Chắc hẳn là bạn cũng đã chọn cho mình một hướng đi riêng sau khi kết thúc các đợt tuyển sinh ĐH, CĐ, việc gọi là "đỗ đại học" không quan trọng bằng việc bạn học ngành gì và ở đâu? Điều đáng nói là không phải ai cũng chọn cho mình được một ngôi trường và ngành học ưng ý.
Nhiều bạn chọn cách ôn thi lại tại nhà, và rất nhiều bạn chọn phương án… vừa học vừa ôn. Điều này hoàn toàn hợp lệ nhưng để làm được điều đó thực chẳng dễ một chút nào. Dám chắc rằng nhiều bạn đang có tư tưởng như thế, vậy điều đó có nên hay không? Và làm cách nào để đạt được thành công như mong muốn?
Đỗ đại học hay… "rớt" cả hai
Chắc chắn rằng rất nhiều bạn đang có suy nghĩ về việc vừa học vừa ôn, và xem đó như là một "giải pháp tình thế" cho chuyện bạn không đỗ vào trường mà mình mong muốn. Nhiều bạn có tư tưởng thi lại giống như "thử vận may", cứ học tạm trường này rồi sang năm thi, được thì tốt mà không thì cũng chẳng sao cả. Đấy là nguyên nhân bạn thất bại, vì bạn rất khó có thể vừa học tốt chương trình ĐH, vừa ôn thi kì thi THPT Quốc Gia với cả "núi" kiến thức như vậy. Hai chương trình học đều là hai chương trình nặng, cộng thêm làm quen cuộc sống mới, phải vừa học cái mới vừa ôn cái cũ…
và ôn để thi vào trường "top" cao hơn thì chẳng khác nào bạn tự làm khó mình. Không ưng ý với ngành học hiện tại, tư tưởng cho một ngành học ở trường mình yêu thích… và mọi rắc rối bắt đầu từ đây. Tâm lý thi lại khiến bạn không muốn học đại học nhưng vẫn buộc phải theo nó để hoàn thành chương trình… thế là "ương ương dở dở" cả hai. Phải nghị lực lắm thì bạn mới có thể thành công…bằng không sẽ trả giá đắt bằng việc "rớt" cả hai chương trình.
Phải biến suy nghĩ thành hành động
Nhiều bạn có tư tưởng như thế, nhưng lại đang "không làm như thế". Có ý định thi lại nhưng vẫn chưa có kế hoạch ôn tập, tất cả chỉ mới là suy nghĩ và một câu nói suông. Nếu bạn có ý định thi lại, thì chắc chắn ngay bây giờ phải có cho mình một lịch trình học rõ ràng. Dành bao nhiêu thời gian cho chương trình đại học và bao nhiêu cho việc ôn thi.
Lúc này xem như bạn phải hoạt động gấp đôi, đảm nhiệm cả vai trò học sinh lẫn sinh viên. Không hề dễ nhưng nếu quyết tâm thì mọi thứ vẫn có thể, bạn sẽ đỗ đại học nếu như bây giờ bạn bắt tay vào vừa học vừa ôn một cách nghiêm túc. Đừng nghĩ rằng mình đã từng ôn thi rồi, giờ chỉ cần ôn qua một tí là được… hãy nhớ rằng bạn đã từng thất bại với chừng ấy kiến thức – đó là động lực.
Vậy làm sao để vẫn đảm bảo chương trình đại học
Tất cả chương trình học đều đã được nghiên cứu một cách thận trọng, chương trình đào tạo như thế nào ? cần bao nhiêu thời gian cho mỗi người? Vậy nên việc học song song cả hai như vậy là rất nặng. Chắc chắn là bạn sẽ bị thiếu hụt cho chương trình đại học, chỉ có cách duy nhất là lấy vận tốc để bù cho thời gian. Giả dụ việc học như một con đường, nếu bạn phải phân bổ thời gian làm đôi cho 2 chương trình, thì cách duy nhất bạn phải tăng vận tốc để bù lại.
Vậy "tăng tốc" bằng cách nào? Hãy cố gắng nắm bài ngay giảng đường, tương tác với giảng viên càng nhiều càng tốt để hiểu bài sâu hơn. Bạn sẽ tiết kiệm được thời gian thay vì phải về nhà nghiên cứu thêm. Tiếp đến phải "chắt chiu" từng điểm số một, tuy chúng ta vẫn thường nói không đặt nặng vấn đề điểm số, nhưng đó lại phản ánh năng lực của chính bạn. Hãy tận dụng điểm số để "bù trừ" kéo điểm tổng kết của bạn lên. Cuối cùng là có một kế hoạch hợp lí, mỗi ngày có 24 giờ - đó là quy luật, ai cũng có quỹ thời gian như nhau. Nhưng bây giờ bạn đang ôn thi, nên hạn chế những cuộc tụ tập, giải trí lành mạnh và chơi thể thao lúc rãnh rỗi để đảm bảo sức khỏe.
Hãy bảo lưu nếu bạn… muốn thi lại
Tôi không tán thành việc vừa học vừa ôn thi, vì điều đó quá khó và chẳng hợp khoa học một tí nào. Bạn cần 8 tiếng để ngủ, 2 tiếng vận động thể thao, thời gian học ở giảng đường và thời gian nghiên cứu tài liệu ở nhà… tất cả đã được tính toán kĩ lưỡng. Quá khó để có thể vừa làm học sinh lẫn cả sinh viên, tất nhiên cái giá phải trả đó là điểm thấp và "hổng" kiến thức nền của đại học.
Nếu bạn muốn thi lại, hãy học hết 1 kì đại học rồi bảo lưu. Điều đó được các trường áp dụng và hoàn toàn hợp lệ, bạn có quyền tạm ngưng đại học để tập trung ôn thi. Như vậy sẽ đảm bảo tốt cho cả 2 chương trình, có thể bạn sẽ phải mất 1 năm… nhưng còn hơn là chẳng được gì.
Tác giả bài viết: Nguyễn Huy
Nguồn tin: