Giáo dục

Cử nhân ngành quản trị: Học làm “thầy” mà chưa một ngày được làm “thợ”, ra trường thất nghiệp kéo nhau đi làm sales

Đặc thù của ngành này là quản trị - nghĩa là học làm thầy của DN. Thế nhưng, sinh viên mới ra trường, kiến thức thực tiễn yếu, kiến thức được dạy hàn lâm của bộ giáo án cổ điển, chưa được làm thợ thì làm sao có thể lọt vào tầm ngắm của các nhà tuyển dụng để làm thầy DN được!


sinh vien that nghiep sukien net 1475209793088
Ảnh minh họa.

Theo thống kê kết quả tuyển sinh ba năm gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, QTKD (quản trị kinh doanh) vẫn là ngành chiếm thứ hạng cao nhất trong hồ sơ đăng ký của thí sinh, trên 10% số hồ sơ đăng ký mỗi năm.

Trong khi đó, theo thông tin từ trang thông tin truyển sinh (Thongtintuyensinh), chỉ riêng tại TP HCM có đến hơn 40 trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đào tạo ngành này. Nghĩa là số cử nhân QTKD ra trường mỗi năm là trên 10.000 người vì nhiều trường lớn có chỉ tiêu mỗi năm hơn 1.000 sinh viên.

Thế nhưng, theo các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp Việt vẫn đang “đỏ mắt” tìm vị trí quản lý dù chấp nhận trả mức lên tới hàng nghìn USD/tháng. Và thực tế, các cử nhân ngành học này lại không đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Học làm thầy, ra làm thợ

Là cử nhân ngành QTKD tại một trường kinh tế có tiếng ở Hà Nội, Nguyễn Thắng (quê Quảng Ninh) đã ra trường nửa năm nay vẫn chưa tìm được công việc chính phù hợp. Thắng cho biết, đây là tình trạng chung của cả lớp chứ không riêng anh.

Theo lời Thắng, 90% bạn bè trong khóa anh ra trường đang làm tạm thời nhân viên sale, marketing, nhân sự. Mỗi người làm một nơi nhưng hầu hết mức lương rất thấp. Thậm chí, có người tốt nghiệp quản trị bằng giỏi đi làm nhân viên bán hàng ở quán cà phê hay quán nhậu.

“Cực chẳng đã, chẳng bõ công 4-5 năm dùi mài kinh sử”, Thắng thở dài.

Sau 4 năm học quản trị ra trường vẫn chưa xin được việc, cử nhân đúc rút, học ngành này phải chấp nhận một sự thật, là chắc chắn chẳng có công ty nào tuyển sinh viên vừa ra trường để điều hành công ty. Nếu muốn ra trường có việc tương đối ổn định thì nên học khối ngành kỹ thuật với điều kiện kiến thức vững và phải có tay nghề vững chắc.

2nam 2 24 1475210100507

Còn nếu đam mê với ngành quản trị thì phải có mối quan hệ rộng, có thật nhiều kinh nghiệm đi làm mới mong có được một vị trí tốt trong công ty. Ra trường, cử nhân phải chấp nhận làm một vị trí thấp và cố gắng thể hiện mình thật tốt rồi mới tìm được cơ hội việc làm đúng với ngành học.

Ở lớp của Thắng, có một số bạn học quản trị ra tự thành lập doanh nghiệp riêng. Thế nhưng, không phải ai cũng làm được điều này trừ khi họ chưa hội tụ đủ các yếu tố: ý tưởng, vốn, quan hệ và tâm lý chấp nhận thất bại bất cứ khi nào. “Thời bây giờ, khởi nghiệp dễ chứ dựng và thành nghiệp thì khó lắm!”, Thắng cho hay.

Học hỏi từ các đàn anh đi trước (cũng từng học QTKD), Thắng cho biết, cử nhân học ngành này phải trải qua nhiều vị trí mới leo lên được nấc thang phù hợp. Song phải nỗ lực lắm với thời gian tới 5-10, thậm chí 15-20 năm mới leo hết các bậc như nhân viên kinh doanh, nhân viên bán hàng, marketing, giám sát… rồi trưởng phòng, quản lý, quản lý nhân sự, giám đốc điều hành, giám đốc nhân sự…

… cái gì cũng biết nhưng không biết cái gì!

Sau 5 năm nỗ lực hết mình, kinh qua 3 công ty với nhiều vị trí khác nhau, Hữu Cảnh (Nghệ An) mới lên được chức Quản lý tại một công ty điện tử ở Hà Nội. Cảnh cho biết, nếu được quay lại một lần nữa, anh vẫn sẽ chọn QTKD để theo học, nhưng sẽ học theo cách của riêng mình.

Theo anh Cảnh, QTKD là ngành đào tạo các nhà quản trị cho tương lai. Do đó, sinh viên sẽ có được kiến thức rất rộng, nhưng không sâu.

Bạn sẽ biết được những kiến thức cơ bản và nguyên tắc hoạt động của các phòng ban trong công ty, từ đó đưa ra những quyết định để phát triển một cách đúng đắn. Các kiến thức quản trị học và quản trị các lĩnh vực cụ thể của doanh nghiệp được đào tạo như quản trị cung ứng, quản trị dự án, quản trị sản xuất, quản trị chất lượng, quản trị nguồn nhân lực, quản trị tài chính, quản trị marketing, quản trị bán hàng. . .

“Bằng ấy cách quản trị, với kiến thức rất rộng nên người học sẽ không thể nghiên cứu chuyên sâu vào bất cứ phòng ban nào. Nghĩa là cái gì bạn cũng biết nhưng thực tế lại chẳng biết cái gì”, anh Cảnh cho hay.

Đặc thù của ngành này là quản trị - nghĩa là học làm thầy của DN. Thế nhưng, sinh viên mới ra trường, kiến thức thực tiễn yếu, kiến thức được dạy hàn lâm của bộ giáo án cổ điển, chưa được làm thợ thì làm sao có thể lọt vào tầm ngắm của các nhà tuyển dụng để làm thầy DN được!

Theo anh Cảnh, cử nhân tốt nghiệp QTKD có thể có cơ hội vào quản lý nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, để có vị trí then chốt trong công ty, đòi hỏi họ phải có kinh nghiệm dồi dào, kiến thức sâu, quan hệ rộng và có tầm nhìn tốt. Thế nhưng, làm gì có sinh viên mới ra trường đã hội tụ được những ưu điểm này trừ khi học đã hoặc đang sở hữu, điều hành một DN nào đó?

Đây cũng là lý do vì sao nhiều bạn sinh viên tốt nghiệp ngành này thường khó kiếm việc làm.

3secretary 1475210203772
Ảnh minh họa.

Học làm thầy ở Tây nhưng không làm nổi thợ ở Việt Nam

Với giấc mơ làm giám đốc từ hồi nhỏ, Trần Văn Lập (Ninh Bình) đã bỏ ra chi phí học 25.000 - 65.000 USD/năm để học Quản trị kinh doanh tại Mỹ. Thế nhưng, khi về nước, các email xin việc gửi đi đều không nhận được hồi đáp tích cực. Hầu hết các email đáp trả đều mong muốn anh tích lũy thêm kinh nghiệm để phù hợp với thị trường ở Việt Nam.

Một vài người bạn gợi ý các công việc như sale, marketing… nhưng anh chưa sẵn sàng vì kiến thức thực tế còn hạn chế.

Lập cho biết, đào tạo ngành này tại Mỹ vẫn học lý thuyết trên các nguyên tắc gồm kế toán, kinh tế, tài chính, tiếp thị và thống kê. Chỉ khác Việt Nam ở chỗ, các giảng viên đưa ra nhiều tình huống thực tiễn và có buổi tiếp xúc với các DN.

Thông thường các sinh viên được thảo luận các tình huống kinh doanh trong các công ty như Ford, HP, Ralph Lauren… và nhiều đơn vị nổi tiếng khác. Sinh viên đóng vai trò là những người lãnh đạo công ty, phân tích các vấn đề và đưa ra giải pháp.

Tuy nhiên, các phương án giải quyết đưa ra chỉ được đánh giá qua nhận định của các giảng viên trên lý thuyết. Thực tế, những CEO kỳ cựu của những công ty hàng tỉ đô còn phải đau đầu, quên ăn mất ngủ mới đưa ra hướng giải quyết ổn thỏa, huống hồ những người trẻ tuổi, chưa kiếm được một xu như các cử nhân mới “vỡ trứng nước” ra trường.

Cũng bởi thế, dù đã học những thứ “to lớn” ở Mỹ, sau khi về Việt Nam, Lập lại phải đăng ký khóa học khác chuyên sâu hơn về các kỹ năng nhỏ. Du học sinh Mỹ đúc rút, muốn làm thầy, trước tiên phải học làm thợ!

Mới đây, một giảng viên kinh tế khuyến các sinh viên: “Đừng dại gì học quản trị kinh doanh”. Theo giảng viên này, QTKD không phải là nghề. Bởi ngay cả giảng viên tại trường dạy ngành này cũng chưa từng quản trị một doanh nghiệp nào thì làm sao có kiến thức dạy sinh viên quản trị.

Còn về phía sinh viên, việc theo đuổi ngành này ở bậc đại học phần lớn đang ở độ tuổi mười tám hai mươi, chưa quản trị nổi thân mình huống hồ là doanh nghiệp.

Ông cũng đặt câu hỏi: Ai trong các anh chị tự tin nói rằng, bằng những thông tin thu nhặt được tại đại học về quản trị kinh doanh, anh chị sẽ mở công ty làm ăn thành công, hoặc sẽ leo cao trên nấc thang công việc (corporate ladder)?

Tác giả bài viết: Hồng Minh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP