Kinh tế

Công ty viễn thông chạy đua thanh toán trực tuyến

Không chỉ ngân hàng, công ty fintech, các doanh nghiệp viễn thông cũng cấp tập đầu tư cho dịch vụ thanh toán trực tuyến.

Nhân viên văn phòng nhận lương qua thẻ nhưng sau đó vẫn rút ra để chi tiêu và thanh toán các khoản chi phí bằng tiền mặt. Người dùng smartphone chơi game nhưng lại không sử dụng các ứng dụng thanh toán trực tuyến. Những hình ảnh này không mấy xa lạ trong bức tranh thanh toán ở Việt Nam, kể cả ở những thành phố lớn.

Thanh toán không tiền mặt, vốn đang là xu hướng chung của thế giới, nhưng tại Việt Nam hình thức này vẫn còn khá lép vế so với các phương pháp truyền thống. Với quá nửa dân số biết đến Internet và sử dụng điện thoại di động, Việt Nam nằm trong top các quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới. Dù vậy, một lượng lớn các giao dịch vẫn được người dân thanh toán bằng tiền mặt, kể cả những khoản thanh toán định kỳ như cước Internet hay truyền hình.

Với quá nửa dân số biết đến Internet và sử dụng điện thoại di động, Việt Nam nằm trong top các quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới.

Một khảo sát của World Bank cho biết, 65% người dân gửi, nhận tiền ngoài hệ thống chính thức hoặc trả tiền học phí, tiền hóa đơn bằng tiền mặt. Việt Nam đi sau nhiều nước về giao dịch điện tử. Cũng theo thống kê của đơn vị này, số lượng giao dịch phi tiền mặt trên bình quân đầu người của Việt Nam là 4,9, thấp hơn nhiều so với các láng giềng như Thái Lan (59,7), Malaysia (89), hay Trung Quốc (26,1).

Thực tế này vừa là thách thức, nhưng cũng mở ra cơ hội với các đơn vị cung cấp tiện ích thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh của thị trường thanh toán điện tử cũng tạo ra cuộc đua giữa các doanh nghiệp.

Không chỉ dừng ở ví điện tử và trung gian thanh toán, một số ngân hàng đã tiến vào cả những thị trường nhỏ hơn như dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động để chi trả các khoản phí cố định như tiền điện, nước, cước phí điện thoại, viễn thông, truyền hình cáp, phí bảo hiểm và một số khoản thu khác. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xem xét, chấp thuận cho nhiều Fintech thực hiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có dịch vụ ví điện tử thông qua kênh Internet và điện thoại di động nhằm phục vụ nhu cầu thanh toán các giao dịch thương mại điện tử và chuyển tiền nhỏ lẻ của người dân.

Ngoài quy mô đối tượng tham gia, các loại hình thanh toán cũng tăng mạnh. Trong hai năm gần đây, các giải pháp thanh toán di động tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ về số lượng như mPos, QR Pay, dịch vụ mobile banking, ví điện tử, các ứng dụng thanh toán không chạm như Samsung Pay…

Theo số liệu từ Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước, tại Việt Nam đã có trên 40 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với số lượng, giá trị giao dịch tăng trưởng nhanh. Đến cuối tháng 9/2017, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu, với giá trị giao dịch hơn 423.000 tỷ đồng (tương ứng đạt 93% và 139% so với năm 2016).

Sự phát triển của các tiện ích này là bước tiến lớn trong việc dần thu hẹp khoảng cách giữa thanh toán dùng và không dùng tiền mặt, tuy nhiên, một số tiện ích vẫn chưa đủ mạnh để thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng.

Trả lời vấn đề này, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho rằng, hiện nay, các giải pháp thanh toán qua di động này vẫn chưa thực sự thu hút được nhiều người dùng. Một phần nguyên nhân là do người dân hiện chưa có nhiều hiểu biết về các phương thức thanh toán mới và vẫn giữ thói quen chi tiêu bằng tiền mặt.

Nhiều tiện ích, dù có thể giảm thiểu tình trạng dùng tiền mặt trong thanh toán, nhưng lại khiến người tiêu dùng gặp khó khăn hơn trong quá trình sử dụng. Đơn cử như một số tiện ích thanh toán yêu cầu người dùng phải nhập lại các thông tin chi tiết về thẻ sau mỗi lần sử dụng, không áp dụng cho các khoản thanh toán định kỳ hay có những hệ thống chỉ áp dụng cho một số ngân hàng nhất định.

Điều này dẫn tới một bài toán là nhiều tiện ích thanh toán không được sử dụng rộng rãi, nhưng bản thân khách hàng vẫn luôn muốn tìm một phương thức thay thế tiền mặt và tiện dụng hơn.

Theo báo cáo của tổ chức Visa, 9 trên 10 người tiêu dùng sẵn sàng thử các phương thức thanh toán mới để giảm bớt sự lệ thuộc vào tiền mặt. 88% cho biết có thể sẽ sử dụng smartphone để thanh toán, 83% người tiêu dùng sẽ chọn thanh toán không tiếp xúc thay cho tiền mặt. Sự ra đời của công nghệ Tokenization (số hóa thẻ) đã giải quyết được những bài toán này.

Với sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Napas, từ tháng 1/2018, Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) là một trong những nhà cung cấp dịch vụ đầu tiên ứng dụng công nghệ Tokenization (số hóa thẻ) vào việc thanh toán cước và mua sắm dịch vụ nội dung trực tuyến.

Ngoài chức năng thanh toán tiện lợi, FPT Telecom còn ứng dụng để triển khai dịch vụ thanh toán tự động (AutoPay), cho phép chỉ một lần đăng ký và hàng tháng phí dịch vụ sẽ được tự động thanh toán mà không cần thao tác thêm. Tiện ích Tokenization và AutoPay được triển khai trên nền tảng công nghệ an toàn, bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế.

Dịch vụ thanh toán tự động Autopay của FPT Telecom giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và chủ động thanh toán cước.

Khách hàng chỉ cần đăng ký số hóa thẻ để lưu dữ liệu thẻ dưới dạng mã hóa. Ưu điểm của công nghệ này cho phép chỉ với một lần đăng ký và xác thực thông tin mà không cần nhập lại thông tin thanh toán cho những lần sau.

Tiện ích này cũng được áp dụng cho khách hàng chủ động thanh toán trực tuyến trên Hi FPT mà không lộ chi tiết thẻ thực tế. Mọi người có thể số hóa nhiều thẻ, mỗi lần thanh toán chỉ cần chọn một thẻ đã số hóa và xác thực để kết thúc giao dịch.

Trước FPT Telecom, một số nhà mạng và tập đoàn lớn tại Việt Nam cũng đã ứng dụng công nghệ này vào việc xây dựng các hạ tầng thanh toán mới. Những ứng dụng này nhận phản hồi tốt từ phía khách hàng nhờ những ưu điểm sẵn có.

Khách hàng sử dụng Internet và Truyền hình FPT có thể tải ứng dụng Hi FPT từ AppStore hoặc Google Play, đăng nhập bằng số điện thoại di động đã đăng ký với FPT Telecom, để sử dụng giải pháp thanh toán trực tuyến mới.

Theo lãnh đạo FPT Telecom, với sự bùng nổ về công nghệ, người tiêu dùng đang có xu hướng dịch chuyển sang các hình thức thanh toán mới thay cho tiền mặt bởi sự tiện lợi, an toàn và tiết kiệm thời gian, công sức.

"Với việc tích hợp được tất cả những ưu việt của loại hình thanh toán trực tuyến, dịch vụ thanh toán tự động AutoPay được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh trong mảng thanh toán cước phí cố định trong thời gian tới", vị này nhấn mạnh.

Tác giả: Huệ Chi

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP