Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, năm 2016, trên cơ sở tổng hợp kết quả và điểm điều tra xã hội học, Bộ đã tổng hợp phân tích, xây dựng báo cáo và thông qua Hội đồng thẩm định. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã Quyết định phê duyệt và công bố Chỉ số CCHC năm 2016 của các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, điểm số trung bình chỉ số CCHC của 19 bộ ngành đạt được là 80,94%, trong đó Ngân hàng Nhà nước xếp thứ nhất với 92,68 điểm, tiếp đến là Bộ Tài chính, Bộ KH&CN và xếp cuối cùng là Bộ LĐ-TB&XH với 71,91 điểm.
Về Chỉ số CCHC năm 2016 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điểm số trung bình 74,64 điểm, thì Đà Nẵng đứng đầu với 90,32% và thấp nhất là tỉnh Hậu Giang với 62,55%. Theo đánh giá của Thứ trưởng Thừa, năm 2016, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc triển khai công tác tự đánh giá, chấm điểm, kịp thời gửi kết quả về Bộ. Công tác điều tra xã hội học để lấy ý kiến đánh giá của các nhóm đối tượng khác nhau về kết quả CCHC của các bộ, ngành, địa phương phục vụ cho tính toán Chỉ số CCHC được tổ chức chặt chẽ, hệ thống.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa liên thông tại TTHC TP Đà Nẵng ngày càng phục vụ người dân, tổ chức tốt hơn. Ảnh: Xuân Đương |
Cũng theo Thứ trưởng Thừa, mục tiêu chấm điểm CCHC hàng năm là đánh giá kết quả triển khai CCHC bằng định lượng, trên cơ sở đó so sánh, xếp hạng kết quả thực hiện hàng năm giữa các bộ ngành và giữa các tỉnh, thành. Đây là năm thứ 4 Bộ Nội vụ triển khai xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành. Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu khối tỉnh thành cả 4 năm liên tiếp.
Tại Hội nghị Bộ Nội vụ cho biết, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành 69 nghị định để điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội, góp phần từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Đáng chú ý, 5 tháng đầu năm cả nước đã tinh giản được 5.062 biên chế, nâng tổng số đối thượng được giải quyết tinh giản biên chế từ năm 2015 đến nay là 22.673 người, trong đó các cơ quan Đảng, đoàn thể 944 người; cơ quan hành chính là 2.824 người; các đơn vị sự nghiệp công lập 14.791 người; cán bộ, công chức cấp xã 4.086 người và doanh nghiệp Nhà nước 122 người.
Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương đã tích cực đẩy mạnh rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến thuế, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, giải quyết tranh chấp hợp đồng, phá sản doanh nghiệp, cấp thoát nước, điện, thông quan hàng hóa; việc triển khai thí điểm mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện tại một số địa phương có nhiều chuyển biến tích cực trong việc giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức;...
Đa số các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều cho rằng chất lượng văn bản quy phạm pháp luật từ trung ương đến địa phương còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; tình trạng nợ đọng văn bản chưa giải quyết vẫn nhiều; nhiều TTHC còn bất cập, hạn chế chưa được khắc phục...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ thời gian, quy trình và chất lượng giải quyết các công việc tại các cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, khắc phục tình trạng chậm trễ trong giải quyết công việc chung, Đà Nẵng đã ban hành Đề án kiểm soát thủ tục hành chính theo mô hình một cửa và đang triển khai thí điểm tại 4 sở, ngành.
Bên cạnh đó, ban hành Đề án tích hợp dữ liệu từ máy xếp hàng tự động tại các cơ quan, đơn vị có số lượng lớn tổ chức, cá nhân liên hệ giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công để cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu, tránh lãng phí thời gian, mệt mỏi phải chờ đợi của người dân và tổ chức; quy định thực hiện một cửa liên thông trong đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký mã số thuế và cấp phép sản xuất kinh doanh có điều kiện tại UBND quận, huyện; xây dựng mô hình một cửa hiện đại tại 56/56 (100%) phường, xã điện tử trên địa bàn...
Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cũng cho rằng, một số ứng dụng được các bộ ngành triển khai như: Đăng ký doanh nghiệp, Quản lý đất đai ViLIS, Cấp giấy phép lái xe, Lý lịch tư pháp, Đăng ký khai sinh... nhưng không liên thông, chia sẻ dữ liệu, không tương thích với các ứng dụng đang triển khai trên địa bàn thành phố trong nhiều năm qua, dẫn đến nguy cơ phá vỡ kiến trúc ứng dụng CNTT trong công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.
Ngoài ra, Đà Nẵng đã có Trung tâm Hành chính tập trung, có tổ chức Bộ phận và trả kết quả tập trung chung cho tất cả các sở, ban, ngành nhưng Chính phủ chưa có quy định về mô hình tổ chức, quản lý chung nên cũng gặp một số lúng túng trong thực tế triển khai. Do đó, cần quan tâm có hướng dẫn thống nhất để các địa phương thuận lợi trong triển khai thực hiện...
Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng. |
Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả CCHC tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tổ chức khi thực hiện các giao dịch liên quan, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ, ngành địa phương cần tích cực đề cao trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương; phân cấp mạnh cho các địa phương như phân cấp về tài chính theo Luật ngân sách, phân cấp quản lý nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; Đẩy mạnh tinh giản biên chế, tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức phải có phẩm chất đạo đức, có chuyên môn cao; xử lý nghiêm những cá nhân đơn vị cố ý làm trái quy định của pháp luật; xây dựng Chính phủ điện tử gắn kết chặt chẽ với CCTTHC, loại bỏ các thủ tục gây phiền hà không cần thiết; Bộ Nội vụ sớm trình Chính phủ phê duyệt cơ chế hành chính một cửa liên thông, triển khai đồng bộ cơ chế này tại các bộ, ngành, địa phương; ứng dụng CNTT vào dịch vụ công; đặc biệt, tập trung rà soát những điểm mạnh, điểm yếu trong chỉ số CCHC nhằm khắc phục các chỉ số thấp điểm...
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa liên thông tại TTHC ngày càng phục vụ người dân, tổ chức tốt hơn.
Tác giả: Xuân Đương
Nguồn tin: Báo TTXVN