Xã hội

Cuộc chiến giành lại vỉa hè của ông Đoàn Ngọc Hải: Không thể thất bại!

"Chưa có một người nào thực hiện chiến dịch giành lại vỉa hè mạnh và được ủng hộ như ông Hải. Việc ông ấy "cởi áo về vườn" thì hối tiếc hơn là niềm vui. Nếu nói ông Hải từ chức vì thất bại trong cuộc chiến này thì không phù hợp và thiếu công tâm".

Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TPHCM đã nộp đơn xin thôi các chức vụ. Ông Hải lý giải nguyên nhân ông từ chức là vì 'không thực hiện được lời hứa trước nhân dân, trước kỳ vọng của các đồng chí Lão thành cách mạng là sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề lấn chiếm lòng, lề đường".

Việc ông Hải quyết liệt trong cuộc chiến giành lại vỉa hè, lòng đường cũng như đơn xin từ chức của ông đã tạo ra nhiều cảm xúc trong xã hội. Nhiều người cho rằng, ông Hải đã giữa đúng lời hứa "nếu không lập lại được vỉa hè, lòng đường sẽ cởi áo về vườn". Cũng có ý kiến tóm gọn: "từ chức vì thất bại".

Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TPHCM đã nộp đơn xin thôi các chức vụ

Ông Hải làm đúng luật!

Liên quan đến việc này, TS Bùi Quang Tín đã có cuộc trao đổi với Dân trí dưới góc nhìn của một luật sư, chuyên gia kinh tế.

- Có thể nói ông Đoàn Ngọc Hải đã thất bại trong cuộc chiến tái lập lại trật tự lòng, lề đường ở quận 1, TPHCM?

- Để đánh giá một vấn đề nên nhìn vào bối cảnh một cách toàn diện. Ở đây, nếu nói ông Hải thất bại thì không phù hợp và thiếu công tâm.

Cuộc chiến giành lại vỉa hè, lòng đường từ tháng 1 đến tháng 10/2017 do ông Đoàn Ngọc Hải dẫn đầu phù hợp với Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Lòng đường, vỉa hè thì không bất kỳ người dân, tổ chức nào được sử dụng cho mục đích riêng của mình trừ khi có quyết định, văn bản của UBND cấp tỉnh. Việc sử dung theo quyết định đó cũng không được gây cản trở giao thông, tạo ra cản trở cho quá trình sinh sống của người dân gần đó.

Nghị định 46 năm 2016 của Chính phủ quy định, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thì mức xử phạt từ 100 - 40 triệu đồng. Quy trình xử phạt thông qua 4 bước: Tiến hành lập biên bản ghi nhận sự việc; điều tra xem xét việc vi phạm đó như thế nào để lập biên bản vi phạm hành chính; người dân đóng tiền xử phạt; người dân phải tháo dỡ công trình vi phạm luật giao thông đường bộ cũng như nghị định 46. Nếu không tự tháo dỡ những lan can, công trình phụ xây dựng lấn chiếm, kiên cố trên vỉa hè thì tiến hành cưỡng chế.

Quá trình làm việc của ông Hải hoàn toàn thông qua 4 bước trên chứ không phải cấp tập. Đối chiếu quy định pháp luật thì việc làm của ông Hải không vi phạm. Ông Hải không thất bại.

Tuy nhiên, để một chính sách hiệu quả cần có sự đồng lòng cao nhất của người dân. Vừa làm, vừa lấy thêm khảo sát của người dân chứ không thể làm theo pháp luật cứng nhắc. Pháp luật thường đi chậm hơn thay đổi của cuộc sống.

Đơn từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải

- Ở góc nhìn kinh tế, ông có cho rằng việc buôn bán hàng rong vỉa hè, lòng đường, chiếm dụng làm bãi giữ xe... như hiện nay gây thất thoát ngân sách nhà nước?

- Rõ ràng là thất thoát một nguồn thu lớn cho ngân sách. Nếu kinh doanh hợp pháp thì được đăng ký kinh doanh. Nhưng ở đây, người dân không chịu đăng ký kinh doanh và kinh doanh vi phạm quy định của pháp luật.

Nói đi cũng nói lại, cuộc chiến dẹp vỉa hè có từ khi năm 1990. Cơ quan nhà nước làm nhiều cách. Tuy nhiên, đến giờ lấn chiếm vẫn diễn ra. Thất thoát ngân sách càng nhiều.

- Ông Hải từ chức, vỉa hè lại trở về như cũ?

- Nên nhìn bài học về cuộc chiến giành lại vỉa hè, lòng đường từ Singapore. Cuộc chiến chống lấn chiếm vỉa hè của quốc đảo này bắt đầu từ năm 1950. Cũng đập phá nhiều thứ. Cũng có phản đối của người dân. Cũng có chuyển người bán hàng rong ra khu vực riêng. Người dân không chịu vì không có ai mua nên trở lại lấn chiếm...

Đến thời chính quyền Lý Quang Diệu mới nghĩ ra cách hay là chuyển người buôn bán ở vỉa hè ra khu vực có xây dựng cao ốc, khu đô thị để bán hàng cho người dân trong khu đô thị đó. Singapore đưa cung - cầu gặp nhau.

Chúng ta cần quy hoạch nên những khu vực người dân được bán hàng rong và có người mua bán chứ không cô lập người bán hàng rong.

- Quận 1, TPHCM đã có phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm. Liệu đây có là hình mẫu cần nhân rộng?

- Bản chất người bán hàng rong là thấy đâu có người mua là tập trung lại bán. Người mua cũng theo ngẫu hứng. Thấy tiện là tấp vào mua. Quy hoạch thí điểm như phố bán hàng rong Nguyễn Văn Chiêm hiện nay cũng không mấy người mua và chưa giải quyết được nhu cầu khá lớn của người bán lẫn người mua.

Quận 1, TPHCM đã có phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm. Liệu đây có là hình mẫu cần nhân rộng?

Hối tiếc hơn là niềm vui

- Vụ 48 bãi giữ xe do một số cá nhân, tổ chức của Quận 1, TPHCM lập nên, theo ông có gây thất thoát tiền? Tiền về túi ai?

- Các bãi xe này vi phạm quy định pháp luật là chắc chắn khi lấn chiếm vỉa hè mà không có văn bản cho phép của UBND cấp tỉnh, TP. Đây là những nhóm lợi ích, chắc chắn đi ngược cuộc chiến chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của chính quyền, đi ngược mong muốn của người dân. Thất thoát ngân sách là rất lớn.

- Có nên chấp nhận hình thức để hàng rong tồn tại như một nét văn hoá của TPHCM không?

- Chắc chắn Việt Nam cũng giống như các nước. Cũng không thể để tồn tại một cách thiếu quy hoạch. Vấn đề của ta là làm sao có quy hoạch một cách bài bản. Nên áp dụng như kiểu Singapore, quy hoạch thành khu, phát triển những khu đô thị, cao ốc cho cung cầu gặp nhau. Ở những nơi đông đúc, thiết kế khu vực để hàng rong có chỗ bán chứ không thể tiêu diệt.

- Ông nghĩ gì việc ông Hải từ chức?

- Đương nhiên, ông Hải là người tiên phong, làm mạnh mẽ nhất. Chưa có một người nào thực hiện cuộc chiến vỉa hè mạnh và được các cấp chính quyền ủng hộ, người dân tán đồng như ông Hải. Việc ông Hải "cở áo từ quan" là hối tiếc hơn là niềm vui. Niềm vui chỉ có ở những kẻ xấu và bị ông Hải tác động bởi vi phạm pháp luật.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Công Quang

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP