Giáo dục

Cụ ông 84 tuổi hoàn thành năm nhất cao học

12 học phần của chương trình cao học Quản trị kinh doanh, cụ Thiệt đều hoàn thành với kết quả tốt, dù trước đó phải nằm viện một tháng để điều trị bệnh của tuổi già.

Cụ ông 82 tuổi được đặc cách tuyển thẳng cao học


Tháng 9, cụ Lê Phước Thiệt (84 tuổi, trú Đại Lộc, Quảng Nam) trở lại Đại học Duy Tân Đà Nẵng để bắt đầu năm thứ hai lớp cao học ngành Quản trị kinh doanh. Từ Mỹ về Việt Nam sinh sống, cụ Thiệt giữ thói quen tập thể dục đều đặn nên vẫn minh mẫn.

Cụ tâm sự, dù đã một năm học tại trường, nhưng đến giờ mỗi khi vào trường, nhiều học viên vẫn chào bằng ông. "Ở lớp mọi người đã quen, tôi nói với các bạn dù chênh lệch tuổi tác, nhưng học cùng trường, cùng lớp thì nên gọi là anh. Còn các học viên khác lớp không nghĩ tôi đang đi học", cụ kể.

Ngoài giờ học trên lớp vào buổi tối, cụ Thiệt dành nhiều thời gian ở nhà xem tivi để cập nhật tin tức thời sự, lên mạng tìm hiểu thêm kiến thức. "Khi lên trường tôi tìm đến thư viện. Kho kiến thức rất lớn nằm ở đó. Tuổi trẻ bây giờ rất nhiều người giỏi, mình lớn tuổi thì phải siêng học để khỏi quên", cụ nói.

cu thiet 5475 1474083716
Học viên cao học Lê Phước Thiệt năm nay 84 tuổi. Ảnh: Nguyễn Đông.

Mỗi khi gặp vấn đề khó, cụ Thiệt lại gọi điện trực tiếp, hoặc gửi email đến giảng viên. Là học viên lớn tuổi nhất trường, cụ Thiệt vẫn tham gia làm team work như các thành viên khác và thường xuyên "dành" phần trình bày đối với phần thuyết trình. Kết quả sau một năm học, cụ đã hoàn thành và thi đạt yêu cầu 12 học phần.

"Tôi học không vì cơm gạo hay bằng cấp, không có áp lực nào cả, mà vì kiến thức nên khi làm bài mình hiểu đến đâu viết đến đó. Cũng may là điểm học phần đều đạt, dù điểm không thuộc dạng cao trong lớp", cụ Thiệt nói và tâm sự trong số học phần, khó nhất là môn Kinh tế lượng.

Một người cháu gọi cụ bằng chú, hiện học cao học cùng trường, thường chở cụ từ nhà ở Đại Lộc ra Đà Nẵng học. Những hôm không trùng giờ học, cụ Thiệt lại bắt xe bus đến trường. Người thân lo lắng cho sức khỏe của cụ, khuyên nếu trời mưa thì ở nhà, nhưng cụ quyết đến lớp vì sợ nghỉ sẽ không theo kịp chương trình.

Mới đây, cụ Thiệt đi khám bệnh và phát hiện bị tắc nghẽn phổi mãn tính, phải nằm điều trị một tháng tại Bệnh viện huyện Đại Lộc. "Ban ngày nằm viện, nhưng tối đến tôi lại bắt xe bus đi học. Tan trường thì về lại bệnh viện tiếp tục điều trị", cụ kể.

cu thie 2 9162 1474083716
Cụ Thiệt trong một tiết học tại Đại học Duy Tân Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Thầy giáo Nguyễn Gia Như, Phó trưởng Khoa sau đại học (Đại học Duy Tân Đà Nẵng) cho biết, sau một năm theo học, cụ Thiệt đã chứng tỏ tuy tuổi cao nhưng không thua kém học viên "con, cháu". "Đáng ngạc nhiên là tất cả học phần bác thi đều đạt yêu cầu với kết quả khá tốt, không hề có sự nương nhẹ từ các giảng viên giảng dạy", thầy Như nói.

Theo thầy Như, cụ Thiệt tuy chênh lệch tuổi tác nhưng được các học viên trong lớp xem như người "bạn" tinh thần, sẵn sàng chia sẻ khó khăn. Cụ là một trong những học viên chăm chỉ nhất lớp, nhiều hôm còn mang theo ổ bánh mì ăn tối cho kịp giờ vào lớp. Gương mặt lúc nào cũng tràn đầy hứng khởi.

Đại học Duy Tân Đà Nẵng đã miễn toàn bộ học phí và lệ phí cho cụ Thiệt trong suốt chương trình học. Khoa Sau đại học cũng thường xuyên chú ý theo dõi việc học của cụ. "Ít ai có thể tưởng tượng một người 84 tuổi mà hàng ngày vẫn mang balo lên giảng đường. Thật là một tấm gương cho thế hệ noi theo về sự học", thầy Như nói thêm.
Năm 1954, sau thời gian tham gia Hội cựu trào, cụ Lê Phước Thiệt nằm trong diện tập kết ra Bắc, nhưng do số lượng quá đông nên đành ở lại quê Đại Lộc. Để tránh bị bắt giam, cụ vào TP HCM đi lính bộ binh, rồi sau đó ra Nha Trang làm lính hải quân. Năm 1975, cụ đưa gia đình sang Mỹ theo diện định cư, khi đang mang hàm trung tá.

Đến năm 1995, khi con cái đã trưởng thành, cụ Thiệt mới đi học phổ thông, rồi vào đại học California State University Hay Ward bang California, ngành Kinh tế tài chính. Tốt nghiệp đại học năm 2001, cụ Thiệt muốn đăng ký học lên cao học nhưng vợ đột ngột đổ bệnh, việc học phải dừng lại. Về nước sinh sống, cụ nộp đơn học cao học khi đã ngoài 80 tuổi và được Đại học Duy Tân đặc cách.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đông

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP