Du lịch

​Đà Lạt, mùa phượng tím đang về...

Bạn vừa đi Đà Lạt về bảo "phượng tím năm nay nở sớm, chưa gì đã tím khắp trời...”. Đà Lạt đang vào mùa phượng tím. Mới nghe thôi đã xốn xang, chồn chân muốn đi rồi.



Sắc hoa phượng tím Đà Lạt - Ảnh: Trân Duy


Bác Sử, một người bạn già của cha tôi, hiện đang lưu lạc trời Tây mới hôm trước gửi mail về hỏi: “Cây phượng tím già ở chợ Đà Lạt đã trổ bông chưa?”.

Cây phượng tím già ở chợ Đà Lạt. Cây phượng hơn 50 năm tuổi, bông có khi lưa thưa, có khi tím thẫm từng chùm, gần như ít ai nhớ để nhìn vì Đà Lạt những năm sau này được trồng rộng khắp. Và nó, cây phượng già đó cũng đang bị "xâm lấn” bởi những quầy hàng buôn bán chen kín bao quanh, nên nhìn đã già cỗi, xác xơ...

Vì vậy, chắc mấy ai còn nhớ đó là cây phượng tím được trồng đầu tiên tại Đà Lạt của kỹ sư Lương Văn Sáu, một trong những kỹ sư canh nông thế hệ đầu tiên của Việt Nam được đào tạo chính quy chuyên về hoa, tốt nghiệp Trường nông nghiệp Versailles (Pháp). Một người con đất Việt tự đặt ra bổn phận sau khi học, ngoài kiến thức mang về, còn là những hạt giống hoa và cây con - những giống cây hoa quý từ trời Âu, để trồng trên đất Việt.

Và có thể, chừng nào cây phượng tím ở chợ còn nở hoa. Linh hồn của người trồng hoa Lương Văn Sáu sẽ còn sống mãi.

Từ mảnh đất Đà Lạt, ông đã ươm trồng rất nhiều loại cây hoa, cũng như có công lập ra cái vườn hoa ở một góc đầu hồ Xuân Hương (ngày xưa còn có tên là vườn Bích Câu) hay Vườn hoa lớn.

Ngoài cây phượng tím ở đầu chợ Đà Lạt, còn có cây vông mồng gà nằm nghiêng bên hàng rào sân sau khách sạn Palace, cây hoa chuông vàng ở chùa Chén kiểu (Linh Phước) và còn bao nhiêu cây hoa khác biết đâu vẫn còn xanh lá tươi hoa trong một số vườn hoa, trên đường phố, trong khuôn viên các nhà khách, dinh thự, nhà thờ, chùa chiền...

Cha tôi và bác Sử là thế hệ đàn em của kỹ sư Lương Văn Sáu. Trong ký ức của ba tôi, kỹ sư Sáu cao đến Tây còn phải nể (khoảng trên 1m80), còn kiến thức về trồng trọt thì vô cùng uyên thâm.

Khi biết “đàn anh” bệnh tật, không còn nói được. Ba tôi hay cố viết bài cộng tác cho một tờ báo chuyên ngành, rồi lại đóng gói gửi báo, gửi thêm chút tiền nhuận bút cho ông vui. Khi biết tin kỹ sư Sáu mất, ba tôi ngồi thừ ra, dáng buồn hắt hiu.

Rồi cũng phải lâu lắm, tôi mới có thể khao ba tôi một chuyến du lịch Đà Lạt. Xe dừng nghỉ, ăn trưa ở thác Đambri. Bên hông nhà hàng ăn là một cây phượng tím đang trổ hoa rực rỡ.

Anh hướng dẫn viên khi đó đã nhắc đến cố kỹ sư Lương Văn Sáu, về chuyện hoa phượng tím sau khi nở rất khó đậu hạt, nơi cố hương của nó hoa chỉ thụ phấn nhờ một loài chim hút mật. Nhưng với tài năng của mình, kỹ sư Sáu vẫn có thể chiếc cành, ươm trồng ra những cây phượng tím con. Để sau đó, đến cuối xuân đầu hè, phượng tím lại phủ tím sắc trời xanh Đà Lạt.

Tôi thấy ba tôi mỉm cười, trông ông rất vui vẻ.

Đến Đà Lạt, trong khi mọi người nghỉ ngơi chờ ăn tối, ba tôi ngỏ ý muốn đi xem cây phượng tím ở chợ Đà Lạt. Ông đi quanh cây, ngắm nghía như gặp một người thân quen...

Rồi bao mùa lễ hội hoa Đà Lạt qua đi, Đà Lạt trở về ngôi vị thành phố ngàn hoa rực rỡ. Dân du lịch nườm nượp kéo về Đà Lạt theo những mùa hoa: mùa dã quỳ hoang dại vàng rực, mùa mimosa kiêu sang, mùa đỗ mai hồng - trắng, mùa mai anh đào thắm hồng, và mùa phượng tím.

Cây phượng tím sau này không còn lấy giống từ cây phượng tím mẹ của cố kỹ sư Lương Văn Sáu. Chúng là giống mới đến từ nam bán cầu, từ Australia. Hoa chùm dày, từ đậm đến nhạt. Vì là cây tơ, lại được vun trồng, chăm bón tốt nên cứ đến mùa là “tím toàn tập”.

Nhưng trong mắt ba tôi và những người bạn già Đà Lạt ưa hoài niệm, thì cái màu tím ấy không thể nào bằng cái cây phượng tím già bông lưa thưa kia. Như cái dáng cao gầy của người trồng nó, đến mùa hoa nở lại chống gậy đi từ đường trên dốc xuống, im lặng ngắm màu tím rưng rưng...

Rồi Đà Lạt có thêm phượng trắng. Vừa nghe tin, chúng tôi đã đón xe đi một lèo trong đêm lên Đà Lạt. Chạy đến căn nhà có cây hoa để từ ngoài rào thò ống kính "cùi bắp" chụp vào, để mang ảnh về tặng cho ba tôi. Lúc nầy căn bệnh khớp đã khiến ông không thể đi lại nhiều.

Như mọi người lúc đó, ông cũng chia sẻ niềm vui, rằng một ngày nào đó trên khắp vùng miền Việt Nam, ngoài phượng vĩ hoa đỏ mùa hè, còn có phượng vàng, phượng son, phượng tím và phượng trắng. Để quê nhà xứ Việt ngoài vang danh cây trái ngọt lành, còn là xứ của những mùa hoa phủ khắp.

Đà Lạt đang vào mùa phượng tím, kề sau mùa mai anh đào nở muộn. Những người trẻ khăn áo xúng xính rủ nhau đi Đà Lạt chụp hình cùng hoa phượng tím. Những bông hoa phượng tím giống Australia, và chắc những người trẻ cũng không có khái niệm gì về cái cây phượng tím "già và xấu xí” ở gần chợ Đà Lạt.

Mà muốn chụp hình với nó cũng khó vì quá vướng, vướng người buôn bán, đây điện, mái che, bạt... mà hoa của nó cũng cao quá. Không lòa xòa, không chùm thật to, thật rực như những cây trẻ trung trên các đường phố khác.

Để biết về một người Đà Lạt, một kỹ sư nông học tên Lương Văn Sáu, một ông già cuối đời bệnh tật, mất trong lặng lẽ, chỉ để lại gia tài vô giá là những cây hoa.

Để những người như cha tôi, bác Sử, những người Đà Lạt lớn tuổi khác, cứ mùa hoa phượng tím về lại thăm hỏi, trò chuyện về “cây phượng tím đằng chợ” với tâm ý chờ “nó” ra bông như một đại diện cho một mùa hoa Đà Lạt. Hay như nói văn hoa: đó là cây hoa di sản, chuyên chở ký ức Đà Lạt, như cuộc đời lặng lẽ của người ươm mầm và trồng nó...



Tán cây phượng tím ở chợ Đà Lạt - Ảnh: Trân Duy


Nhìn chùm hoa tím in trên nền trời xanh Đà Lạt - Ảnh: Trân Duy


Sắc hoa phượng tím Đà Lạt - Ảnh: Trân Duy


Một cây phượng tím nở kín hoa - Ảnh: Trân Duy


Hoa phượng tím trong nắng Đà Lạt - Ảnh: Trân Duy


Muôn vẻ phượng tím Đà Lạt - Ảnh: Trân Duy

Hoa phượng tím rụng đầy hè phố Đà Lạt - Ảnh: Cao Cát


Đà Lạt không có con đường nào mang tên kỹ sư Lương Văn Sáu, cũng không có nhiều hình ảnh lưu giữ về ông, nhưng rất nhiều hướng dẫn viên, khi đưa du khách đến đúng vào mùa phượng tím Đà Lạt, lại trân trọng kể về ông. Về những cây hoa ông đã trồng. Về một kỹ sư hành trang mang về từ Pháp chỉ toàn là sách và hạt giống.
Và có thể, chừng nào cây phượng tím ở chợ còn nở hoa. Linh hồn của người trồng hoa Lương Văn Sáu sẽ còn sống mãi.

Tác giả bài viết: Nga Bích

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP