Trong nước

Cựu Chủ tịch TrustBank khai gì?

Sau hai ngày bị bắt, cựu Chủ tịch TrustBank Hoàng Văn Toàn phủ nhận sai phạm trong việc cho 2 công ty của ông Phạm Công Danh vay, gây thất thoát 470 tỷ đồng.

Cựu Chủ tịch TrustBank sai phạm như thế nào
Bắt tạm giam cựu Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín

Chiều 12/1, phiên xử phúc thẩm ông Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng tiếp tục với phần phát biểu quan điểm của các luật sư.

Gần cuối giờ chiều, ông Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín - TrustBank), cựu Tổng giám đốc Trần Sơn Nam và một cấp dưới được dẫn giải đến tòa. Họ vừa bị bắt giam 2 ngày trước, song trong vụ án này ông Toàn tham gia với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trình bày với HĐXX, ông Toàn kháng cáo nội dung khởi tố của tòa sơ thẩm trước đó, cho là ông sai phạm khi cấp tín dụng cho 2 công ty của ông Danh vay 650 tỷ đồng không đúng quy định dẫn đến thiệt hại 470 tỷ. Ngoài ra, trong thời gian điều hành TrustBank trước khi chuyển nhượng cho ông Danh, ông Toàn và cấp dưới được cho là cùng với bà Hứa Thị Phấn (người tiền nhiệm) có sai phạm nhằm rút tiền trái phép từ ngân hàng dẫn đến thua lỗ 2.800 tỷ đồng. Đây là những lý do khiến ông vừa bị bắt.

Ông Toàn thừa nhận hội đồng tín dụng của TrustBank (do ông đứng đầu) vi phạm quy định 852 (2011) về vấn đề thẩm định giá tài sản bảo đảm cho những hợp đồng vay 500-700 triệu đồng trở lên. "Nhưng đây là vi phạm quy định nội bộ của ngân hàng chứ không phải văn bản pháp luật và cũng không có sự chỉ đạo của tôi", ông nói.

Theo cựu Chủ tịch TrustBank, cơ sở mà HĐXX khởi tố vụ án là không đúng. Thời điểm sau phiên xử sơ thẩm ông Danh tòa khởi tố vụ án nói chung, ông không phải là bị can nên không trình bày nội dung xem xét, mà chỉ nghi ngờ bị xâm phạm về quyền lợi nên kháng cáo.

Cựu chủ tịch Hoàng Văn Toàn và một số người trong hội đồng tín dụng vừa bị bắt để điều tra về sai phạm phê duyệt cho 2 công ty của ông Danh vay, gây thiệt hại 470 tỷ đồng. Ảnh: H. D.

Tương tự, ông Trần Sơn Nam nói việc khởi tố liên quan đến hành vi của ông là không đúng, đề nghị HĐXX xem xét lại cả thẩm quyền.

Các luật sư bảo vệ cho hai cựu lãnh đạo TrustBank và những người liên quan vừa bị bắt cũng cho rằng, tòa sơ thẩm đề nghị khởi tố để điều tra về những sai phạm của nhóm người này "có sự không thống nhất về tội danh giữa nội dung công bố tại tòa và nội dung ghi trong bản án".

Bảo vệ quyền lợi ích cho bà Hứa Thị Phấn, luật sư cho biết thân chủ kháng cáo 2 nội dung liên quan đến việc khởi tố vụ án điều tra về những dấu hiệu sai phạm của bà và thu hồi hơn 850 tỷ đồng (ông Danh chuyển cho bà) được cho là tang vật vụ án.

Đồng thời, bà Phấn cũng không đồng ý với kiến nghị của VKS hôm 10/1, về việc đề nghị thu hồi 2 khoản tiền 87 tỷ đồng và 970 tỷ đồng (được cho là tang vật vụ án) mà cấp sơ thẩm chưa xem xét.

Theo luật sư, muốn thu hồi số tiền trên thì cần xem xét lại đề án tái cơ cấu của Ngân hàng Đại Tín và nhóm Thiên Thanh có hợp lệ hay không. Tháng 6/2012, bà Phấn và nhóm Thiên Thanh đã đồng ý bán lại Ngân hàng Đại Tín với 84% vốn điều lệ. Ông Danh phải thanh toán cho bà Phấn 4.600 tỷ đồng cũng như lãi phát sinh.

Tháng 10/2012, bà Phấn và nhóm Thiên Thanh đã ký hợp đồng chuyển nhượng. Ông Danh phải thanh toán cho nhóm của bà Phấn 1.000 tỷ đồng trước ngày 31/12/2012 thì Ngân hàng Nhà nước mới cho ông tiếp quản ngân hàng. Ông Danh sau đó được đồng ý tham gia tái cơ cấu và trở thành Chủ tịch của ngân hàng này và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng - VNCB.

Luật sư cho rằng, ông Danh biết thực trạng của ngân hàng chứ bà Phấn không lừa. Việc giao dịch giữa bà Phấn và ông Danh là dân sự hợp pháp nên không có căn cứ thu hồi số tiền này.

Việc tòa đã bác quyền kháng cáo của 13 người trong nhóm Phú Mỹ do bà Phấn làm đại diện là tước bỏ quyền xét xử 2 cấp đối với họ. Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm, chấp nhận kháng cáo của bà Phấn, tách phần dân sự trong hình sự để làm rõ.

Tác giả bài viết: Hải Duyên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP