Giáo dục

Có nên tách riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học?

Đa số ý kiến cho rằng, Bộ nên tách riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng chứ không nên gộp vào như hiện nay.

Bộ GD-ĐT đang xin ý kiến các Sở GD-ĐT, trường đại học, cao đẳng, học viện trên cả nước về phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy cho năm 2017 và những năm tiếp theo.

Theo lãnh đạo các Sở GD-ĐT, trường đại học, cao đẳng, học viện và nhiều chuyên gia, nỗ lực đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng trong 2 năm qua của Bộ đã có những thành công nhất định, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Đó là việc tổ chức một kỳ thi duy nhất khó có thể đạt được hai mục đích là vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng vì yêu cầu của xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng là khác nhau.

Trên thực tế, chỉ có khoảng 60 đến 70 trường đại học có tính cạnh tranh cao trong tổng số gần 450 trường đại học, cao đẳng, vậy có cần thiết tổ chức thi chung để phục vụ tuyển sinh cho tất cả các trường hay không? Nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề có nên tiếp tục tổ chức thi theo kiểu truyền thống như hiện nay hay chuyển sang phương thức thi hiện đại hơn theo hướng tiếp cận đánh giá năng lực của thí sinh với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.

thi sinh 5 VOV CBKL
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016

Qua thống kê các phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng mà các Sở GD-ĐT, trường đại học, cao đẳng, học viện và chuyên gia đề xuất, thì Bộ GD-ĐT không nên ghép thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng thành một kỳ thi như hiện nay.

Ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, kiểm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, mỗi kỳ thi có một mục đích khác nhau, nên cách kiểm tra, đánh giá cũng phải khác nhau.

“Theo tôi nghĩ là không nên áp đặt thi của phổ thông vào với đại học mà phải độc lập. Học xong phổ thông thì học sinh thi nhưng có tính chất là kiểm tra toàn bộ quá trình 12 năm các em học thế nào.

Trường đại học là nơi đào tạo các chuyên gia thì phải được quyền tự chủ trong việc tuyển chọn người mà họ sẽ đào tạo. Trường có muốn tổ chức thi hay không thi, thi theo kiểu nào thì theo yêu cầu đào tạo của họ, mình phải tôn trọng ý kiến của họ. Việc tuyển vào trường đại học phải do các trường đại học chịu trách nhiệm. Tuyển cho đúng, đào tạo cho đúng, thì mới tạo ra được các trường đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm”- ông Phạm Tất Dong nói.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Sở GD-ĐT là đơn vị quản lý, đào tạo, đánh giá học sinh trong 12 năm phổ thông, nên phải có trách nhiệm tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT cho học sinh. Bộ nên tin tưởng giao cho các địa phương tổ chức kỳ thi này như những năm trước. Bởi lẽ, trong mấy năm qua, dù tổ chức thi tốt nghiệp THPT hay thi THPT quốc gia thì tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp ở các địa phương đều trên 90%.

Ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa nêu ý kiến: “Kỳ thi THPT Quốc gia nên giao cho địa phương tự tổ chức, Bộ GD-ĐT chỉ giữ đề chung để giữ mặt bằng chung toàn quốc. Còn việc coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp thì giao cho tỉnh, cái đó hiệu quả hơn, đỡ tốn kém hơn. Ngày xưa, các tỉnh đi coi chéo, rồi Bộ cử người từ tỉnh này sang tỉnh kia kiểm tra, Bộ cử trường đại học về cùng tổ chức thi, thì bây giờ mình giao cho tỉnh tự tổ chức thi, tự coi thi, tự chấm thi, tự kiểm tra, nó gọn hơn. Hình thức mới nói là giống nhau nhưng gọn hơn nhiều”.

Về tuyển sinh đại học, cao đẳng, hầu hết các ý kiến cho rằng, nên để các trường đại học được tự chủ trong tổ chức thi và tuyển sinh. Khi được tự tổ chức thi, các trường sẽ lựa chọn được những thí sinh đúng theo yêu cầu đào tạo. Bộ GD-ĐT giữ vai trò là nơi cung cấp đề thi cho các trường để tránh tình trạng các trường tự ra đề, sau đó xảy ra tình trạng luyện thi tràn lan như trước đây.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết: “Thi đại học giao cho các trường tự chủ thì tốt hơn. Cách thức như thế nào giao cho các trường đại học thì sẽ thuận hơn kiểu làm như hiện nay. Bởi vì thi chung, các cụm thi về các tỉnh lại chia thành 2 cụm thi ở mỗi một tỉnh thì cuối cùng không giải quyết được cái gì cả. Nó mất đi mất nguyên lý ban đầu là thi cụm các trường đại học để thi đại học, đưa các cụm thi để tốt nghiệp về địa phương để đỡ tốn kém cho các em nhưng bây giờ tất cả về địa phương rồi thì mục tiêu đó không còn ý nghĩa nữa”.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Bộ đã thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá, xây dựng phương án tối ưu sớm nhất về phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy cho năm 2017 và những năm tiếp theo. Phương án thi và tuyển sinh hoàn thiện sẽ được Bộ công bố vào đầu năm học tới./.

Tác giả bài viết: Minh Hường

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP