Kinh tế

Cô nàng đồ hiệu, xe sang nhưng... cháy túi cố nhịn ăn trưa

Quần là áo lượt, xe đẹp, điện thoại sang nhưng những người này vẫn không đủ tiền chỉ để mua một bữa trưa đơn giản...

Đó là một hộp đêm ngầm ở phía tây khu ngoại ô Santacruz, tôi được xem một cô gái từng là thí sinh cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia đang oằn mình biểu diễn. Theo lời của người dẫn tôi tới đây, có vẻ như cô phải miệt mài làm việc tại đây, chờ đợi đến một ngày mình sẽ bùng nổ trên mặt trận Bollywood. Để có được vai diễn, cô buộc phải được xuất hiện thật nhiều trên các thảm đỏ, sân khấu, các bữa tiệc. Mà để có mặt ở đó, cô phải có tiền để sắm giày, sắm váy.

Thế mà sự nghiệp diễn xuất cứ loay hoay, rồi lại loay hoay mãi. Tự nhiên cô thấy cái sàn nhảy phía ngoại ô kia mới thật là nơi sinh tiền. Từ lúc nào không hay, nhảy trong quán bar đã thành cái nghề thật sự của cô rồi.

Tôi cũng biết, có một cô nhân viên marketing trẻ tuổi mới dành cả tháng lương đầu tiên của mình để tậu chiếc xe hơi sáng bóng. Giờ cô ngủ luôn trong chiếc xe ấy mỗi ngày. Cũng may, Mumbai vẫn còn khá là an toàn, ít nhất là với một cô gái trẻ ngủ trong xe hơi như cô.


Ấy rồi là cả cô bạn nhà báo của tôi nữa. Trong một khoảng thời gian, cô ít đến văn phòng hơn. Trông cô gầy ngày càng gầy. Miệng cô thì cứ khăng khăng nói rằng đó là do cô chạy bộ mỗi tối, nhưng khi tôi thấy đến giờ ăn trưa thì cô mặc định là biến mất, hoặc cả ngày chỉ uống một cốc cà phê thì tôi biết rồi. (Làm sao mà trượt được, tôi cũng từng thế mà)

Tôi nhắn tin cho cô bạn đó, đây là cách duy nhất để tỏ ra tinh tế, kín đáo về những chuyện từa tựa thế này.

"Này, cậu không đủ tiền ăn đúng không?"

Quả đúng là thế.

Cô bạn tôi bắt đầu giải thích về những gì đang diễn ra trong đời cô. Ngày ngày cô đợi cho đến chiều rồi tới tiệm bánh mua sandwich giảm giá. Cứ sau 6 giờ tối, mọi sản phẩm dùng trong ngày đều rẻ thối ra.

Thực ra, căng-tin văn phòng đều có những suất ăn mà cô bạn tôi thừa sức chi trả, nhưng vấn đề ăn uống không được ưu tiên bằng việc giữ phong độ bề ngoài lộng lẫy mỗi ngày. Và khi cô có nhu cầu ăn, cô đến tiệm bánh nọ, vào thời gian mà mọi thứ đều được giảm giá kiểu tống khứ.

Người ta gọi những người như cô bạn tôi, như cô nhân viên marketing ấy, rồi cô hoa hậu kia, là "những kẻ nghèo nàn phồn hoa". Một bộ phận lớn người trẻ Ấn Độ đang rơi vào hoàn cảnh như thế. Họ không hẳn là nghèo, nhưng luôn trong tình trạng túng thiếu và đói khát. Đó là một bộ phận người trẻ nơi đô thị có thái độ chủ quan hóa với những áp lực cuộc sống xung quanh, tiêu gần hết lương của mình để chạy theo phong cách sống, các xu hướng, rồi những bộ quần áo đắt tiền mà theo họ là vô cùng cần thiết để có thể kiếm được tiền.


Mà những khoản chi tiêu ấy thường đều không thể khoan khoán, hay nhắm mắt bỏ qua được. Trăm đủ thứ tiền: tiền quần áo, tiền đầu tóc, tiền mua cả lố Starbucks mỗi ngày vì đấy là nơi mà bạn gặp gỡ đối tác, tiền Uber vì bạn thường xuyên phải đi làm đến đêm khuya hay tờ mờ sáng mới về. Rồi tiền chăm chút răng miệng trắng tinh tươm, hay mỹ phẩm để có làn da đẹp đẽ trong mắt người đối diện.

Kết quả, số dư tài khoản của bạn chạm tới con số 0 tròn trĩnh khi lịch mới điểm đến ngày 22 hàng tháng. Phải công nhận một điều ở đây là những gì bạn học trong môn toán chẳng có ý nghĩa áp dụng thực tiễn chút nào đâu, nhưng ai thì cũng ôm một hy vọng là một biến số y nào đó từ đâu chui ra và lấp vào số dư tài khoản của mình. Biến số y ở đâu có thể là tiền lời tiết kiệm, tiền thưởng, hay bố mẹ tự dung vui vui dúi cho con cái ít tiền ăn quà sáng.

Tại sao họ lại thế? Lý do thì thực chất chẳng khó để nhìn ra đâu.


Những câu chuyện kinh doanh thành công mà họ tìm đọc hầu hết là về những nhà đầu tư chuyên nghiệp tự tạo ra gia tài của riêng mình. Họ nghe chuyện về Mukesh Ambani, người thừa kế cả một đế chế rồi đi xây nhà đắt tiền để tận hưởng, thay vì nghe câu chuyện của Dhirubhai, người sống trong căn nhà nhỏ ơi là nhỏ tự mình xây dựng đế chế cho riêng mình. Họ thích đọc câu chuyện Katrina Kaif chi cả núi tiền để nhuộm được màu tóc ưng ý chính xác mà thôi.

Họ quan niệm rằng bài học kiếm tiền ở đây là nếu muốn kiếm được tiền, bạn phải chi thật nhiều tiền trước đã.

Ví dụ như để vào được trường đại học danh tiếng, đầu tiên phải chi trả thật nhiều tiền học thêm. Để có được vị trí công việc, phải tốn cả đống tiền vào bằng cấp. Để được thăng chức, phải có suit đẹp, trang phục hào nhoáng và biết chi tiền ngồi cà kê.

Chúng ta chải chuốt, chưng diện cho công việc mà chúng ta ao ước, trong khi quên đi mất là phần lớn tiền lương của mình đều dung để mua đống quần áo để đi làm.


Báo chí, truyền thông thì vẫn phủ đầy màu hường phấn, trưng đủ đèn nê-ông sáng choang, phơi bày một mặt lộng lẫy của cuộc sống giới trẻ: cách mà bạn ăn uống, bề ngoài của bạn, và cách ăn mặc để đạt được thành công. Bạn được dạy mình nên mua nước hoa như thế nào, nên đi xe nào, nên ăn uống ở đâu, chứ không dạy bạn làm thế nào để kiếm được tiền.

Thế là giờ đây có một thế hệ tuổi đôi mươi, chạy đôn chạy đáo, bỏ lại sau lưng những bữa cơm mẹ nấu thơm phức ở nhà để ăn gà rán, uống nước có ga. Mục đích đơn giản, để có tiền ngồi nhấp từng ngụm champagne, tay thó hai ba lát pho-mát đắt tiền, tấm tặc khen view và nói chuyện cứu thế giới.

Khi tôi bắt đầu tự lập vào 15 năm trước, lương tháng của tôi vào cỡ độ 10.000 Rupee (tương đương hơn 3 triệu VND). Tiền thuê nhà là 4.000 Rupee (hơn 1.3 triệu), bằng với tiền trông trẻ. Còn lại 2.000 Rupee (hơn 650 nghìn VND) tôi chi cho tiền điện thoại với các hóa đơn khác. Tiền mua sắm, đi chợ mỗi ngày tôi dung thẻ tín dụng để trả. Ngày ấy tôi 25 tuổi, con trai tôi 1 tuổi và đôi lúc bạn cần một que kem, hay một vé xem phim để có thể tiếp tục mỉm cười với đời. Thẻ tín dụng giúp tôi lo những khoản ấy.

Đến lúc tôi chuyển sang công việc lương cao hơn, tôi có được "gia tài" là một thẻ tín dụng quá hạn mức chi tiêu. Hóa ra, bao nhiêu tiền kiếm được, tôi tiêu cho bằng sạch trước đó rồi.

Vậy là tôi học được một bài học, rằng cứ mỗi bậc lương mà bản thân leo được lên, cái giá để đạt được bậc lương ấy lại càng tang lên. Ở công việc đầu tiên, tôi rất ổn với 3 cái áo và 1 chiếc quần jeans mặc luân phiên, nhưng càng lên chức thì lại càng phải mua lắm quần áo. Rồi tôi lại phải "học cách lớn": ăn trưa ở đây, đi uống ở kia, rồi lại họp hành ở một quán cà phê đắt tiền cao sang khác.

Bây giờ, khi ngồi ở bất cứ đâu, tôi cũng có thể dễ dàng nhận ra những nạn nhân của thế hệ nghèo phồn hoa này. Tôi thấy một người ăn chay không động đũa đến bất món khai vị nào, một người kiêng bia rượu chỉ uống nước suối, một cô bé đang dày công giải thích rằng cô đã ăn trước ở nhà và không muốn gọi món thêm nữa. Cuối cùng, khi hóa đơn được mang ra, đề nghị chia đều tiền cũng được dấy lên, và những khuôn mặt kia xị xuống thảm thương.

Nhưng họ cũng không có dung khí để từ chối chia tiền, mặc cho một điều rõ ràng là họ chẳng ăn gì hết. Họ nói không, bởi họ sợ hình ảnh của mình sẽ trở nên rẻ rúng trong mắt mọi người. Thế nên, đôi khi bạn ngồi bàn tiệc, chẳng ăn gì, chẳng uống gì, nhưng lại phải trả tiền để mua sự kính nể.

Rồi tới khi tàn tiệc, có những người trẻ ăn mặc lộng lẫy, kéo túi quần đếm từng đồng xu, lẩm nhẩm thở phào rằng họ đủ tiền cho một chuyến xe buýt về nhà.

Tua tới thời điểm hiện tại. Giờ đây tôi đã có đủ lý do để khuyên nhủ các em đồng nghiệp trẻ biết cách thương bản thân hơn. Đôi khi tôi hỏi các em: Em ăn chưa? Chị mua cà phê cho em nhé? Em đi bộ về nhà à, có cần chị cho đi nhờ không? Thường thì các em đều vẫn tỏ ra mạnh mẽ rồi bỏ qua lời đề nghị, nhưng đôi lúc, tôi thấy vài ánh mắt ngấn lệ, chiếc đầu gật xuống e ngại.


Bố mẹ của các em, ai cũng sẽ mang quan niệm rằng, chẳng có khoản tiền nào gọi là "quá lớn" để mua niềm hạnh phúc hay sự thuận tiện trong công việc cả. Trong những cuộc nói chuyện điện thoại, khi bố mẹ hỏi các em có cần thêm tiền không, đa số đều nói rằng các em ổn, mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát. À quên, ăn uống cũng đầy đủ, làm việc thoải mái lắm. Được nuôi nấng bởi những phụ huynh sẵn sang hy sinh mọi thứ để đem lại sự thoải mái cho các em nhưng cả một thế hệ trẻ biết điều này lại tự học được cách thích nghi với những gì không thoải mái trong yên lặng.

Những người vượt qua được sự khó khăn này thường được ca tụng bằng mỹ từ "mạnh mẽ". Mạnh mẽ này là một kẻ đói khát im lặng và u buồn khi bên cạnh không có ai.

Gần đây tôi có đi phỏng vấn. Một người trong buổi phỏng vấn ấy bất ngờ dừng tôi lại trong khi tôi vẫn đang hỏi nhiều câu hỏi.

"Này cô, đến tài xế của tôi còn dung điện thoại xịn hơn cô đấy. Đi mua iPhone đi làm ơn", cô ta cười.

Thời gian trôi qua nhanh thật. Bây giờ tôi ăn mặc đẹp hơn, có nhà riêng, có tài khoản ngân hàng lúc nào cũng đầy đủ số dư, nhưng sự sỉ nhục này thì kể cả tua lại cả thập kỷ cũng chưa bao giờ xuất hiện.

Tôi thấy có những sự đối lập trong cuộc sống này.

Một người từng thú nhận với tôi, rằng trong 3 năm trời ròng rã ở Đức, anh ta chỉ ăn độc một món cà chua, tích kiệm tiền để đến khi về nhà anh ta có thể mua chocolate cho gia đình. Một người khác nói trên điện thoại rằng anh vẫn ổn để trấn an người mẹ đã bán hết nữ trang để anh ta được ra nước ngoài.

Một anh nhân viên marketing thà nhịn đói cả ngày để mua cà phê ở một khách sạn 5 sao.

Một người cha từ chối đi du lịch trong 13 năm trời, chi chắt để cho con mình được đi du học. Một người lăn lộn trên mặt nước, xin đi nhờ xe tải mỗi ngày để có tiền học đại học.

Một vài người thì bị gọi là khốn khổ khi từ chối một bữa ăn nhà hàng.

Ở các quốc gia, nơi "nạn đói" xảy ra liên miên cũng do ảnh hưởng từ lựa chọn phong cách sống. Hình như chúng ta đang dần tạo nên một văn hóa sống, rằng chúng ta thà tiêu thật nhiều tiền để xuất hiện với bề ngoài no đủ còn hơn bỏ ra một ít tiền để mua đồ ăn thức uống.

Sự đói khát đã tác động đến con người theo nhiều cách khác nhau. Thoang thoáng qua cũng có, mà liên tục cũng có, lâu lâu một lần cũng có, mà ngày nào cũng đói thì cũng có. Tuy nhiên, một khi bạn đã cảm thấy nó, bạn sẽ hiểu tại sao lại có người bắt đầu mang đồ ăn tới văn phòng buổi trưa, có những người tụt cân nhanh chóng, có những người ở lại công ty qua đêm để đỡ phải chi tiền ăn chơi. Nếu bạn đã biết đến cảm giác đói khát cho những thứ phù phiếm ấy, bạn sẽ nhận thấy xung quanh này toàn những kẻ như bạn.

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP