Kinh tế

Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi GOLDENSTAR (Nghệ An): Cắt xén phụ cấp, tuỳ tiện xử phạt người lao động

Nhiều lao động của Cty TNHH thức ăn chăn nuôi GoldenStar (Khu công nghiệp Bắc Vinh, Nghệ An) phản ánh với báo Lao Động những quy định bất hợp lý của Cty, người lao động không có phụ cấp độc hại, bị xử phạt bằng tiền nếu phạm lỗi…

P.V đã làm việc với Cty và có cơ sở cho thấy những phản ánh của người lao động là đúng.
trang4 33b DUCP
Trụ sở Cty TNHH thức ăn chăn nuôi GoldenStar (KCN Bắc Vinh, Nghệ An).


Xử phạt công nhân bị tai nạn lao động

Cty TNHH thức ăn chăn nuôi GoldenStar là doanh nghiệp FDI, đi vào hoạt động từ năm 2006, đóng tại xã Hưng Đông (TP.Vinh), hiện có khoảng hơn 40 CN. Việc thực hiện Luật Lao động của Cty có một số bất cập, bị người lao động phản ánh. Công nhân N.V.V làm việc tại Cty đã 3 năm cho biết, công việc của anh là bốc, bỏ hàng vào bao. Về giờ giấc, CN làm việc từ 19 giờ hôm trước đến 9h sáng hôm sau; một tuần chỉ nghỉ được một ngày; tuần sau làm việc vào ban ngày. Anh V cho hay không được trả thêm tiền làm việc vào ban đêm. Môi trường làm việc rất bụi bặm, mùi khó chịu, ảnh hưởng sức khỏe, nhiều người bị xoang, nhưng không có chế độ phụ cấp độc hại.

Công nhân L.V.V - làm bộ phận đóng hàng, đã 4 năm - phản ánh: Những CN bị tai nạn lao động, còn bị Cty phạt tiền, có người bị phạt đến tiền triệu. Có người làm quên quét dọn cũng bị phạt; làm đêm ngủ cũng bị phạt, ghi sai số liệu cũng bị phạt… CN ốm, nghỉ việc, chưa kịp xin giấy bệnh viện cũng bị phạt. CN phải tự nộp tiền phạt. Bữa ăn ca vào ban ngày mức 15.000đ, nhưng CN phải góp vào 5.000đ/bữa. Riêng bữa ăn ca ban đêm thì miễn phí. Làm vài năm, tiền phạt quá nhiều, thời giờ làm việc dài, anh V chán nản nên đã nghỉ việc.

Do chế độ không bảo đảm, nhiều CN vào làm việc một thời gian rồi xin nghỉ, nên Cty phải tuyển người, thay đổi liên tục. CN mặc dù vẫn biết Cty làm như vậy là sai nhưng không ai dám phản ánh, không biết đấu tranh ở đâu.

Không được hưởng chế độ độc hại

Làm việc với P.V, bà Lê Thị Thu, Chủ tịch CĐ Cty TNHH thức ăn chăn nuôi GoldenStar thừa nhận có việc xử phạt CN bằng hình thức phạt tiền, nhằm răn đe CN. “Cty phạt CN gây tai nạn lao động, hoặc những CN không chấp hành nội quy… Tùy theo tính chất vụ việc, mức phạt chỉ 50.000đ; bằng chứng do camera lưu lại”. P.V đề nghị cung cấp hồ sơ xử phạt, bà Thu cho biết phiếu xử phạt còn lưu ở bộ phận khác; nếu CN không nộp phạt sẽ có hội đồng kỷ luật. Về giờ giấc làm việc, bà Thu cho biết, ca đêm kết thúc vào 5h30 - 6h sáng, chứ không phải 9h như CN phản ánh. Bà Thu cũng cho biết CN không được hưởng chế độ độc hại; nhưng được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động. Còn tiền làm ca đêm đã được cộng thêm vào đơn giá. Bữa ăn ca ban ngày CN nộp thêm 5.000 đồng/bữa. Bà Thu cũng thừa nhận, do vất vả, người lao động tại Cty thường xuyên biến động, có người chỉ làm được một thời gian ngắn rồi xin nghỉ. Mặc dù có nhiều bất cập như vậy, nhưng bà Chủ tịch CĐ Cty GoldenStar Lê Thị Thu vẫn khẳng định: “Tôi cũng làm lợi cho CN”.

Trao đổi với P.V, một cán bộ BQL KKT Đông Nam Nghệ An thừa nhận, việc Cty GoldenStar dùng hình thức phạt tiền thay cho kỷ luật người lao động là không được phép.

Luật sư Lại Xuân Cường - Văn phòng luật sư Quốc Thái, Đoàn luật sư TP. Hà Nội: “Đối với công nhân chế biến thức ăn gia súc, làm trong nhà máy phải chịu khói bụi: Những người lao động vận hành máy nghiền, trộn thức ăn gia súc. Đây là công việc nặng nhọc, ảnh hưởng của ồn, bụi nồng độ cao (Danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kèm theo Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13.10.1995). Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường (khoản 3, Điều 7, Nghị định số 49/2013/NĐ-CP). CN cũng có thể được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Lao động và Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH”.
QUANG HÙNG ghi

Tác giả bài viết: QUANG ĐẠI - NG.HỒNG QUÂN

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP