Du lịch

Cô gái Việt thử bơi giữa biển lạnh âm độ ở Nam Cực

Nhảy xuống biển Nam Cực lạnh -2 độ là thử thách cuối cùng trong chuyến khám phá Nam Cực của Vân và các thành viên khi tham gia hành trình của tổ chức 2041.

Vừa trở về từ hành trình khám phá Nam Cực 13 ngày, Nguyễn Thị Thùy Vân bắt tay ngay vào việc tuyên truyền chống biến đổi khí hậu, vai trò của Nam Cực đối với vấn đề nước biển dâng, cách trân trọng các tài nguyên thiên nhiên và cuộc sống hoang dã..., vốn là những điều đã thôi thúc cô lên đường.

Vân cho biết cô đi theo chương trình "Leadership on the Edge" của tổ chức 2014 dẫn đầu bởi ngài Robert Swan, người đầu tiên đi bộ đến hai cực của Trái đất mà không có trợ giúp. Ông đồng thời là đại sứ thiện chí của Liên Hợp Quốc về thanh niên đến Nam Cực. Trao đổi với VnExpress về vẻ đẹp thiên nhiên Nam Cực, Vân cho rằng điều này sẽ giúp mọi người cảm nhận, trân trọng và có mong muốn cũng như ý thức giữ gìn.

Giấc mơ thành hiện thực

Với cô gái nhỏ nhắn sinh năm 1984, hiện sống ở TP HCM, Nam Cực không chỉ là nơi đóng vai trò quan trọng đến khí hậu toàn cầu, mực nước biển dâng, mà còn có vẻ đẹp huyền ảo trong chính sự đơn giản và khắc nghiệt của nó.

Vân trên hành trình đến Nam Cực.

Ngoài những núi băng tầng tầng lớp lớp như các tòa nhà cao tầng, Vân còn đặc biệt ấn tượng với thiên nhiên hoang dã ở đây. Cô từng mơ ước được một lần nhìn ngắm cá voi và cá giả hổ kình (orca) giữa đại dương và điều này đã trở thành hiện thực trong chuyến đi này. Cô kể nước ở Nam Cực rất lạnh, có màu xanh đen và tối, không thể nhìn được hai loài cá này nếu chúng không trồi lên thở. Và may mắn đã mỉm cười với Vân khi đúng mạn tàu cô đứng, cá orca xuất hiện và bơi nghiêng để lộ đốm trắng khiến cô có thể nhìn thấy.

Cá voi ở Nam Cực thì nhiều hơn. Tại một vịnh lớn, Vân được chứng kiến cá voi lưng gù cứ 5-6 phút trồi lên một lần để thở và lại lặn xuống săn mồi. Có khoảng 4-5 cặp cá voi lưng gù đù cho cả đoàn hơn 140 người trải ra xem. Tuy nhiên, Vân cho biết nạn săn bắt bừa bãi trước đây đã đẩy hải cẩu và cá voi đến bờ tận diệt.

“Với mình, cảm giác rất đặc biệt khi thấy cá voi không hề để tâm tới sự hiện diện của con người ở đó. Mình rất ngạc nhiên bởi sau khi bị tàn sát nhiều như vậy, chúng vẫn không có sự thù hằn gì với con người, thật là một điều cho mình suy nghĩ và học hỏi”, Vân nhớ lại.

Cô cũng cho biết dù nhìn thấy những chú cánh cụt nhưng theo Hiệp hội quốc tế của những công ty vận hành tour du lịch Nam Cực (IAATO), khách phải giữ khoảng cách với chúng 5m, còn với hải cẩu là 25m và được dặn kỹ là phải cảnh giác với hải cẩu. Điều này hoàn toàn trái ngược với vẻ thân thiện, dễ thương của chúng trong những video Vân từng xem. “Hải cẩu khi ở trên bờ thường dữ và cảnh giác hơn khi ở dưới nước rất nhiều do khả năng di chuyển trên bờ của nó khó khăn, không tốt như ở dưới nước”, cô được Damien, nhà sử học trên tàu giải thích lý do về lời khuyến cáo.

Thử bơi dưới nước lạnh âm độ

Nam Cực trong hình dung trước chuyến đi của Vân là lạnh nhưng thực tế còn rất gió. Cô kể có lúc đang ở ngoài khơi gió đột ngột nổi lên rất nhanh trong vòng vài phút như bão cấp 8 cấp 9. Biển đang lặng thành sóng to, tàu phải xoay lại thì xuồng mới về được. Đây là gió katabatic tạo bởi lực hút của trái đất. “Gió này rất đặc trưng của Nam Cực, nhưng không phải lúc nào chúng cũng mạnh như cơn mà chúng tôi được thấy. Đúng là trực quan sinh động, sau lần ấy mình khó mà có thể quên được loại gió đó”, Vân nói.

Là chuyến đi Nam Cực cuối cùng trong năm, khi mùa đông đã hơi chớm nên đoàn của Vân còn được trải nghiệm những ngày tuyết rơi từ sáng đến tối, phủ trắng bất tận. Thế nhưng, đến cuối hành trình, lễ tốt nghiệp mang tên Polar Plunge – nhảy xuống nước băng giá, vẫn diễn ra với sự háo hức và hồi hộp của các thành viên, trong đó có Vân.

Thử thách Polar Plunge dưới nước lạnh -2 độ C.

“Mọi người nhảy xuống nước biển ở Nam Cực chỉ mặc đồ bơi bình thường. Mình thích nghĩ đó là bài kiểm tra cuối cùng để tốt nghiệp khóa học, "đóng dấu" cam kết với những gì mọi người đã được học và khơi sáng hành động ở đó. Hành trình sẽ không hoàn thiện nếu như không trải qua lễ tốt nghiệp này, do đó, nước có lạnh mấy thì cũng phải nhảy xuống thôi”, Vân chia sẻ.

Từng trekking trên núi Kenya cao gần 5.000 m với cái lạnh cũng rất khắc nghiệt nên Vân khá tự tin với thử thách này. Khác với nhiều thành viên khác, Vân nhảy xuống trong tư thế đầu xuống nước trước vì muốn xem dưới nước thực sự trông thế nào. “Ánh sáng dưới nước rất đẹp, và lạ vì có màu xanh đen thẫm và không thấy đáy. Lúc trồi lên khỏi mặt nước thực ra mình muốn bơi nhưng mà cái lạnh làm suy nghĩ của mình chậm hơn vàì không thể quyết nhanh bơi kiểu nào. Lạnh quá nên rất do dự dìm đầu xuống nước lần nữa để bơi ”.

Vân cho biết mọi người trong đoàn đều không lo về việc tham dự hành trình, ngồi zodiac lênh đênh trong gió lạnh, nhưng ai cũng lo về thử thách Polar Lunge.

Trăn trở sau chuyến đi

Vân cho biết cô có rất nhiều việc phải làm sau chuyến đi để tuyên truyền về chống biến đổi khí hậu, nhưng thay đổi để tiến bộ hơn bắt đầu từ bản thân mình, rồi đến những người xung quanh mình. Điều quan trọng là ý thức hành động và nhận thức. Vân hy vọng khi biết về vẻ đẹp của Nam Cực, thông tin về tầm quan trọng của nó, những gương sáng hành động từ hành trình này sẽ có tác động lan tỏa tới các bạn trẻ.

Chim cánh cụt ở vinh Neko.

Nam Cực có ảnh hưởng lớn đến vấn đề nước biển dâng. Băng phủ Nam Cực chiếm đến 70% nguồn nước ngọt trên toàn thế giới. Khoa học đã tính toán là nếu toàn bộ băng Nam Cực tan, nước biển sẽ dâng lên 61 m. Việt Nam với đường bờ biển dài và vùng đông bằng sông Cửu Long trũng thấp được dự đoán là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ 2 trên thế giới do nước biển dâng.

“Do đó, hành trình đến Nam Cực tuy xa nhưng lại là vấn đề rất gần gũi, thiết thực với Việt Nam”, Vân - một trong 9 người Việt từng đặt chân đến Nam Cực chia sẻ. Chuyến đi của Vân nhận được sự ủng hộ lớn từ đơn vị công tác – công ty kiểm toán Deloitte. Làm việc trong công ty với khoảng 800 thành viên tại Việt Nam và 7.300 thành viên tại khu vực Đông Nam Á , Vân cho biết đang và sẽ chia sẻ nhiều hơn nữa với các đồng nghiệp của mình thông qua các kênh truyền thông nội bộ về thông điệp của hành trình, từ đó lan tỏa tới mọi người xung quanh.

Ngoài ra, Vân còn tiếp tục chia sẻ qua trang riêng song ngữ Anh - Việt trên Facebook mà Vân lập ra trước khi bắt đầu hành trình – As One with 2041 (Như một với tổ chức 2014). Cô cho biết cũng sẽ dành thời gian để chia sẻ với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, sinh viên. Một trong những câu nói nổi tiếng nhất của ngài Robert Swan mà cô luôn ghi nhớ là “Hiểm họa lớn nhất đối với hành tinh của chúng ta là sự tin tưởng rằng một ai đó khác sẽ hành động bảo vệ nó”.


Mục tiêu của tổ chức 2041 là giúp cho sự bảo vệ châu Nam Cực, khu vực hoang dã vĩ đại cuối cùng của trái đất, sẽ không bao giờ bị khai thác cho mục đích kinh tế hay quân sự.

Hành trình Nam Cực hàng năm bắt đầu từ năm 2003. Mục đích trước nhất của hành trình là để nâng cao nhận thức của thế hệ làm chủ thế giới tương lai về những hiểm họa môi trường do khí hậu thay đổi và tầm quan trọng của việc bảo vệ châu Nam Cực khỏi trái đất ấm lên.

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP