(Ảnh minh họa: Getty) |
Kiệt quệ thể xác, ám ảnh tinh thần
Một cậu bé tuổi còn nhỏ đôi mắt ngắm nghiền, cánh tay bám chặt lấy tay mẹ vì không muốn chứng kiến cảnh nhóm phiến quân IS hành quyết phạm nhân. IS tại Raqqa, Syria đã đưa ra luật lệ nếu đã ở ngoài đường phố thì buộc phải xem cảnh xử tử.
Cậu bé trên, 11 tuổi, hiện đã di cư sang Beirut (Li-băng), đã chứng kiến 10 vụ chặt đầu và 1 lần IS hành hình phạm nhân bằng cách quăng từ trên tòa nhà cao tầng xuống đất. “Một vài người bạn của cháu thường hay đi xem cảnh này. Họ thích nó”, cậu bé chia sẻ.
Trẻ em lớn lên từ vùng đất cho IS cai quản đã hứng chịu sự quản lý hà khắc và bạo tàn. Trường học bị đóng cửa nhiều năm. Con trai bị ép tham gia chiến đấu.
Bác sỹ nhi Rajia Sharhan, từ tổ chức Unicef và người chuyên khám cho những đứa trẻ đã trốn thoát khỏi khu vực do IS chiếm giữ, cho biết một đứa trẻ dưới 2 tuổi bình thường rất khó để có thể khám. Chúng sẽ quẫy đạp và chống cự, khóc theo bản năng. Nhưng những đứa trẻ thoát ra khỏi sự cai trị của IS thì rất khác. Chúng nhìn người khác bằng ánh nhìn bất cần, giống như buông xuôi và để mặc ai đó làm gì mình. Ông Sharhan cho rằng chúng đã bị tổn thương.
Hiện tại còn khoảng 20.000 người, bao gồm các trẻ em, vẫn đang mắc kẹt trong các khu vực IS kiểm soát tại Raqqa. Điều kiện sống mà họ phải chịu đựng vô cùng tồi tệ. Họ không có đủ nước để uống vì nguồn nước lấy ra từ vòi dễ khiến mọi người mắc bệnh. Để ra sông Euphrates lấy nước, họ có thể trúng đạn hoặc bom.
Mahmoud, một cư dân Raqqua, chia sẻ về những chuỗi ngày tăm tối khi thiếu thốn lương thực. Họ đành nhường số ít thức ăn cho trẻ con và phải vờ như đang nhai đồ ăn để lừa chúng. Theo một khảo sát hồi tháng 7, bánh mì là thứ duy nhất người dân ở Raqqua có thể mua được. Điện đã bị cắt từ lâu và không có nhiên liệu để chạy máy phát. Bệnh bại liệt trẻ em đã quay lại Raqqua hồi tháng 6.
Những tổn thương chưa thể nguôi ngoai
(Ảnh minh họa: Getty) |
Có khoảng hơn 200.000 người đã di tản khỏi thành phố bị IS chiếm đóng trong khoảng từ tháng 4 tới tháng 7/2017. Họ đổ đến những khu vực do lực lượng Ả-rập, quân đội người Kurd thuộc Lực lượng dân chủ Syria (SDF) quản lý.
Hành trình ra khỏi Raqqua thấm đẫm máu và nước mắt khi trẻ em cùng gia đình phải băng qua những vùng đất bẫy đầy mìn, bởi bom đạn của những tên phiến quân chạy trốn, của khí hậu khắc nghiệt 38 độ C, của việc thiếu nước tại những vùng nông thôn khô hạn.
Những nhân viên cứu trợ kể lại rằng những em bé thoát ra được từ Raqqua mắc chứng ám ảnh về tâm lý. Chúng thường mơ thấy ác mộng và tỉnh dậy với quần ướt sũng. Chúng chơi trò trận giả với 2 phe IS và chống IS.
Những đứa trẻ trải qua khổ đau này thường già dặn hơn rất nhiều so với tuổi thật của chúng. Chúng bắt chước IS, nghe nhạc tuyên truyền của IS, yêu cầu người khác lấy súng. Tuổi thơ của chúng gần như đã bị phá hủy hoàn toàn.
Sonia Khush, điều phối viên tổ chức “Save the Children”, cho biết những đứa trẻ này không được giáo dục theo một cách thông thường. Ví dụ, khi học toán chúng sẽ học đếm bằng ví dụ 1 khẩu súng cộng 1 khẩu súng bằng 2 khẩu súng.
Wadha là một người may mắn trốn thoát. Cô cho biết con mình hằng đêm vẫn sợ hãi khi nghe thấy tiếng máy bay. Mặc dù ở nơi cư trú mới mọi thứ vẫn thiếu thốn nhưng Wadha có vẻ hài lòng với cuộc sống hiện tại vì cô cho rằng mình đã sống ở nơi tệ nhất thế giới nên mọi nơi khác đều trở nên tuyệt vời hơn.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí