Cuộc sống

“Cú bật sấm sét” của cô con dâu luôn cam chịu nhẫn nhịn gần 10 năm trời

Cô cảm thấy phẫn uất vì dường như trong mọi trường hợp, bà luôn mặc định cô là người phải chịu trách nhiệm với tất cả những công việc của nhà chồng.

Gần 10 năm làm dâu, tuy không ở chung nhà nhưng lúc nào Ngọc cũng làm tốt trách nhiệm của mình, quan tâm chu đáo, hiếu thảo với bố mẹ chồng như bố mẹ mình, mặc dù ông bà đối xử với cô có phần thiếu công bằng.

Không Tết năm nào là vợ chồng Ngọc không về quê chồng ăn Tết, dù nhà Khang – chồng cô có tới 3 anh em trai, Khang là con út trong nhà và 2 anh trai của Khang cũng đều ở gần bố mẹ. Tết năm nào cũng thế, bố mẹ chồng Ngọc đều đợi vợ chồng cô về mua sắm, dọn dẹp nhà, chuẩn bị tất cả mọi thứ đón Tết. Trong các bữa cơm gia đình, Ngọc luôn là người phải hì hục nấu nướng, dọn dẹp, còn nhà 2 anh trai Khang thì tới bữa cả gia đình con cái mới kéo tới ăn cơm, ăn xong lại lấy cớ bận ra về. Bố mẹ chồng cô còn bênh các anh trai và chị dâu Khang ra mặt, hiển nhiên coi nghĩa vụ phục dịch cả nhà là của riêng Ngọc.

Nghĩ cũng thấy tủi thân, nhưng Ngọc luôn nhẫn nhịn vì không muốn không khí gia đình căng thẳng, hơn nữa cả năm mới về vài lần dịp lễ Tết, giỗ chạp, thôi thì cũng nín nhịn cho xong. Thế là gần 10 năm về làm dâu nhà Khang, lần nào cũng vậy, hễ nhà chồng có việc gì là vợ chồng cô không bao giờ được vắng mặt, và y như rằng là chỉ có duy nhất Ngọc cặm cụi làm.

Năm nay cũng vậy, Tết nhất về quê chồng lên Ngọc sút đi mất 2kg vì không ăn được gì và quá mệt mỏi, bận rộn, thức khuya dậy sớm nấu nướng, dọn dẹp ròng rã cả chục ngày Tết. Vừa lên thành phố đi làm lại chưa được bao lâu, mẹ chồng ở quê gọi điện ra, nói cuối tuần vợ chồng cô về quê có đám giỗ của cụ nội Khang. Mọi năm nhà Khang chỉ làm mâm cơm cúng cụ, năm nay không hiểu sao mẹ chồng lại thích mở to, mời anh em họ hàng tầm chục mâm nữa.

Ảnh minh họa

Ngọc khó xử vô cùng, vì dịp đó lại vừa hay trùng với đám cưới của em gái họ chơi thân với cô ở quê, chắc chắn cô không thể vắng mặt được. Cô liền dè dặt hỏi mẹ chồng: “Dạ, mẹ ơi hôm ấy ở nhà con cũng có đám cưới của cô em họ chơi với con rất thân, con xin phép mẹ cho con vắng mặt được không? Anh Khang sẽ đưa các cháu về thắp hương cho cụ...”. Chỉ nghe đến thế mẹ chồng Ngọc đã hét lên trong điện thoại: “Cô nói cái gì? Cô định trốn việc à? Cô không về chuẩn bị thì ai làm? Đám cưới gì, dẹp hết! Tôi nói cho cô biết nhé, con dâu mất nết mới như thế, cô đừng có cái thói ấy ở nhà này!”.

Ngọc nghẹn lời trước câu nói quá mức cay nghiệt của mẹ chồng. Hơn thế, cô cảm thấy phẫn uất vì dường như trong mọi trường hợp, bà luôn mặc định cô là người phải chịu trách nhiệm với tất cả những công việc của nhà chồng, chẳng khác gì kẻ làm người ở, ô sin vậy. Bà có bao giờ coi cô là con dâu trong nhà, là mẹ của các cháu bà?

Như giọt nước tràn ly, Ngọc cảm thấy bản thân không thể chịu đựng nổi nữa. Cô đã nín nhịn bao nhiêu năm nay, những tưởng người khác sẽ thấy đó mà ghi nhận, nhưng nào phải thế, cô càng nhường nhịn và cố gắng thì ai nấy đều coi đó là việc đương nhiên, thậm chí trách nhiệm đổ lên vai cô ngày càng nhiều và vô lí.

“Mẹ, sao mẹ lại nói con như vậy? Con về làm dâu nhà mình gần chục năm nay đã bao giờ con nói hỗn hào với bố mẹ lời nào, đã bao giờ con xao nhãng công việc nhà mình, thậm chí con luôn là người đảm nhiệm chính là đằng khác. Mẹ nói con mất nết có phải quá gượng ép không?”, câu đáp lời của Ngọc khiến mẹ chồng cô cứng họng chẳng nói được gì. Có lẽ bà đang quá đỗi bất ngờ, không nghĩ cô con dâu luôn ngoan ngoãn nghe lời, sai gì làm nấy của mình có thể cãi lại mình như thế.

Ngọc thấy thế thì tiếp lời: “Con cũng muốn hỏi mẹ, nếu đã là việc chung của gia đình thì con cái đều có trách nhiệm như nhau phải không ạ? Vậy tại sao con không làm thì không ai làm? Vẫn còn các anh chị và chồng con cũng sẽ đưa 2 cháu về. Con nghĩ thiếu con thì mọi người vẫn có thể lo liệu chu đáo được bình thường. Không phải con không muốn về, mà là em gái họ con cưới, cả đời mới có một lần, con với em ấy lại rất thân thiết, vì vậy con với chồng xin phép được chia ra mỗi người về một bên”.

Đây là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm làm dâu nhà Khang mà Ngọc không về quê khi nhà chồng có việc, còn có lí do chính đáng, nhưng cô không nghĩ mẹ chồng lại có thể nói về mình như vậy, không suy nghĩ và do dự. Hóa ra tất cả những gì cô cố gắng làm vì mọi người trước nay đều đổ xuống sông bể cả.

“Từ nay con xin được chỉ làm bổn phận và phần việc của mình, không gánh vác hay ôm đồm tất cả vào mình nữa, và con cũng chia đôi thời gian cho cả đằng nhà con, bố mẹ con nuôi nấng con gái bao nhiêu năm mà con còn chưa phụng dưỡng báo đáp được cho bố mẹ điều gì, đến cái Tết cũng chẳng bao giờ về vui vầy được với ông bà. Con thông báo như vậy để từ giờ mẹ không còn trông đợi hoàn toàn vào con mỗi khi nhà mình có việc gì nữa, con cũng là người, sức chịu đựng của con cũng có giới hạn thôi mẹ ạ!”, Ngọc nói xong, không nghe thấy mẹ chồng phản ứng gì, có lẽ là quá sốc trước cú bật lại ngang với sấm sét của cô rồi.

Cô liền lễ phép chào mẹ chồng rồi cúp máy. Nghĩ lại chuyện vừa rồi, cô không hề thấy hối hận, thậm chí cô còn nhủ thầm, đáng lẽ cô nên làm điều này sớm hơn là đằng khác!

Tác giả bài viết: Thái Nguyên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP