Du lịch

Cửa Việt chiều tháng 8 yên bình quá

Cửa Việt (Quảng Trị) những ngày đầu tháng 8. Vừa qua cơn sóng gió, chiều buông với những giao hòa giữa sông và biển trong cảnh sắc hoàng hôn khiến ký ức như trôi về một miền xa thẳm.

Cửa Việt chiều chầm chậm đi qua - Ảnh: NINH NGUYỄN


Có người nói cửa Việt là nơi dòng sông Hiếu đổ về Biển Đông. Cũng có ý kiến cho rằng cửa Việt nơi dòng sông Thạch Hãn đổ về biển cả. Cả hai ý kiến này đều đúng vì dòng sông Hiếu khi chảy qua thành phố Đông Hà đã hợp lưu cùng dòng Thạch Hãn, đổ ra cửa Việt.

Kể từ khi khánh thành cầu cửa Việt (2010) nối hai huyện Triệu Phong và Gio Linh, bà con các huyện duyên hải của tỉnh đi lại dễ dàng hơn.

Buổi trưa ở cửa Việt thanh vắng. Đang cuối mùa gió Lào, nắng chang chang làm mất đi sức sống, cộng dư chấn của thảm họa môi trường biển bốn tỉnh bắc miền Trung vừa qua khiến khách không mặn mà ghé biển.

Tìm chỗ tránh nắng và trách mình tại sao lại đến đây vào thời gian này để nhận sự “vắng vẻ, buồn muốn chết”. Nhưng sau cái nắng trưa, gió như hát lên từ biển, quang cảnh thanh bình hiện ra.

Đứng trên cầu cửa Việt nhìn về hướng tây, làng quê buông bóng dòng sông, núi giăng giăng xa mờ. Nhìn về phía đông, biển dài rộng xanh ngắt.

Không nổi tiếng bằng cửa Tùng, không phải địa danh trong những tour du lịch “hoài niệm chiến trường” nhưng cửa Việt là điểm giữa để từ đây đến thành cổ Quảng Trị 17km, đến cửa Tùng 16km và về Đông Hà 19km.

Buổi trưa ở cửa Việt chán thế nào thì chiều dịu nắng lại trở về với một sức sống khác lạ. 3g chiều, khung cảnh bắt đầu nhộn nhịp dần lên. Những chành cá phơi được đa phần các chị, các mẹ chuyển nghiêng theo hướng nắng. Mùi biển, mùi cá mặn mòi bốc lên theo hơi nước.

Cũng thời gian này những ghe, tàu đánh cá ngoài khơi 40 hải lý (vùng an toàn không nhiễm độc) đã bắt đầu cập cảng cá cửa Việt. Lao động được tổ chức thành từng nhóm bốc dỡ cá trên thuyền, lên xe hoặc nhập vào các vựa cá.

Đang là giữa vụ cá nục (từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch) nên trong các chành cá phơi trên cầu cảng, trên lối đi hoặc trong các sân phơi hầu như chỉ có loại cá này. Lao động nữ mỗi ngày công được khoảng 200.000 đồng, lao động nam nhỉnh hơn 220.000 đồng.

Đôi bờ cửa Việt địa hình cân bằng nhau. Chiều buông, những người chài chả trong các ngôi làng hai bên bờ cửa Việt thong thả cho thuyền ra sông thả lờ (dụng cụ đánh cá) bắt cá, tôm.

Trước đây, mỗi đêm thả lờ, mỗi cặp vợ chồng thuyền chài cũng kiếm được 500.000 - 600.000 đồng. Nhưng nay mỗi đêm chỉ kiếm được vài trăm vì tôm cá đánh được bán rất rẻ. Đánh được đã là may mắn, nhưng bán được cũng không phải chuyện dễ dàng.

Những người đi đánh lờ cho biết sau thảm họa môi trường họ vẫn cố gắng sống nhưng còn nhiều băn khoăn. Vì nhớ nghề, vì cứ ở nhà mà ăn "thì cũng chán lắm" nên nhiều cặp vợ chồng vẫn đi biển cho đỡ nhớ.

Và vì thế, ngắm cửa Việt trong chiều buông với những giao hòa giữa sông và biển trong cảnh sắc hoàng hôn khiến ký ức như trôi về một miền xa thẳm.

Ngày thường ở cửa Việt - Ảnh: NINH NGUYỄN

Trên mỗi chiếc thuyền đánh cá, chồng cầm lái, vợ thả lờ - Ảnh: NINH NGUYỄN

Cảng cá cửa Việt - Ảnh: NINH NGUYỄN

Bốc cá nục tươi từ các thuyền đánh bắt xa bờ vừa cập bến - Ảnh: NINH NGUYỄN

Phơi cá nục - Ảnh: NINH NGUYỄN

Đánh bắt ngoài khơi là nam thì lao động trong bờ chủ yếu là nữ - Ảnh: NINH NGUYỄN

Thu, xếp cá từ sân phơi ở cửa Việt - Ảnh: NINH NGUYỄN

Tác giả bài viết: Ninh nguyễn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP