Trong nước

Cuộc trăn trở đưa Đà Nẵng lên Trung ương 20 năm trước

Để có cơ hội trình bày nguyện vọng tách Đà Nẵng khỏi tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Bá Thanh chờ trực cả tuần ở Hà Nội và hứa với Thủ tướng Võ Văn Kiệt "không làm được chú Sáu cứ cách chức cháu".

Chưa từng là đơn vị hành chính dưới thời phong kiến, đến năm 1888, Đà Nẵng được triều đình nhà Nguyễn ký thỏa thuận giao cho Thực dân Pháp. Từ đó, mảnh đất này trở thành khu vực nhượng địa, hoạt động theo luật lệ của người Pháp. Khi Mỹ tham chiến ở Việt Nam (1965), Đà Nẵng là thành phố lớn thứ hai của chế độ Việt Nam Cộng hòa, chỉ sau Sài Gòn.

"Nhưng nơi đây cũng chỉ có vài chục con phố nhỏ, hạ tầng dân sự không được xây dựng nhiều mà chủ yếu là căn cứ quân sự. Đà Nẵng lúc đó là nơi tiêu thụ chứ không sản xuất, từ cái tăm cũng phải nhập ở Chợ Lớn về. Cả thành phố sống bám vào bộ máy chiến tranh", ông Nguyễn Đình An, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, kể lại.

Sau ngày đất nước thống nhất (1975), Đà Nẵng sáp nhập lại vào Quảng Nam. Dù ít bị tàn phá, nhưng kinh tế thành phố không có gì đặc biệt, nền công nghiệp nhỏ bé, què quặt. Chính quyền đưa hàng trăm nghìn người ở thành phố về nông thôn để sản xuất nông nghiệp, hàn gắn vết thương chiến tranh. "Nhưng thời gian thừa thắng xông lên cũng chỉ có mức độ, thành phố sớm bước vào thời kỳ trì trệ", ông An nhớ lại.

Thành phố "5 không"

20 năm trước, Đà Nẵng có rất nhiều khu 5 không: Không điện, không nước sạch, không nhà vệ sinh, trẻ không có giấy khai sinh và không được đi học.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh trong một lần làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mạnh dạn nói rằng, cùng là thành phố cảng, nhưng kinh phí được cấp của Đà Nẵng chỉ bằng kinh phí một công ty vệ sinh của Hải Phòng.


Xóm nhà chồ ven sông Hàn những năm 1990.

Ông Vũ Ngọc Hoàng (nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; năm 1997 là Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), cho biết lúc bấy giờ dù đất nước đã trải qua 10 năm đổi mới, Đà Nẵng cũng được hưởng một số cơ chế đặc thù tạo thuận lợi cho sự phát triển, nhưng lãnh đạo và người dân nơi đây vẫn khát khao một sự thay đổi mạnh mẽ hơn.

Lúc này, Đà Nẵng phát triển rất khó khăn vì cơ chế ngang cấp huyện, cái "áo chật" đó đã phần nào hạn chế sự phát triển của thành phố suốt 22 năm (1975-1997). Trong khi đó, Quảng Nam - Đà Nẵng diện tích rộng và miền núi nhiều, chính quyền tỉnh bị phân tâm giữa tập trung phát triển thành phố Đà Nẵng hay phát triển vùng nông thôn và miền núi. Con đường nào cũng lỡ dở vì đưa nông thôn và miền núi đi lên thì không có vốn, còn khơi dậy Đà Nẵng lại không có cơ chế.

Để thay đổi tình thế, năm 1994, Bộ Chính trị điều động hai nhân sự xứ Quảng đang công tác ở Trung ương về quê, ông Mai Thúc Lân (quê Điện Phước) làm Bí thư Tỉnh ủy và ông Trương Quang Được (quê Hội An) làm Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Vũ Ngọc Hoàng nhớ lại, câu chuyện "tách hay giữ" Đà Nẵng được bàn tới bàn lui rất nhiều trong lãnh đạo tỉnh. Hồi đầu nội bộ Thường vụ, cấp ủy còn nhiều ý kiến, một số muốn tách ra để phát triển, một số phản đối vì muốn giữ nguyên truyền thống và sợ tách ra sẽ khó bố trí chiến lược.

"Hồi đầu giằng co, cuối cùng mục tiêu tách ra để phát triển đã thắng thế", ông Hoàng nói và cho biết chính quyền địa phương Đà Nẵng đã có tác động mạnh mẽ và đề nghị ra Trung ương quyết định. Được Trung ương "bật đèn xanh", việc xúc tiến để nâng cấp Đà Nẵng được nhanh chóng thực hiện.


Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An. Ảnh: Nguyễn Đông.

"Đã là quan liêu bao cấp trói buộc lại thêm cơ chế thành phố thuộc tỉnh thì càng chật hẹp, tù túng. Nếu không tách khỏi Quảng Nam thì Đà Nẵng không thoát khỏi cảnh giật gấu vá vai, thiếu trước hụt sau", nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An nói và cho biết thời điểm Đà Nẵng xin chia tách có một số tỉnh cũng muốn tách như Bình Trị Thiên, Hà Nam Ninh... vì địa giới hành chính quá dài.

"Nhưng phải khẳng định việc chia tách Đà Nẵng khỏi tỉnh Quảng Nam có tác động của thành phố Đà Nẵng cũ, trong đó có vai trò của Chủ tịch Nguyễn Bá Thanh nên tiến trình nhanh, mạnh hơn", ông nói.

Cuộc "đột nhập" Phủ Thủ tướng

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng (bạn thân của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) kể lại câu chuyện về cuộc đột nhập Phủ Thủ tướng (nay là Văn phòng Chính phủ) của Chủ tịch Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh (khi đó ngoài 40 tuổi).

Sau lần gặp Thủ tướng ở Đà Nẵng và được mời "khi nào ra Hà Nội ghé mình chơi", ông Bá Thanh quyết định ra Thủ đô bày tỏ nguyện vọng xin cho Đà Nẵng được trực thuộc Trung ương.


Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng (bạn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) kể câu chuyện "thâm cung bí sử" về chuyến đột nhập Văn phòng Chính phủ của cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: Nguyễn Đông.

Dù đã đăng ký xin gặp, nhưng chờ cả tuần không nhận được hồi âm, ông Bá Thanh biết Thủ tướng thích chơi tennis sau giờ làm việc nên nghĩ ra cách sắm bộ quần áo thể thao và vợt tennis. Đến cửa Văn phòng Chính phủ, ông giục tài xế chạy nhanh. Bảo vệ thấy xe lạ liền chặn lại, ông Thanh ló đầu qua kính trả lời "chú Sáu rủ vào đánh tennis".

Vào được phía trong, ông Bá Thanh ngồi chờ hàng giờ, hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc kia. Cuối giờ chiều, Thủ tướng Võ Văn Kiệt bước ra sân thể thao thấy ông Bá Thanh liền hỏi: "Chú đi đâu?". Nghe câu hỏi của Thủ tướng, ông Thanh thật thà bảo đã chờ ở Hà Nội một tuần nhưng không gặp được Thủ tướng nên nghĩ ra cách này. Ông đồng thời xin Thủ tướng không truy xét những người đã giúp mình.

Được mời vào phòng, ông Bá Thanh bày tỏ ngay nguyện vọng "cho thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, chứ còn ở trong tỉnh Quảng Nam thì như võ sĩ đánh dưới gầm giường, đụng đâu vướng đó", kèm lời hứa "nếu làm không được chú Sáu cứ cách chức cháu".

Không tham đất để giành lấy cơ hội

Ngày 7/10/1996, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Mai Thúc Lân nhận được công điện của Trung ương với nội dung: Bộ Chính trị đã nhất trí chia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và nâng cấp Đà Nẵng lên thành phố trực thuộc Trung ương. Tỉnh phải chỉ đạo hoàn tất thủ tục để kịp trình Quốc hội quyết định trong cuộc họp giữa tháng 10 này.


Thành phố Đà Nẵng đã phát triển vượt bậc sau 20 năm trực thuộc Trung ương. Ảnh: Nguyễn Đông.

Lúc này giữa Đà Nẵng và Quảng Nam nổi lên vấn đề cần gấp rút hoàn thành để kịp trình Quốc hội là chia tách địa giới hành chính. Có tới 4 phương án được đặt ra với mục tiêu "tạo nên địa giới hành chính phù hợp với một Đà Nẵng trực thuộc Trung ương". Trong đó, địa giới nhỏ nhất gồm thành phố Đà Nẵng hiện tại và huyện Hòa Vang. Còn rộng nhất là gồm thành phố Đà Nẵng và các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Hội An. Nếu theo phương án rộng thì Quảng Nam chỉ còn vùng đất trống đồi trọc.

"Cứ đưa ra cãi nhau thì không kết thúc được, lỡ mất thời gian trình Quốc hội nên ông Bá Thanh quyết định nhanh chỉ lấy huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa về Đà Nẵng", ông Nguyễn Đình An kể.

Ngày 6/11/1996, kỳ họp Quốc hội lần thứ 10 (khóa IX) đã ban hành nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, xác định thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương vào ngày 1/1/1997 với 7 đơn vị hành chính; diện tích gần 950 km2 (chưa bao gồm huyện đảo Hoàng Sa); dân số 660.000.

Ông Vũ Ngọc Hoàng nhận xét, nhờ chia tách mà 20 năm qua cả Đà Nẵng và Quảng Nam đều thay đổi hẳn bộ mặt. Lúc mới chia tách, ngân sách Đà Nẵng gấp 12 lần Quảng Nam, còn bây giờ Quảng Nam đã vượt Đà Nẵng. Đà Nẵng hiện tăng ngân sách hơn 10 lần, trong khi Quảng Nam là 150 lần. "Việc chia tách giúp cả hai địa phương đều có lợi và đó là minh chứng cho một quyết định đúng, kịp thời", ông nói.

Từ một đô thị cấp 3, thành phố trực thuộc tỉnh với cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn; bên kia bờ đông sông Hàn là xóm nhà chồ tạm bợ, cuộc sống người dân bấp bênh theo những chiếc đò ngang mưu kế sinh nhai..., sau khi tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trực thuộc Trung ương, thành phố đã vươn lên mạnh mẽ trở thành một điểm sáng đô thị hiện đại của miền Trung cũng như cả nước.

Nhân dịp này, chúng tôi đăng loạt bài về "câu chuyện 20 năm" của thành phố bên bờ sông Hàn.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đông

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP