Phân khúc điện thoại giá rẻ vẫn đang sôi động, dù nhiều ông lớn đã bỏ cuộc, để lại miếng bánh thị phần khổng lồ cho Samsung và Oppo. Mặc dù vậy, hai tên tuổi này cùng với các thương hiệu quen thuộc khác chỉ đang nắm giữ hơn 70% thị phần. 23,9% còn lại, theo thống kê từ IDC, hiện nằm trong tay các thương hiệu "noname". Đây được xem là miếng bánh đủ lớn để các hãng điện thoại mới ồ ạt nhảy vào thị trường Việt Nam thời gian qua.
Con gà, quả trứng và đại dương xanh
Trong vòng chỉ một năm, hàng loạt tên tuổi vừa quen vừa lạ tiến vào Việt Nam. Có thể kể đến Meizu, Infocus, ZTE từ Trung Quốc, Intex từ Ấn Độ, Obi Worldphone từ Mỹ, Archos từ Pháp… Một số thương hiệu ít nhiều quen thuộc lại có những bước tiến mạnh mẽ hơn, có nhiều chiến dịch nhằm mở rộng thị trường.
Tuy vậy, không ít tên tuổi rầm rộ tiến vào Việt Nam rồi rút lui trong im lặng. Chi phí cao, không quen thuộc thị trường, thương hiệu yếu là những nguyên nhân lý giải cho thất bại.
Infinix - thương hiệu smartphone đang lớn mạnh tại thị trường châu Phi - gọi đó là “bài toán con gà và quả trứng”, khi họ phải lựa chọn giữa marketing và doanh số bán hàng. Một mặt, vài hãng đến, mang theo rất nhiều sản phẩm và đầu tư mạnh vào marketing để tạo tiếng vang. Tuy nhiên, doanh số bán hàng không như kỳ vọng, lợi nhuận bị chia sẻ nhiều cho các hoạt động marketing khiến họ không còn đủ lực, phải âm thầm rút khỏi thị trường.
Ngược lại, nếu không đầu tư vào marketing, chỉ tập trung bán hàng, lợi nhuận thời gian đầu có thể đạt kỳ vọng, nhưng về lâu dài, khi phải chi phí nhiều hơn, các sản phẩm đời sau không đủ tiếng tăm để cạnh tranh với các "ông lớn", các hãng này cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Nhóm khách hàng cũ hiện tại gần như bị chiếm lĩnh bởi hai cái tên Oppo và Samsung, vốn là những “đại gia” vung tiền mạnh cho quảng cáo.
Khó khăn về cả ngân sách lẫn thương hiệu là nguyên do các hãng phải tìm những nhóm người dùng mới, những cách marketing ít cạnh tranh hơn và nắm giữ nhóm đối tượng đó. Đồng thời, họ phải tìm cách "cân bằng việc tìm ra khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ", như đại diện của Flash, hãng điện thoại vừa vào Việt Nam gần đây chia sẻ.
Họ tìm đến những vùng, những địa bàn ngách mà các ông lớn ít chen chân tới, nhằm thu hút người dùng, tạo ra vùng "đại dương xanh" yên ả cho mình. Tại các thành phố lớn, các hãng cố gắng cạnh tranh bằng con bài giá, thông qua việc cắt giảm chi phí tại các cửa hàng, dùng mạng lưới thương mại điện tử.
Đây được xem là hướng đi hợp lý, nhất là ở phân khúc giá rẻ. Theo đại diện của Thế giới di động, phân khúc giá rẻ dưới 4 triệu, nơi các hãng nhắm vào, sẽ đón hầu hết nhu cầu chuyển đổi từ điện thoại cơ bản sang smartphone, với số lượng người dùng lớn, nhiều cơ hội. Thêm vào đó, đây là phân khúc ổn định, có thể giúp các tên tuổi mới giành được thị phần từ tay ông lớn, khác với nhóm cao cấp luôn tồn tại những bất ngờ.
Một chiến trường mới đang xuất hiện
Trao đổi với Zing.vn, đại diện của 3 hãng điện thoại mới vào Việt Nam gần đây là Obi Worldphone, Infinix và Flash đều cho biết, họ cùng nhắm đến nhóm người dùng trẻ, độ tuổi trên dưới mức 18-35, có kiến thức về công nghệ.
Từ đó, định vị sản phẩm của các thương hiệu này khá giống nhau. Họ muốn mang đến một sản phẩm thiết kế đẹp, cấu hình cao và ưu tiên yếu tố giá.
Nhiều hãng điện thoại mới đang có khách hàng mục tiêu và hướng phát triển sản phẩm tương tự nhau.
Trong số đó, Flash và Infinix hướng tới thăm dò thị trường, đồng thời tiết kiệm nhiều chi phí bán hàng, nhân viên bước đầu bằng cách phân phối qua các kênh thương mại điện tử, các chương trình truyền thông online, mạng xã hội.
Nhược điểm của hướng đi này là nó không tiếp cận được số lượng lớn người dùng ngay lập tức, cũng như khó lòng ghi dấu ấn thương hiệu. Từ đó, doanh số của các hãng này không thể so sánh với những “đại gia” trên thị trường như Oppo, Samsung.
Đại diện Infinix thừa nhận chưa quan tâm nhiều đến số lượng điện thoại bán ra. Hiện tại, mục tiêu của họ vẫn là tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng Việt.
Tương tự, Flash hay Obi Worldphone cho biết doanh số “đạt mong đợi”, nhưng từ chối đưa ra con số cụ thể.
Đại diện một nhà bán lẻ tiết lộ, các thương hiệu mới thường tung hàng nhanh sau khi ra mắt, trong vòng 2-3 tuần, với doanh số thường vào khoảng 5.000-10.000 đơn vị. Nếu so sánh, con số này chỉ là muối bỏ bể với doanh số những dòng tầm trung phổ biến của những thương hiệu đã ít nhiều có tên tuổi.
Obi Worldphone vào Việt Nam khá sớm và từng gây xôn xao với chuyến viếng thăm của John Sculley, nhưng hiện tại, họ đang đối mặt với những đối thủ mới.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa những cái tên mới “an phận” với “đại dương xanh” do họ tạo ra. Infinix tiết lộ kế hoạch mở rộng ra các chuỗi siêu thị lớn để sản phẩm được có mặt trên toàn quốc. Còn Obi Worldphone, vốn từng ra mắt rầm rộ với sự xuất hiện của cựu CEO Apple - John Sculley cũng vừa có hơn 20 hoạt động thúc đẩy bán hàng trong 2 tháng vừa qua.
Có thể thấy, đã có một cuộc đua khác xuất hiện, độc lập với nhóm thị trường truyền thống với những khách hàng đã cũ. Người dùng mới đang được quan tâm nhiều hơn, với ngày càng nhiều thương hiệu chào mời họ.
Những thương hiệu mới đang dần chuyển sang cạnh tranh với nhau, và cố “tránh” những nơi có dấu chân các ông lớn. Tuy vậy, dòng khách hàng chuyển đổi từ điện thoại cơ bản sang smartphone giá rẻ sẽ lại chuyển dần sang smartphone tầm trung, đồng nghĩa với một lượt khách hàng mới, do đó đây vẫn là thị trường màu mỡ, ít nhất trong vài năm tới.
Tác giả bài viết: Lê Phát
Nguồn tin: