Trong nước

Cuộc chuyển quân thần tốc tháng 2-1979 - Kỳ 3: Hành quân bằng tàu thủy

Nhập ngũ năm 18 tuổi, cựu chiến binh Quân đoàn 2 Nguyễn Trung Liên (64 tuổi, hiện đang sống tại Nghệ An) là nhân chứng trong câu chuyện khá đặc biệt: tham gia cả hai chặng hành quân thần tốc bằng tàu.

nguyen trung lien 1487387333

Ông Nguyễn Trung Liên khoe tấm ảnh chụp cùng các cán bộ Trung đoàn 24 trong chuyến hành quân trên tàu Thống Nhất để ra Bắc năm 1979 - Ảnh: My Lăng

Ông là một trong những người lính của Quân đoàn 2 hành quân bằng đường thủy, từ cảng Kampong Som về nước và sau đó lại có mặt trong đội hình hành quân ra Bắc cũng bằng đường biển.

Từ cảng Kampong Som đến Tân Cảng

Nhớ lại câu chuyện 38 năm trước, cựu chiến binh Nguyễn Trung Liên cho biết: “Trung đoàn bộ binh 24 của tôi đi cùng Lữ đoàn xe tăng 203 bằng đường biển, xuất phát từ cảng Kampong Som về Tân Cảng (Sài Gòn).

Chúng tôi đi từ Campuchia về nước bằng hai tàu chở hàng: Vàm Cỏ 21 và Vàm Cỏ 22”. Ông Nguyễn Trung Liên đi trên tàu Vàm Cỏ 22 kể.

“Đây là tàu vận tải chứ không phải chở khách nên nhỏ, chật lắm. Nhìn xuống tàu chỉ thấy người và người, đông đen, kẹt cứng. Anh em phải mắc võng trên boong để tiết kiệm diện tích và có chỗ cho người nằm dưới. Bộ đội nằm la liệt.

Trong hầm, dưới boong, anh em bộ đội phải nằm nghiêng như xếp cá trong rổ. Chân ở trên đầu, đầu ở dưới chân. Thậm chí nhiều người phải nằm dưới hầm máy, vừa ngột ngạt, nóng nực và hôi mùi dầu lại rất ồn vì máy chạy suốt ngày suốt đêm” - ông Liên kể.

Anh em chúng tôi lúc này không say sóng nữa do tàu Thống Nhất to hơn tàu Vàm Cỏ. Bộ đội mình vừa đánh Pol Pot về, biết lần này đi là sống chết với quân xâm lược để giữ gìn biên cương tổ quốc nên tinh thần chiến đấu lên rất cao nhưng không ai từ bỏ hàng ngũ". Ông Nguyễn Trung Liên

Đúng ra, tàu chỉ đi một ngày một đêm sẽ về đến Tân Cảng. Nhưng tàu Vàm Cỏ 22 bị hỏng một máy, bị dạt về hướng Malaysia. Loay hoay mãi thợ máy mới sửa được. Tàu về chậm so với tàu Vàm Cỏ 21 khoảng 4 tiếng.

“Chúng tôi là lính bộ binh, chưa bao giờ đi tàu nên tất cả say sóng. Không ai ăn được, chỉ uống nước mà vẫn nôn thốc nôn tháo. Chúng tôi nằm võng, nhìn thấy anh em thủy thủ tàu ăn mì ống, nghe mùi mì thơm, đói, muốn ăn lắm nhưng không ăn được.

Khi đánh Pol Pot, chúng tôi phải ăn cả cá thối vì chẳng có cái gì ăn nữa. Anh em ai cũng gầy rục, cứ nằm mà ói chứ không dậy được. Say là vậy, sức không gượng dậy được nhưng đi trên tàu Vàm Cỏ, súng AK vẫn ôm bên người. Chúng tôi không bao giờ rời cây súng” - đại úy Nguyễn Trung Liên nhớ lại.

Chở quân bằng tàu khách Thống Nhất

Về đến Tân Cảng, bộ đội vẫn còn say sóng. Tàu dừng ở cảng, có người không đi nổi phải dìu lên bờ. Bộ đội nghỉ ngay tại cảng khoảng 2-3 tiếng để chờ lệnh. Đón sẵn ở cảng là lãnh đạo TP Hồ Chí Minh.

“Việc đón tiếp bộ đội rất chu đáo, tiếp tế mì tôm, bánh mì, đường, sữa...” - ông Liên kể. Lúc này, tàu khách Thống Nhất đã chờ sẵn ở Tân Cảng để chuẩn bị chở bộ đội chủ lực ra miền Bắc.

“Bộ Quốc phòng tổ chức mọi thứ rất chặt chẽ, khoa học. Bộ đội cứ hành quân về đến nơi chỉ mấy tiếng sau là lại hành quân đi tiếp. Mọi thứ cứ như đã sắp xếp sẵn đâu vào đó. Đến giờ là đi” - ông Liên nói.

Khoảng hơn 14h, Trung đoàn 24 lên tàu khách Thống Nhất để hành quân. Đại úy Liên nhớ lại: “Tàu Thống Nhất to lắm. To bằng cái nhà ba tầng. Lần đầu tiên chúng tôi được đi tàu lớn như thế. Cả trung đoàn bộ binh chúng tôi quân số hơn 800 người lên được hết tàu”.

Cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần được sắp xếp ở trên boong. Bộ đội các tiểu đoàn ở dưới hầm.

“Ở dưới hầm còn có cả dân Hải Phòng vào Nam buôn xoài. Tôi xuống xem anh em ăn ngủ thế nào thì thấy xoài để đầy dưới hầm tàu. Các thùng đạn được đưa từ Campuchia về cũng để chung với xoài” - đại úy Liên kể.

“Anh em chúng tôi lúc này không say sóng nữa do tàu Thống Nhất to hơn tàu Vàm Cỏ. Bộ đội mình vừa đánh Pol Pot về, biết lần này đi là sống chết với quân xâm lược giữ gìn biên cương tổ quốc nên nên tinh thần chiến đấu lên rất cao” - ông Liên nói.

Sau ba ngày ba đêm hành quân trên biển, tàu về đến cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng). Lãnh đạo TP Hải Phòng tổ chức tiếp đón quân chủ lực rất nhiệt tình. Thức ăn, nước uống được tiếp tế đầy đủ cho bộ đội ngay tại chỗ.

Chỉ 1-2 tiếng sau đó, khi màn đêm vừa buông xuống, trung đoàn đi bộ ra ga Hải Phòng để lên tàu lửa hành quân về ga Đồng Quang - ga cuối cùng của Thái Nguyên. Từ đây, Binh đoàn Trường Sơn chở Trung đoàn bộ binh 24 đi theo đường 1B lên Lạng Sơn.

“Lạng Sơn lúc đó rét lắm - đại úy Nguyễn Trung Liên nhớ lại - Ở Campuchia nhiệt độ 41-42 độ. Về Lạng Sơn chỉ 2 độ! Anh em ai cũng quần áo phong phanh. Rét thôi rồi. Ở Campuchia đã biết thế nào là đói vàng mắt, thế nào là khát cháy cổ. Về Lạng Sơn lại biết thế nào là lạnh thấu xương! Ở đó toàn đồng bào người Tày, người Nùng. Đồng bào rất thương bộ đội, lấy chăn, áo ấm đưa cho chúng tôi”.

Lần hành quân thần tốc này, Quân đoàn 2 phải cơ động trên một đoạn đường dài gần 2.000km với nhiều phương tiện khác nhau: máy bay, ôtô, tàu biển, tàu hỏa... Từ Campuchia về đến Việt Nam, gần trăm chiếc xe tăng, thiết giáp của Lữ đoàn xe tăng 203 (lữ đoàn từng đánh chiếm dinh Độc Lập) cũng xuống tàu thủy ra cảng Hải Phòng.

Tiếp đó là hơn trăm kilômet đường sắt, đường bộ nữa để đến ngày 21-3, toàn bộ lực lượng, phương tiện của Lữ đoàn 203 đã có mặt ở Trại Cau (Thái Nguyên) sẵn sàng đánh địch. Đây là lần thứ ba chỉ trong vòng bốn năm, những người lính của Lữ đoàn xe tăng 203 lại lập kỳ tích về tốc độ hành binh thần tốc dọc chiều dài đất nước.

Trích máu và mặc áo tử sĩ

nguyen vinh quang 1487387521
Ông Nguyễn Vinh Quang - Ảnh: M.Lăng

Tháng 2-1979, thượng sĩ Nguyễn Vinh Quang, đại đội phó đại đội chỉ huy của Trung đoàn 68 (Sư đoàn 304, Quân đoàn 2), cho biết: “Đơn vị tôi lúc ở Campuchia đã viết quyết tâm thư xin được về nước đánh quân xâm lược.

Từng người lên ký tên rồi trích máu điểm chỉ ngay tên mình. Tất cả chỉ mong sớm được về đánh quân Trung Quốc để giữ nước... Tại ga Hố Nai, đơn vị mang sẵn quần áo tử sĩ phát cho bộ đội mặc ra Bắc. Số lượng áo tử sĩ này vốn được chuẩn bị khi đi đánh Pol Pot. Nhưng lúc này, đơn vị còn thừa khoảng 1.000 cái.

Do đất nước mình rất khó khăn, một năm hai bộ đồ không đủ với người lính nên chúng tôi từ chỉ huy đến lính đều mặc áo tử sĩ để hành quân ra Bắc. Cả trung đoàn cứ một người một bộ màu cỏ úa sợi to, thô ráp, xù xì”.

Tác giả bài viết: MY LĂNG

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP