Cuộc sống

Công dụng chữa bệnh của trái nho và các chế phẩm từ nho

Nho và rượu vang làm từ nho, đã là một phần của văn hóa lịch sử loài người từ rất lâu đời. Ngày nay, nho được dùng làm nguồn nguyên liệu chế biến nước ép nho, nho khô, rượu vang, và các chế phẩm dược.

Nho và rượu vang làm từ nho, đã là một phần của văn hóa lịch sử loài người từ rất lâu đời. Các nhà khảo cổ học trên thế giới gần đây phát hiện ra một vài lọ gốm bên trong di tích đồ đá mới có từ khoảng những năm 6000 TCN (Trước công nguyên). Các lọ đó có chứa dư lượng màu đỏ của rượu vang. Điều này cho thấy rượu vang có từ thời tiền sử nhiều khả năng được làm từ nho hoang dã. Ngày nay, nho được dùng làm nguồn nguyên liệu chế biến nước ép nho, nho khô, rượu vang, và các chế phẩm dược.

Trên các bức tường trong những ngôi mộ cổ của người Ai Cập là hình ảnh đầy màu sắc của khung cảnh thu hoạch nho và sản xuất rượu vang, những di tích này được xác định là đã có ít nhất từ những năm 2700 TCN. 700 năm sau, các thủy thủ đã vận chuyển cây nho qua Địa Trung Hải đến Hy Lạp. Từ đó nho được trồng và lan rộng khắp châu Âu và di thực đến nhiều nước khác trên thế giới. Nho là loại cây ưa sáng, ưa nắng, chịu được nhiệt độ cao nhưng không chịu được khí hậu ẩm mưa nhiều. Ở Việt Nam, nho được trồng ở nhiều nơi nhưng thích hợp nhất là ở vùng Ninh Thuận, làm nên thương hiệu nho Ninh Thuận nổi tiếng Việt Nam.

Nho (vitis vinifera) là một loại cây leo, sống lâu năm, thân có tua cuốn chia thành 2 – 3 nhánh tua, mọc đối diện với lá. Lá đơn, mọc so le, hình tim, phiến rộng xẻ từ 5 – 7, có răng cưa ở mép lá. Hoa nhỏ, mọc thành cụm, màu lục nhạt, có các loại hoa đực, hoa cái, hoa lưỡng tính. Quả mọng, hình trứng hoặc hình cầu, vỏ mỏng có khoảng 4 hạt hình lê bên trong. Nho ra hoa từ tháng 5 – 7.



Nho và rượu vang từ nho được dùng làm thực phẩm và thuốc chữa bệnh từ hàng ngàn năm nay. Những nhà triết học Hy Lạp cổ đại đã ghi lại những đặc tính, tác dụng chữa bệnh của chúng. Qua nhiều thời đại, hầu như tất cả các bộ phận của cây nho đã được sử dụng làm thuốc trong y học. Người dân châu Âu thường sử dụng một thuốc sáp từ nho để điều trị các bệnh về mắt và da. Lá nho dùng làm thuốc đắp lên vết thương giúp cầm máu và chống viêm. Trái nho chín tốt cho người mắc bệnh thận, gan, bệnh đường ruột và cả bệnh ung thư.

Trong nho có chứa nhiều vitamin nhóm B, vitamin C, caroten, riboflavin, tanin, các enzyme, các hợp chất nitơ tự nhiên (đặc biệt chứa nhiều trong hạt nho), các flavonoid, các hợp chất phenol. Trong nho còn chứa đường (chủ yếu là glucose và fructose), sáp, lipid (trong hạt) và pectin.

Nho tốt cho sức khỏe tim mạch, có chứa chất chống oxy hóa (các flavonoid) đặc biệt là resveratrol được tập trung ở vỏ, hạt, và thân cây nho. Nước ép nho tím và rượu vang đỏ giúp ngăn ngừa tổn thương nội mạc mạch máu, làm giảm cholesterol "xấu" (LDL-cho), ngăn ngừa hình thành cục máu đông và chống viêm hiệu quả. Các hợp chất flavonoid và vitamin nhóm B có trong nho tím nhiều tốt hơn nho màu sáng. Vì vậy, rượu vang đỏ tốt hơn so với rượu vang trắng.

Trong hạt nho chứa chất chống oxy hóa mạnh là proanthocyanidins. Hiện nay, trên thế giới người ta dùng chiết xuất hạt nho để làm cholesterol máu, hạ đường huyết, hạ huyết áp và điều trị các bệnh lý về tim mạch như bệnh động mạch vành, suy tĩnh mạch mãn tính. Ngoài ra, chiết xuất hạt nho còn giúp tăng cường miễn dịch, chống dị ứng và hen suyễn. Các hợp chất trong rượu vang đỏ cũng đã được chứng minh có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, ức chế sự phát triển của 1 số chủng vi khuẩn, virus.

Theo y học cổ truyền, nho có vị ngọt, chua, tính bình. Có tác dụng cường cân cốt, khư phong thấp, lợi tiểu tiện, đại bổ khí huyết.

Cách sử dụng nho và các chế phẩm từ nho

- Rượu vang nho: Phụ nữ mỗi ngày dùng 1 ly (100ml), nam giới mỗi ngày dùng 1 – 2 ly (100 – 200ml).

- Nước ép nho: 50g nho tươi, rửa sạch, để cả vỏ, ép lấy nước uống hàng ngày. Có thể pha loãng ra hoặc kết hợp với các loại trái cây khác (dưa hấu, táo, kiwi…) tùy khẩu vị của mỗi người. Có tác dụng thanh lọc cơ thể, trị viêm họng, suy nhược cơ thể…

- Món sinh tố nho: 200g nho tím, 100ml sữa tươi tách béo (hoặc sữa đậu nành), và 1 hộp sữa chua không đường, ½ cốc đá, tất cả cho vào máy xay sinh tố, xay đến khi mịn. Đổ hỗn hợp ra cốc, có thể trang trí bằng nho tươi. Đây là món ăn tốt cho sức khỏe và tim mạch!

- Chữa đau lưng mỏi gối, đái buốt, đái rắt: Lấy 20 – 40g lá, dây, rễ nho sắc uống.

- Chữa động thai hay nôn oẹ: Nho chín 40g, ăn tươi hoặc sắc uống.

- Nho khô: Có tác dụng nhuận tràng, nhuận phế, long đờm, mỗi ngày dùng từ 10 – 20g.

- Chiết xuất hạt nho: Dùng để chống lão hóa, bảo vệ tim mạch, chống rối loạn chuyển hóa lipid, phòng ngừa xơ vữa mạch máu, bôi đắp vết thương hở ngoài da.

Lưu ý: Rượu vang nho tuy có lợi cho sức khỏe nhưng chỉ nên dùng vừa đủ, không nên lạm dụng uống quá nhiều. Phụ nữ có thai không nên sử dụng rượu vang đỏ. Bệnh nhân đái tháo đường không nên ăn quá 50g/ngày trái nho chín, và không ăn nhiều cùng 1 lúc.

Tác giả bài viết: Tiến sĩ - Lương y Phùng Tuấn Giang

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP