Sáng 31-5, Quốc hội (QH) đã thảo luận hội trường về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) trước khi bấm nút thông qua. Vấn đề gây ra nhiều tranh cãi tại phiên thảo luận này là quy định bắt người bị oan phải có đơn yêu cầu thì mới được xin lỗi.
Phải có đơn mới được xin lỗi?
Nhiều đại biểu (ĐB) QH cho rằng người bị oan, sai đã chịu đủ cơ cực vì lỗi cơ quan công vụ gây ra. Khi phục hồi danh dự lại bắt họ có đơn mới được xin lỗi là vô lý.
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng dự luận vẫn tiếp cận theo hướng “chỉ khi người bị oan có đơn yêu cầu, Nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho họ. Còn nếu như người bị oan không có đơn yêu cầu thì việc xin lỗi công khai và phục hồi danh dự sẽ không diễn ra”.
Phản bác lập luận trong báo cáo giải trình tiếp cho rằng căn cứ trên luật dân sự thì xin lỗi và cải chính công khai là quan hệ dân sự, thuộc về quyền nhân thân, do đó chỉ khi người bị oan có yêu cầu, Nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai, ĐB Thủy nói: “Chúng tôi cho rằng điều này là chưa phù hợp. Bởi vì ở đây không phải là cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự mà cá nhân đã bị cơ quan tố tụng làm oan trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, phục hồi danh dự cho người bị oan phải là trách nhiệm công vụ chứ không phải quan hệ dân sự” - bà Thủy lập luận.
Theo bà Thủy, việc bắt người, còng tay trước sự chứng kiến của xóm giềng, đồng nghiệp rồi sau này bị oan mà phải có đơn yêu cầu thì mới được xin lỗi là không ổn. “Tôi đề nghị trong mọi trường hợp khi có văn bản xác định bị oan thì cơ quan nhà nước phải chủ động tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường cho họ, trừ trường hợp người bị oan có văn bản không cần phải xin lỗi” - bà Thủy nói.
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy: “Cơ quan nhà nước phải chủ động tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường cho họ, trừ trường hợp người bị oan có văn bản không cần phải xin lỗi”. Ảnh: QH |
Cùng nội dung này, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cũng bày tỏ sự không đồng tình. “Chúng ta đang xây dựng một nhà nước văn minh. Một nhà nước văn minh phải là một nhà nước lịch sự, bất kỳ ai phạm lỗi với một cá nhân nào đó thì cần phải xin lỗi trước” - ông nói.
Theo ông, không phải tất cả người dân đều hiểu được quyền của mình, đặc biệt là người có trình độ văn hóa thấp, ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy trách nhiệm phổ biến pháp luật là của Nhà nước. “Chúng ta đang xây dựng nhà nước phục vụ, không để người dân xin mình mới phục vụ. Nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ này một cách chủ động, thay vì bắt buộc người dân phải đi đòi hỏi” - ĐB Nhưỡng nhấn mạnh.
Người gây oan, sai phải chịu trách nhiệm
Liên quan đến trách nhiệm liên đới bồi thường của cán bộ gây oan, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng “một nền tư pháp có trách nhiệm là nền tư pháp không để người nào gây ra oan đứng ở vòng ngoài”.
Theo đó, bà Thủy đề nghị luật cần quy định theo hướng người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã quyết định việc bắt tạm giữ, tạm giam, khởi tố, kết luận điều tra có tội, truy tố bị cáo, ra tòa xét xử tuyên người đó có tội mà sau này được xác định là oan thì tất cả người này phải chịu trách nhiệm liên đới bồi hoàn cho ngân sách nhà nước”.
Đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) nói: “Người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại cho dù là lỗi cố ý hay vô ý trong hoạt động quản lý hành chính tố tụng và thi hành án đều phải có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại”.
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay dự luật đã quy định “mức hoàn trả” của cán bộ, công chức làm sai, gây oan, sai cao hơn và “có trường hợp là hoàn trả 100%”. Đây là nội dung luật hiện hành chưa có.
Ông Long lý giải thêm, trong trường hợp công chức, người thi hành công vụ của mình làm sai thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm về câu chuyện này, cùng với đó thì có hoàn trả, tức là trách nhiệm hoàn trả của những người trực tiếp gây ra. “Dự thảo luật này vẫn theo nguyên tắc trách nhiệm chính là của Nhà nước, hoàn trả đã thiết kế ra các trường hợp khác nhau. Có trường hợp 100% như tôi đã báo cáo và các trường hợp khác thì căn cứ vào mức độ lỗi của những người thi hành công vụ để tính ra, mức tính ở đây cũng đã tương đối cụ thể” - ông nói.
Tác giả: TRỌNG PHÚ
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM