Lốp mòn nhanh nhất là lốp của xe tải, xe buýt, xe đua và máy bay, những loại lốp này do chịu ma sát lớn nên bề mặt lốp bị mài mòn. Chi phí cho bộ lốp lớn là rất đắt đỏ, vì thế công nghệ tái sử dụng lốp ra đời bằng cách tạo bề mặt mới.
Quá trình tái tạo lốp bắt đầu từ kiểm tra lốp để phát hiện hư hỏng trên bề mặt và thành lốp như nứt, bị thủng. Lốp có thể tái sử dụng là những lốp bề mặt mòn nhưng chất lượng cao su thành lốp vẫn tốt. Với những lốp có một vài vết thủng, thợ sẽ tiến hành vá lốp trước khi đưa vào tái tạo.
Sau khi kiểm tra, lốp đưa lên máy mài. Việc mài lốp tương tự như khi vá săm xe máy, phải mài để phẳng và sạch mới có thể bám keo. Khi bề mặt lốp sạch, người thợ đắp lên đó dải cao su với bề mặt tạo rãnh từ trước. Trong video này, thợ đắp và cắt bằng tay. Nhưng thực tế hiện nay, các công ty tái tạo lốp sử dụng hệ thống máy tự động độ chính xác cao để dán lốp.
Những công đoạn cuối cùng sau khi dán là đưa lốp tới máy cân chỉnh để đảm bảo bề mặt mới không thừa, thiếu so với lốp ban đầu, đồng thời ép chặt để thử sức chịu đựng của lốp mới.
Nhiều người cho rằng đây là cách làm không đảm bảo an toàn và chất lượng, nhưng thực tế các nước phương Tây đều sử dụng. Châu Âu và Mỹ đều có những luật, yêu cầu lốp tái sử dụng phải đạt một chuẩn nhất định, thậm chí có những ký hiệu riêng để khuyến cáo người sử dụng.
Tác giả bài viết: Minh Hy
Nguồn tin: