Cuộc sống

Cứ đến bữa cơm, chồng lại hỏi hết bao nhiêu tiền

Anh em bạn bè ai cũng bảo tôi sinh ra có số hưởng, chứ làm gì có người đàn ông nào vừa biết kiếm tiền vừa sống chỉn chu như chồng tôi. Nhưng có những nỗi khổ nhiều khi không ai hiểu được.


Suy cho cùng mà nói thì chồng tôi không có tật gì xấu. Anh biết kiếm tiền, thương vợ thương con. Anh không dính dáng gì đến cờ bạc, rượu chè, lô đề, gái gú. Tiền kiếm được tháng nào anh đưa sạch cho tôi giữ tháng đó, chỉ khi cần đổ xăng, nộp tiền điện thoại hay đột xuất chuyện gì đó anh mới bảo tôi đưa, còn không ví của anh luôn chỉ có 100.000 phòng đi đường xe cộ gắp sự cố.Những ngày nghỉ, anh chỉ ở nhà với vợ con, giúp dọn dẹp nhà cửa, kể cả vào bếp hay giặt giũ cũng không nề hà.

Là quản lý của một công ty chuyên về xây dựng, thu nhập của anh khiến tôi không phải lo lắng về áp lực kinh tế, lương của tôi chỉ hơn ba triệu, chỉ đủ đóng tiền học cho con. Nói vậy, nhiều người sẽ bảo tôi còn muốn gì nữa, ông chồng như thế có đốt đuốc đi tìm cả tháng cũng không ra.

Tôi không phải là một người phụ nữ hoang phí, tôi cũng không ăn diện hay mua sắm những thứ không cần thiết. Tiền bạc trong nhà chủ yếu chỉ trả tiền thuê nhà, tiền học cho con, ăn uống cho cả nhà, một vài khoản phát sinh như ma chay, đám hỏi, còn lại là để dành tiết kiệm để mua đất mua nhà. Nếu chồng đã đưa tôi giữ tiền, cứ để tôi tự lo liệu thì chẳng nói làm gì, nhưng tiền trong tay tôi mà anh cứ như sợ ai lấy mất.

Nói anh keo kiệt có lẽ hơi oan, vì anh em, bạn bè có việc gì, thăm hỏi hay cho vay anh đều rất hào phóng. Mỗi lần về quê, quà cáp cháu chắt ông bà anh đều nhắc tôi mua đầy đủ. Khách khứa đến nhà anh đều tiếp đãi chu đáo. Vợ, con nói thèm ăn gì anh sẵn sàng đi mua. Cái gì cũng muốn đàng hoàng, chu đáo nhưng lại cứ muốn tôi đừng tiêu vào khoản tiền tiết kiệm.

Cứ mỗi tháng nhận lương về là anh hỏi tôi “tháng này lương em được bao nhiêu nhỉ?”, sau đó anh cộng lương của anh vào, chia ra tiền học của con bao nhiêu, tiền nhà bao nhiêu, tiền ăn khoảng bao nhiêu, chỉ được dùng trong khoảng đó, còn lại là tiền để tiết kiệm. Cứ dăm bữa nửa tháng anh lại hỏi “Tháng này nhà mình tiêu hết bao nhiêu rồi nhỉ? Ôi sao tiêu nhanh thế? Tiêu những gì mà nhiều thế nhỉ?”. Tháng nào mà chẳng may tiêu lậm vào một ít tiền để dành là thể nào anh cũng tỏ ra không hài lòng bảo “Em phải kìm chế các khoản phát sinh chứ”. Khổ chưa, đã gọi là phát sinh thì kìm chế làm sao được.

Còn các bữa ăn, hễ ngồi vào mâm là bắt đầu anh hỏi: "Thịt hôm nay bao nhiêu một lạng, em?", "Rau muống bao nhiêu một mớ? tép ở đây họ bán thế nào?" Xong rồi anh tính toán mỗi bữa ăn nhà mình tính ra ăn hết bao nhiêu tiền rồi hớn hở: “Rẻ em nhỉ, rẻ hơn đi ăn quán bao nhiêu.” Hồi mới lấy nhau tôi cứ tưởng anh hỏi cho vui thế thôi. Nhưng rồi ngày nào cũng lặp đi lặp lại, tôi chán chẳng muốn trả lời, chỉ gắt lên: "Anh quan tâm đến giá cả rau cá làm gì cho mệt óc, em lo là được rồi". Thế là anh lại giận dỗi: "Anh hỏi chỉ biết thôi chứ có phải quản lý gì chuyện chợ búa của em đâu. Hỏi để lỡ may, hôm nào em vắng nhà, anh đi chợ còn biết đường mà mua chứ, không lại lớ ngớ không biết gì như người trên rừng xuống thì sao?". Nghe những lời trần tình của anh, nói thật tôi chán đến tận cổ.

Hôm nào rảnh rỗi mà có anh đi chợ cùng thì khỏi phải nói, lang thang còn lâu hơn cả vào siêu thị, chỉ vì anh cò kè bớt giá. Về khoản này, nói thật anh hơn đứt tôi, hàng này mà hơn hàng kia năm trăm đồng thôi là dứt khoát không mua. Mua một cân dưa chuột anh cũng phải nhìn cân xem đủ chưa mới được. Tôi bảo với anh: Hôm nào mà được anh chở đi chợ là mỏi rã cả chân vì phải lượn đi lượn lại mấy vòng. Có hôm vào mua dầu gội đầu ở siêu thị, anh còn đem điện thoại ra tính xem cũng từng ấy ml, mua dầu gội đóng hộp và dầu gội đóng thành từng gói nhỏ, loại nào rẻ hơn? Tôi thật sự chỉ còn biết lắc đầu.

Có lần tôi nói chuyện này với mẹ chồng, mẹ tôi bảo: "Trước ở với mẹ, mỗi lần mẹ đi chợ về nó cũng hỏi như thế. Nó hỏi thì làm sao, nó có chê con mua đắt mua rẻ gì đâu mà bực, kệ nó, có khi là do nó quen mồm thôi, để ý làm gì. Nó biết vun nén không tiêu pha phá phách gì là tốt quá rồi. Cứ nhìn ra thiên hạ xem, khối thằng chẳng lo nổi cho vợ con mà còn nhiễu đến khổ ấy".

Biết là thế, biết là chẳng nên kêu ca, nhưng mỗi khi nghe bạn bè kể chồng họ chẳng bao giờ quan tâm vợ chi tiêu những gì, chẳng bao giờ biết nhà có bao nhiêu tiền, nhìn lại nhà mình, tiêu đi một đồng vào khoản gì chồng cũng hỏi cũng biết, tôi cứ thấy cám cảnh làm sao.

Tác giả bài viết: L.G

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP