỏ khá trật tự. Đèn xanh bật sáng, dòng xe hỗn hợp thoát nhanh khỏi nút giao, phương tiện chuyển hướng dễ dàng khi không còn phải chờ xe ben nối nhau đi qua. Tại nút giao lên cầu Nguyễn Tri Phương, lượng xe ben cũng giảm đáng kể, các xe khác chuyển hướng lên cầu chậm rãi, đảm bảo tốc độ tối đa 40km/h và khoảng cách tối thiểu giữa 2 xe là 30m.
Theo bà Lương Thị Nguyệt, chủ quán cà phê tại chân cầu Nguyễn Tri Phương, từ hơn 1 tháng nay, số xe ben lưu thông qua lại khu vực này giảm hẳn khiến nhiều người ngạc nhiên. “Một số khách ghé quán thấy lạ vì xe ben không nhiều như trước, nhờ thế mà tiếng ồn, khói bụi giảm, việc buôn bán của tôi cũng ít bị ảnh hưởng hơn trước”, bà Nguyệt nói.
Chiều cùng ngày, trên tuyến QL1 đoạn qua xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), những chiếc xe ben chở đất đá từ QL14B rẽ xuống lưu thông theo lộ trình QL1 - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Trần Đại Nghĩa - Võ Chí Công, trước khi đến bãi đáp là các dự án san ủi mặt bằng phía Đông cầu Nguyễn Tri Phương.
Dễ thấy, đây là tuyến đường thưa thớt nhà dân, ít phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, phần lớn lái xe ben đảm bảo tốc độ khống chế tối đa 40km/h. Trên đường Lê Đại Hành - Nguyễn Hữu Thọ - cầu Nguyễn Tri Phương, hoạt động của xe ben cũng chuyển biến tích cực, cho thấy ý thức lái xe đang dần được cải thiện.
Còn nhớ trước đây, đường CMT8 là nỗi ám ảnh thường trực của cả người đi đường và dân địa phương vì mang mác chạy ẩu. Đặc biệt, trong năm 2016, liên tiếp các vụ TNGT chết người liên quan xe ben - xe máy khiến dư luận bức xúc, đích thân lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng phải về đối thoại, tìm biện pháp chấn chỉnh.
Tuy vậy, nhu cầu san lấp mặt bằng các dự án quá lớn khiến đến đầu năm 2017, hệ thống camera giám sát giao thông đếm được đến 4.000 lượt xe ben lưu thông mỗi ngày trên đường CMT8 (chưa kể ban đêm). Bài toán đặt ra, cách nào “giảm nhiệt” xe ben?
Ngày 3/4, UBND TP Đà Nẵng ban hành Công văn 2403, đề ra giải pháp phân chia lưu lượng xe ben trên các tuyến đường tiếp cận dự án. Cụ thể, 40% xe lưu thông qua QL1 (tương ứng 1.600 lượt xe/ban ngày), 30% xe lưu thông trên đường CMT8 (1.200 lượt xe), 30% xe lưu thông trên đường Lê Đại Hành (1.200 lượt xe), chia đều cho ngày và đêm.
Lập tức, một cuộc họp do ông Nguyễn Đăng Huy, Phó giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng chủ trì với chủ đầu tư dự án phía Đông cầu Nguyễn Tri Phương, đại diện chính quyền địa phương, cơ quan chức năng liên quan được tổ chức.
Tại đây, các chủ doanh nghiệp vận tải trên địa bàn cam kết tuân thủ chủ trương của thành phố, tuân thủ Luật GTĐB nhằm thay đổi hình ảnh “hung thần” xe ben lâu nay.
Theo ông Nguyễn Đình Nam, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Hoàng Nguyên, dù cho đội xe chạy trên QL1 về dự án với tuyến đường gấp 4-5 lần so với đường CMT8, tốn nhiều nhiên liệu hơn nhưng vì mục tiêu chung đảm bảo ATGT, đơn vị của ông cùng nhiều doanh nghiệp đồng thuận thực hiện. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng chủ động gắn biển ký hiệu tuyến đường hoạt động trước kính xe đúng theo % đã chia, như một cách nhắc nhở tài xế chạy đúng lộ trình.
Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh TTGT Đà Nẵng cho hay, từ ngày 15/5, đơn vị phối hợp với Công an quận Cẩm Lệ đến chốt nhận vật liệu san lấp mặt bằng để lấy số liệu phương tiện 2 lần/tuần nhằm kiểm tra số lượng xe. TTGT cũng đang rà soát các doanh nghiệp có xe ben không phục vụ san lấp mặt bằng để kiểm tra số lượng xe tăng đột biến, tổng hợp danh sách gửi lực lượng chức năng theo dõi. “Đến nay, qua TTKS, hầu hết các xe tuân thủ nghiêm ngặt quy định phân luồng mới, tạo chuyển biến tích cực”, ông Nghĩa nói. |
Tác giả: Tấn Việt
Nguồn tin: Báo Giao thông