Đây là số phận cuộc đời của ông Huỳnh Trọng Nghĩa (SN 1965) hiện đang là một mục sư ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng. Cuộc đời cho ông sinh ra trong hoàn cảnh loạn lạc bom đạn, mồ côi rồi đổi vận vào một gia đình khá giả, sống trong nhung lụa nhưng bể dâu sa ngã.
Công tử nhà giàu bỗng phát hiện mình là con nuôi
Từ khi bắt đầu có ký ức, cậu bé Nghĩa sống trong cảnh giàu sang, sung túc. Cha là trưởng máy tàu Viễn Dương. Là đứa con trai độc nhất, Nghĩa được cha vô cùng nuông chiều. Đến năm 15-16 tuổi, Huỳnh Trọng Nghĩa đã trở thành một công tử ở Hải Phòng.
Từ những năm 1980, xe gắn máy mang từ nước ngoài về chỉ đếm trên đầu ngón tay, Nghĩa đã được cha tậu riêng cho một chiếc. Sống trong nhung lụa, cậu bé Nghĩa theo đám bạn bè xấu ăn chơi lêu lổng rồi lâm vào cảnh nghiện ngập, bán cả nhà cửa.
Ông Huỳnh Ngọc Nghĩa (tức Phạm Phú Toàn). |
Dành trọn tình thương, đặt trọn hy vọng cho cậu con trai nên người cha thấy cảnh con hư hỏng thì vô cùng thất vọng. Sau nhiều lần Nghĩa "ngựa quen đường cũ", ông giận dữ viết giấy từ mặt. Lá đơn gửi toà án nhân dân quận Lê Chân. Cũng từ đây, Trọng Nghĩa phát hiện mình là con nuôi.
"Tôi là Huỳnh T., vợ chồng tôi không có con do sự giới thiệu của bà Phạm Thị Nguyên (ở Phạm Ngũ Lão), tôi có nhận người con của ông Phạm Phú Th. (quê Bình Khê, Bình Định) và bà Vũ Thị Th. (quê Bằng La, Đồ Sơn, Hải Phòng). Hiện nay, Nghĩa mắc nợ đòi bán căn nhà... Chúng tôi chỉ có một nguyện vọng cắt đứt tình bố mẹ với con nuôi Huỳnh Trọng Nghĩa", đó là những dòng chữ trong tờ đơn viết ngày 1/4/1996.
Hành trình sáng tỏ số phận của công tử đất Cảng
Quay về hơn 40 năm về trước, tại xóm cầu tre, khu Cộng Lực ở Đồ Sơn nơi có nhà máy nước là mục tiêu đánh phá ác liệt của bom Mỹ, người phụ nữ tên Vũ Thị Th. đi thanh niên xung phong về lập gia đình với một thương binh miền Nam tập kết tên Phạm Phú Th. (tập kết ra Bắc 1954 là thương binh loại 2/4 chống Pháp). Vợ chồng bà Th. sinh được 4 người con (3 gái, 1 trai).
Ngày 26/6/1966 một toán máy bay Mỹ sau khi đánh sập cầu Việt Trì bay ra phía biển cắt một loạt bom thừa ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Bà Th. trúng bom qua đời. Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ông Phú Th. đã quyết định mang đứa con trai út là Phạm Phú Toàn mới 7 tháng tuổi cho vợ chồng người đồng đội là ông Trần Văn Vinh (lúc đó là tổ trường tổ lái xe) và bà Huỳnh Thị Nguyên (công tác trong ban chỉ huy phòng không).
Hình ảnh 4 đứa trẻ bên mộ mẹ chết vì bom được nhà báo chụp lại gửi gia đình vào năm 1966 |
Nhưng sau đó, bà Nguyên không nuôi Toàn mà mang cho người anh trai là ông Huỳnh T. Vậy là số phận đưa đẩy, cậu bé Toàn được thay tên đổi họ thành Huỳnh Trọng Nghĩa. Để con trai được sống trong sung sướng, ông Th. ngậm đắng nuốt cay giữ kín tất cả thông tin. Mặc cho con gái lớn là Phạm Thị Vân năn nỉ, khóc lóc tìm em.
Ngày đó, bà Vân mới khoảng 7-8 tuổi nhưng ký ức về tình cảm ruột thịt bị "khuyết" khiến bà đằng đẵng suốt hàng chục năm trời luôn nhớ về đứa em út. "Nhiều lần tôi có hỏi cha cho em cho người nào, cha nói đi để con đi tìm em. Nhưng ông nói nhà mình nghèo quá nó ở với người ta sướng lắm để cho nó ở với họ đừng có đón nó về. Đón về là khổ tất cả".
Mãi đến khi trăn trối phút cuối đời, ông Th. mới tiết lộ mang Phú Toàn cho vợ chồng người bạn. Lần theo những thông tin nhen nhóm, bà Vân tìm em nhưng bất thành. Nghe phong thanh, sau ngày giải phóng gia đình nuôi em út đã vào Nam, bà Vân cùng hai người em gái rời nguyên quán xuôi vào Sài Gòn, Huế đi tìm nhưng cũng chẳng thấy. Mong mỏi có ngày gặp lại em út, người chị quyết định ở lại quận 12 lập nghiệp.
Bà Vân đau đáu tìm em trai suốt hàng chục năm trời |
Hội ngộ trong nước mắt
Một ngày tình cờ xem được chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, bà Vân viết thư gửi về. Trong thư, người chị tha thiết xin nhờ chương trình tìm giúp người em Phạm Phú Toàn. Thư của bà Vân viết: "Cuộc đời tôi năm nay 51 tuổi, chưa bao giờ được sung sướng từ lúc mẹ tôi chết đến giờ. Nhưng có hai nỗi khổ lớn nhất của tôi là không tìm thấy mộ của mẹ, hai là tìm em trai út cha cho mà giờ không biết ở đâu khi mà đất nước mình bao la rộng lớn.
Hai điều này rất quan trọng đối với đời tôi, nếu tôi không làm được thì đến khi ra đi tôi không nhắm mắt được. Mong các anh các chị tìm hộ em giúp cho tôi. Một cuộc đoàn tụ của đại gia đình là hạnh phúc của cả đời người đau khổ mất mát. Điều này nó quý giá hơn vàng ngọc, bởi vật chất người ta có thể làm ra được còn mất mát về tình cảm thì không thể có tình cảm khác hay người khác thay thế được".
Cuộc đoàn tụ xúc động giữa bà Vân và ông Huỳnh Trọng Nghĩa |
Giữa tháng 3/2009, bà Phạm Thị Vân đã có cuộc đoàn tụ với người em trai sau 43 năm xa cách. Ôm người em vào lòng, người chị không khỏi xúc động: "Nếu như gặp lúc ôm em tôi nó còn nhỏ nhỏ thì đã quay người xoay tròn rồi nhưng giờ nặng quá không làm như thế được. Trong cuộc đời nếu như ai có những mong mỏi, chờ đợi nhớ nhung thì mới thấu hiểu hết được cuộc gặp gỡ này. Cảm giác như một người đang đi trong đêm tối đột nhiên thấy ánh sáng mặt trời".
Cũng thật may mắn, hàng chục năm trôi qua biến cố cuộc sống của ông Huỳnh Trọng Nghĩa (hay là Phạm Phú Toàn ) đã không còn dấu vết nào nữa. Nhờ tình yêu vô điều kiện của người mẹ nuôi đã giúp Trọng Nghĩa thay đổi, giữ cho đời một người con tốt đẹp. Giờ chỉ còn 1 vị mục sư đáng kính, 1 gia đình hạnh phúc và mẹ nuôi hết mực yêu thương con cháu.
Tác giả: Thiên Thanh
Nguồn tin: phapluat.suckhoedoisong.vn