Kinh tế

Cuộc đua trên thị trường bỉm sữa 7 tỷ USD

Không chỉ đua nhau mở rộng thị phần, các chuỗi siêu thị còn phải cạnh tranh với người bán hàng đơn lẻ, được hậu thuẫn bởi chi phí thấp.

VI Group vừa công bố đã rót vốn vào Kids Plaza. Tập đoàn quản lý 400 triệu USD này cho biết đã trở thành cổ đông thiểu số của chuỗi bán lẻ mẹ và bé nhưng không tiết lộ chi tiết về quy mô và tỷ lệ cổ phần nắm giữ.

Khoản đầu tư VI Group đổ vào Kids Plaza, ngoài ý nghĩa về mặt số học, còn có thể là yếu tố đưa cuộc đua "tam mã" trên thị trường mẹ và bé trở nên căng thẳng hơn khi chuỗi cửa hàng này là cái tên còn lại chưa có khoản đầu tư nào đáng kể. Kids Plaza cũng là đơn vị có số cửa hàng thấp nhất trong ba chuỗi đứng đầu hiện nay.

Trước đó, cũng tại thị trường phía Bắc, Bibomart đã nhận được khoản đầu tư từ quỹ đầu tư ACA Investments (thuộc Tập đoàn Sumitomo - Nhật Bản). Còn Con Cưng - chuỗi đứng đầu về quy mô, cũng nhận được sự "đỡ đầu" của Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Nam Daiwa-SSIAM II, do Daiwa và Công ty quản lý quỹ SSI (SSIAM) cùng quản lý.

Kids Plaza nhận khoản đầu tư từ VI Group.

Bà Trịnh Lan Phương, Chủ tịch của Bibomart từng tiết lộ một con số mà khiến nhiều người phải bất ngờ, quy mô của thị trường mẹ và bé tại Việt Nam đã vượt qua 7 tỷ USD. Con số này gấp gần 3 lần so với số liệu Công ty nghiên cứu thị trường FTA ước tính cách đây 3 năm.

Với hàng triệu em bé được sinh ra mỗi năm, cùng với khả năng chi tiêu tăng lên của các bậc phụ huynh, đà tăng trưởng của thị trường đã lên tới hai chữ số trong những năm gần. Dù vậy, việc các gia đình không ngại móc hầu bao khiến thị trường hấp dẫn này ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Dù các sản phẩm trên thị trường chủ yếu là nhập khẩu, thị phần phân phối chính lại nằm trong tay những nhà nội địa, các chuỗi cửa hàng mẹ và bé mang thương hiệu nước ngoài mới chỉ lác đác xuất hiện với quy mô còn khá khiêm tốn.

"Hiện tôi không thấy sự tham gia của chuỗi nước ngoài nào đáng kể để xáo trộn thị trường", ông Lưu Anh Tiến, Founder của Công ty cổ phần Con Cưng - đơn vị quản lý chuỗi siêu thị Con Cưng và ToyCity chia sẻ. Đơn vị này hiện là chuỗi có quy mô lớn nhất trên thị trường với 318 cửa hàng trên toàn quốc, bao gồm 288 cửa hàng với thương hiệu Con Cưng và 30 cửa hàng Toy City.

Được thành lập từ năm 2011, chuỗi cửa hàng này tập trung chủ yếu ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. Đầu năm 2017, Con Cưng đã nhận khoản đầu tư từ Daiwa-SSIAM II và bắt đầu giai đoạn đánh mạnh vào thị phần khi liên tục mở rộng địa bàn. Chỉ riêng số mở ra trong năm 2017 sau khi được "đỡ đầu" đã cao hơn số cửa hàng mở ra trong 5 năm trước.

"Việc mở 130 cửa hàng năm vừa qua nằm trong kế hoạch phát triển vượt 1.000 cửa hàng đến năm 2020, vì thế bản chất con số 130 là chưa nhiều", ông Tiến chia sẻ. Theo số liệu của Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), doanh thu của chuỗi cửa hàng này đã tăng vọt từ 114 tỷ năm 2015 lên gần 524 tỷ vào năm 2016, lợi nhuận trước thuế đạt gần 8 tỷ đồng.

Bibomart được thành lập từ năm 2006, nhưng phải bắt đầu từ năm 2014, chuỗi siêu thị này mới bước vào giai đoạn mở rộng. Sau 3 năm liên tiếp đẩy mạnh quy mô, đơn vị này hiện đã có 140 cửa hàng, phân bố chính tại Hà Nội và TP HCM.

Đứng thấp nhất về cả số siêu thị lẫn quy mô mỗi cửa hàng, Kids Plaza - đơn vị mới nhận khoản đầu tư từ VI Group, hiện có 74 cửa hàng tại 7 thành phố, trong đó hai phần ba tập trung tại Hà Nội.

Đánh đổi tăng trưởng và lợi nhuận vẫn là bài toán khó cho quá trình "đánh chiếm" thị phần.

Tuy nhiên, Bibomart, Con Cưng hay Kids Plaza không phải thế lực duy nhất trên thị trường. Nổi lên gần đây, kênh phân phối qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội của những người bán hàng đơn lẻ đang khiến các chuỗi siêu thị phải dè chừng.

Mô hình quy mô nhỏ lẻ nhưng số lượng lại vô cùng lớn. Quan trọng hơn, chi phí của hoạt động này không đáng kể, trong đó có việc họ chưa bị tác động bởi các chính sách thuế. Sự cạnh tranh cũng trở nên khập khiễng, khi chi phí ít dẫn đến giá thành sản phẩm thấp, nhờ vậy mô hình bán hàng qua mạng xã hội được đón nhận bởi số đông.

Giá giao mỗi đơn hàng ở Việt Nam trung bình là 30.000 đồng, khách hàng phải thanh toán thêm phí thu tiền hộ nếu trả bằng tiền mặt. Shopee Việt Nam 3 năm qua không tính phí này. Những người bán hàng đơn lẻ trên Shopee được sự hẫu thuẫn lớn từ chi phí tiết giảm, trong khi họ cũng không tốn các khoản chi phí khác như quản lý, bán hàng. Hệ quả rõ ràng nhất là những bà mẹ bỉm sữa lựa chọn cửa hàng online thay vì những siêu thị lớn vì giá rẻ hơn đáng kể.

Bản thân những chuỗi siêu thị cũng có những bài toán riêng phải giải quyết, đầu tiên sẽ là vấn đề mặt bằng và chi phí xây dựng. Hệ quả của nó - vốn là đặc tính của giai đoạn giành giật thị phần thông qua mở rộng quy mô - là hầu hết những thương hiệu này đều phải đánh đổi giữa tăng trưởng và lợi nhuận.

Dù doanh thu ghi nhận khá cao, đạt hơn 390 tỷ đồng vào năm 2016, lợi nhuận của Kids Plaza ghi nhận chưa tới 500 triệu đồng, nguyên nhân chính vẫn là vấn đề sử dụng đòn bẩy tài chính để mở rộng. Đến cuối năm 2016, chuỗi cửa hàng này có tổng tài sản hơn 178 tỷ đồng thì 88% được tài trợ bằng nợ phải trả.

Với Con Cưng, đi cùng quá trình tăng trưởng doanh thu cũng là cơ cấu nguồn vốn đã có sự chênh lệch đáng kể về phía nợ phải trả, đặc biệt là nợ vay ngắn hạn gia tăng. Tỷ lệ này tại thời điểm kết thúc năm 2016 đạt 77%, với nợ ngắn hạn tăng hơn 4 lần năm trước.

Vấn đề không dừng ở những con số trên báo cáo tài chính. Bài toán kép đối với những đơn vị này còn là câu chuyện nhân sự, quản trị hệ thống, điều hành, quản lý hàng tồn, các chương trình khuyến mãi để hút khách...

"Quyết định thành công của một chuỗi không phải nằm ở quy mô mà ở vấn đề có 'quản' được không", ông Lưu Anh Tiến, thành viên sáng lập của Con Cưng nói và cho rằng hiện không nhiều công ty có thể "quản" được quy mô trên 200 cửa hàng.

Bà Trịnh Lan Phương cũng chỉ ra một bài toán khác đối với quá trình mở rộng quy mô, đó là câu chuyện nhân sự. Mở rộng quy mô luôn đi đôi với hoàn thiện đội ngũ bán hàng, đặc biệt với một lĩnh vực cần sự "tinh tế" như ngành hàng mẹ và bé. Tuy nhiên, bà Phương cho rằng "ở Việt Nam, các bạn trẻ nghĩ bán hàng không phải là nghề lâu dài" và Bibomart gặp rất nhiều khó khăn với vấn đề này.

"Đầu tiên khi tuyển người vào phải thiết lập lại nhận thức, để khi họ yêu nghề rồi thì mới muốn làm và làm lâu dài. Việc đào tạo thực tế diễn ra rất lâu và phải tìm được thầy giỏi về đào tạo", bà Phương nói.

Những vấn đề này là lập luận để chứng minh một điều, hơn thua trong ngành bán lẻ tiêu dùng không chỉ nằm ở câu chuyện "đốt tiền" bao nhiêu cho đủ mà còn là khả năng quản trị và nắm bắt tâm lý khách hàng. Với một thị trường còn tiềm năng tăng trưởng tới hai con số mỗi năm, cuộc chạy đua giành một phần trong miếng bánh hàng tỷ USD được dự báo sẽ còn khốc liệt hơn.

Tác giả: Minh Sơn

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP