Khi quỹ đen bị lộ tẩy
Vợ chồng nhà Minh – Oanh từ khi mới kết hôn đã thống nhất là Oanh sẽ quản lí chi tiêu của gia đình, Minh nộp lương hàng tháng cho vợ, chỉ giữ lại một khoản trà nước, xăng xe, nếu có gì phát sinh nhiều thì tường trình rõ ràng, Oanh sẽ phê duyệt xuất quỹ. Mọi chuyện vẫn êm đẹp cho đến khi xảy ra việc trên. Đây chẳng phải quỹ đen của chồng cô thì còn ai có thể mang tiền vào nhà cô giấu được? Nhà chỉ có 3 người, cô, Minh và đứa con vẫn còn trong bụng mẹ.
Oanh giận lắm, mang đến trước mặt chồng chất vấn thì Minh cuống quýt xin lỗi. Anh bảo, anh cũng cần nhậu nhẹt giao lưu, hay đôi khi anh em mượn vài trăm cũng có mà cho mượn, mà mấy cái khoản này xin tiền vợ không tiện, lại bị cằn nhằn, tra hỏi đủ điều, nên mới tàng trữ quỹ đen như thế.
Oanh thở dài, nghĩ cũng phải. Nhưng cái cảm giác bị chồng qua mặt giấu giếm làm cô rất khó chịu, thì ra ngoài lương Minh vẫn còn khoản thu khác mà cô không biết. Chồng giấu tiền làm gì, cũng là câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu Oanh.
Tình huống lộ quỹ đen của anh Đình (quận 7, TP HCM) còn bi hài hơn. Vợ chồng anh có một cửa hàng vật liệu xây dựng, vợ là người quản lý tài chính. Tranh thủ những lúc vợ không để ý, anh vẫn nhón ít tiền hàng giấu đi. Anh nhét tiền vào đôi tất cũ, bỏ trong đôi giày cũ, cất trong nhà kho.
Trong một lần dọn dẹp nhà cửa, vợ anh vứt bỏ những món đồ cũ, bẩn, bao gồm cả đôi giày mốc của anh. Mãi hai ngày sau, khi bổ sung tiền vào quỹ, anh mới phát hiện ra đôi giày biến mất. Xót tiền bị mất, hai vợ chồng giận nhau cả tuần.
Quỹ đen của chị T (Hà Nội) bị lộ tẩy lại chính là nguyên nhân khiến chồng chị đòi ly dị. Trước khi cưới để tránh chuyện phân biệt “nhà anh, nhà tôi”, anh N – chồng chị T đã nói với vợ nếu cho ba mẹ hai bên tiền thì phải cùng bàn bạc công khai và đưa ra quyết định.
Tuy nhiên, nhiều lúc chị T muốn biếu bố đẻ ít thuốc bổ, biếu mẹ cái áo ấm hơi đắt tiền, anh N dù không phản đối nhưng mặt cũng không được vui. Nhiều lần phải tìm lý do như ông ốm, bà mệt, cậu em phải đóng tiền học gấp... để xin chồng biếu nhà ngoại, chị rất nản lòng. Bởi thế, chị tự trích ra một ít tiền làm quỹ đen. Số tiền này là tiền chị làm thêm không được tính vào lương.
Mỗi tháng góp một ít số tiền quỹ đen của chị cuối năm cũng lên tới 50 triệu. Hôm chồng đi công tác, chị chở con gái về nhà mua cho bố mẹ đẻ cân thịt bò bồi bổ. Thấy tủ lạnh bị hỏng, chị rủ ngay em trai ra siêu thị gần nhà mua mới cho ông bà cái tủ lạnh.
Xem xong tủ lạnh lại nhớ ra nhà chưa có máy giặt, ông bà mùa đông phải giặt đồ bằng tay, chị mua luôn cái máy cửa ngang tặng ông bà, tổng giá mua 2 món đồ lên đến 20 triệu đồng.
Chuyện chẳng có gì nếu như một ngày chồng chị không phát giác. Tối đó anh chị cãi nhau to. Anh bảo chị tham lam, dối trá giấu tiền cho nhà đẻ, còn chị cho rằng đấy là tiền riêng của chị và vì anh quá kỹ tính, ky bo nên chị mới phải giấu. Trong cơn bực tức, anh nói: “Nếu cô muốn lo lắng cho nhà đẻ thế thì đừng lấy chồng. Giờ lấy rồi thì tôi cho cô về nhà để lo cho bố mẹ, em út cô”. Nói là làm anh đùng đùng viết đơn đòi ly hôn.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tuyết Mai, tổng đài tư vấn 1088, Bưu điện TP.HCM cho biết, có rất nhiều lý do khiến chồng/vợ lập quỹ đen. Nhiều ông phàn nàn “đưa tiền cho vợ, vợ tươi như hoa. Lấy tiền từ vợ, vợ nhăn như bị”.
Có người lập quỹ đen để giúp đỡ gia đình nhà mình vì vợ thiếu hợp tác. Có người lập quỹ đen vì những lý do rất tế nhị, ví dụ muốn có tiền để mua quà tặng sinh nhật vợ, để mua món này món kia cho gia đình bố mẹ ruột.
Bên cạnh đó, cũng có những quý ông lập quỹ đen phục vụ cho những mục đích đen tối như ngoại tình, cờ bạc... Các bà vợ cũng như vậy và cho dù mục đích lập quỹ đen là gì thì đây vẫn là một bức tranh hôn nhân không đẹp, vợ chồng có sự nghi kỵ, không tin tưởng nhau, hai người đều muốn thể hiện quyền lực của mình.
Các chuyên gia tâm lý đều khuyên khi phát hiện ra “bạn cùng nhà” có quỹ đen, người vợ/chồng cần tế nhị, tìm hiểu nguyên nhân và mục đích lập quỹ của đối phương để có những ứng xử phù hợp. “Nếu nguyên nhân bắt nguồn từ lỗi của cá nhân mình thì người đó cần phải hết sức thông cảm và thay đổi cách quản lý tiền của mình” - chuyên gia Mai lý giải.
Nhiều năm làm công tác tư vấn tâm lý, bà Mai đã gặp khá nhiều cuộc hôn nhân trục trặc, thậm chí vợ chồng dẫn nhau ra tòa chỉ vì việc không công khai tài chính, mạnh ai nấy tiêu, không có sự giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau khi khó khăn. Theo bà, thiếu sự tin tưởng lẫn nhau chính là một nguyên nhân rất lớn khiến hôn nhân tan vỡ.
Vì vậy, theo bà Mai, để tránh tình trạng lập quỹ đen, ngay từ đầu khi chung sống, vợ chồng cần công khai, minh bạch về tài chính. Với tất cả các khoản chi tiêu, cả hai nên có sự trao đổi thống nhất với nhau. Bà đúc rút, trong gia đình, ai quản lý tiền bạc đều được song quan trọng là phải rõ ràng các khoản thu chi, phải vì lợi ích chung của gia đình.
GS.TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa du lịch cũng phân tích: Nếu mục đích lập quỹ đen là xấu, ví dụ bài bạc, bồ bịch…, người vợ/chồng cần ngăn chặn ngay lập tức. Đấy cũng chính là bảo vệ bạn đời, bảo vệ hạnh phúc gia đình mình.
Còn mục đích không nguy hiểm thì người vợ/chồng nên hết sức tế nhị, thậm chí có thể giả vờ như không biết, đừng làm gì khiến đối phương cảm thấy tự ái, rồi nghĩ rằng bị theo dõi quản lý, có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Hai bên nên thể hiện sự tin tưởng lẫn nhau, minh bạch kinh tế.
Tác giả bài viết: An Khê