Con trai anh hiện mới du học tại Anh chưa đầy năm và theo lịch trình thì còn 2 năm nữa cháu mới kết thúc. Nhưng sự việc Anh quyết định rời khỏi EU, dù chưa biết thời gian tới có những tác động như thế nào nhưng hiện tại đang khiến tâm lý vợ chồng anh khá xáo trộn.
“Gia đình tôi không giàu có nhưng cũng cố gắng cho con đi học ở Anh theo diện học bổng 50%. Chi phí hàng tháng tại đất nước này khá đắt đỏ nên gia đình tôi vẫn phải chi thêm cho con số tiền khá lớn. Tôi đọc báo thấy nói rằng bất ổn về mối quan hệ tương lai của Anh với EU có thể đẩy nước này vào suy thoái nên không biết có tác động gì tới chi phí sinh hoạt, ăn ở và học tập của con trai tôi hay không?”, anh Hoàng lo lắng nói.
Cùng nỗi lo với gia đình anh Hoàng, chị Liên (Khu Đô thị Royal City, Hà Nội) chia sẻ, con gái lớn của chị hiện đang du học tại Đại học Sunderland (Anh) được 2 năm và phải 2 năm nữa cháu mới học xong. Tuy nhiên, sự kiện Anh rời khỏi EU khiến gia đình chị mấy ngày qua khá bối rối.
“Mấy ngày bố mẹ hai bên, họ hàng…liên tục gọi điện hỏi thăm xem tình hình học hành của cháu Nga – con gái tôi - thế nào? Hiện cháu đang về nghỉ hè nhưng cả nhà liên tục xem thời sự và đọc báo để cập nhật tình hình. Tôi lo lắng nhất là vấn đề an ninh và tài chính. Tôi cũng có theo dõi thấy giá bảng Anh đang xuống nhưng không biết tương lai thế nào? Bảng Anh mất giá thì có thể giá thuê nhà và chi phí sinh hoạt hay học phí cũng sẽ tăng?”, chị Liên cho hay.
Nhiều người dự đoán việc Anh rời EU, sẽ khiến đồng bảng Anh giảm giá. Hiện, tỷ giá đồng bảng Anh tại Việt Nam những ngày qua liên tục “lao dốc”. Như vậy, các gia đình có con du học tai Anh cũng có thể tiết kiệm được một phần chi phí.
Dù vậy, chị Phương Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) đang có con trai du học ngành Công nghệ thông tin tại Bắc Ireland cũng chia sẻ: “Thực tế cuộc sống có dễ thở hơn không thì phải kiểm chứng mới biết. Trước khi ra khỏi EU, giá cả sinh hoạt ở Anh đã đắt đỏ. Tới đây, tuy đồng bảng Anh mất giá nhưng nếu giá các mặt hàng, thuê nhà sẽ tăng cao… thì cũng không có nhiều ý nghĩa”.
Chị Phương Anh cho hay, hiện con trai chị đang vừa đi học, vừa làm thêm cho một hàng ăn để kiếm thêm tiền chi tiêu. Dù con trai chị được học bổng 50% nhưng hàng tháng chị vẫn phải chu cấp thêm cho con khoảng 1.000 bảng Anh (tương đương 1.300 USD).
“Nghe nói nước Anh có thể sẽ có xáo trộn về kinh tế khiến các doanh nghiệp làm ăn khó khăn hơn. Vì thế không biết tiệm ăn nơi con trai tôi đang làm thêm sẽ thế nào? Nếu con trai tôi mà không đi làm thêm nữa là chúng tôi sẽ khó khăn hơn về kinh tế”, chị Phương Anh nói trong âu lo.
Chia sẻ với phóng viên Tổ Quốc, anh Thành – chồng chị Phương- cho biết, anh rất lo trước thông tin lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland cho biết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý rời khỏi Anh nếu Anh rời khỏi EU.
“Tôi thấy rất lo lắng về tương lai của con trai tôi. Ngày nào tôi cũng đọc báo để cập nhật tình hình. Lo lắng về cả những khó khăn về visa. Ngoài ra, việc Anh từ bỏ tấm thẻ thành viên EU có thể sẽ châm ngòi cho nhiều nước khác làm theo. Và xu hướng này sẽ khiến châu Âu dần tan rã, đẩy châu lục này và cả thế giới vào bất ổn không chỉ về kinh tế, chính trị mà cả an ninh. Trong khi con trai tôi dự định học xong sẽ cố gắng ở lại EU làm việc. Nếu bất ổn thế này sẽ ảnh hưởng đến dự định tương lai của cháu!”, anh Thành chia sẻ.
Trên thực tế, trước khi Anh công bố quyết định chính thức rời Liên minh châu Âu (EU), nhiều tổ chức giáo dục đã bày tỏ sự e ngại về hệ quả mà nền giáo dục nước này phải gánh chịu.
Theo Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland (SVUK), có hơn 11.000 du học sinh Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Anh.
Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng việc Anh rời khỏi EU sẽ tác động tiêu cực đến quyết định cho con du học tại Anh. Tuy nhiên, theo các cập nhật ở thời điểm hiện tại, mức học phí của các trường ĐH Anh áp dụng đối với sinh viên ngoài EU sẽ không có gì thay đổi.
Để hạn chế những lo lắng cho các phụ huynh vào thời điểm này, bà Đào Thị Liên Hương, Giám đốc Công ty Tư vấn Du học Quốc Anh IEC cho biết: Anh ra khỏi EU có thể sẽ không tác động nhiều đến việc du học sinh du học tại Anh bởi từ trước đến nay, quốc gia này vẫn có chính sách “độc lập về visa”.
Vì thế, tới đây, khi Anh ra khỏi EU, cùng với chính sách thắt chặt về visa cho sinh viên người nước ngoài trước đó, sẽ hạn chế số người EU vào Anh. Như vậy, nhìn về một góc độ nào đó việc này lại mở ra cơ hội cho du học sinh Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.
Hiện nay, xu hướng bạn trẻ du học tại Anh vẫn chiếm tỷ lệ cao so với các thị trường du học khác. Tuy nhiên, tất cả còn phải đợi nước Anh tới đây ban hành các chính sách du học mới mới có thể đánh giá tiếp./.
Tác giả bài viết: Quỳnh Anh