Tin địa phương

Chuyện về thầy giáo với triết lí sống “cho đi là còn mãi”

Sau những ngày dạy ở trường, thầy giáo Thành cùng chiếc xe máy rong ruổi trên các nẻo đường để đến với các bản làng xa xôi ở Quảng Bình. Thầy giáo Thành cùng một số thành viên đã thành lập Câu lạc bộ Thiện nguyện "Lòng lề đường Quảng Bình".

Tình thương với dân bản

Thầy giáo Hoàng Anh Thành là người con của đất Văn La, huyện Quảng Ninh. Cả hai vợ chồng công tác ở trường THPT Phan Đình Phùng (TP Đồng Hới). Dù ở thành phố, nhưng cứ mỗi cuối tuần, thầy giáo Thành lại lên xe máy đến với bà con dân bản đồng bào dân tộc ít người.

Thầy giáo Hoàng Anh Thành (đi trước) trong một chuyến băng rừng vào với đồng bào Vân Kiều ở Bản Dốc Mây (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh)

Thầy giáo Thành cho biết, trong chuyến đi cùng bạn bè về nơi đồng bào còn nhiều khó khăn, các em nhỏ thiếu thốn cả vật chất và điều kiện học tập. Nên từ đó, tôi nghĩ sẽ cố gắng đi làm và kết nối bạn bè giúp các em vùng sâu và bà con dân tộc miền núi. Ở Quảng Bình thì các bản làng chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Đặc thù mỗi Bản có điều kiện và phong tục khác nhau, nên để biết dân thiếu gì và cần gì nhất. Có bản thì học sinh thiếu dụng cụ, sách vở, có bản thì gánh nặng cơm áo không đủ ăn…Bởi vậy, cứ cuối tuần là tôi đi khảo sát, tìm hiểu để ủng hộ phù hợp với điều kiện của người dân.

Thầy Thành nhớ lại trong lần đi vào Bản Dốc Mây (ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) phải đi bộ luồn rừng, lội suối vượt quãng đường đi bộ xa hơn 10km mới tới nơi. Bản Dốc Mây chỉ có vỏn vẹn 19 hộ dân tộc Vân Kiều, với hơn 90 nhân khẩu, sống tách biệt với thế giới bên ngoài.

Nhóm CLB Lòng lề đường Quảng Bình trao quà từ thiện cho đồng bào dân tộc Rục ở xã vùng cao Thượng Hóa (huyện Minh Hóa)

“Bản Dốc Mây chưa có điện, đường, nước sạch, trạm y tế… nên chúng tôi sau khi vào khảo sát thì xin được một số cơ số thuốc để hướng dẫn bà con sử dụng chữa các bệnh thông thường. Xin sách cho các cháu để các cháu có sách vở học. Dân Bản Dốc Mây cần cù lao động, được sự quan tâm của Bộ đội Biên phòng nên không thiếu đói. Nên chúng tôi sắp tới sẽ xin các loại cây giống thực phẩm có năng suất cao vào hỗ trợ bà con” thầy Thành kể lại.

Cho đi là còn mãi

Để giúp đỡ các Bản làng dân tộc thiểu số khó khăn, thiếu thốn, thầy giáo Thành cùng bạn bè của mình đã tham gia câu lạc bộ thiện nguyện “Lòng lề đường Quảng Bình” với phương châm “cho đi là còn mãi”. Câu lạc bộ được thành lập năm 2013, hoạt động có hiệu quả từ lúc thành lập đến nay và đã kết nối được rất nhiều tấm lòng hảo tâm, chia sẻ những khó khăn về vật chất và tinh thần đến với người dân vùng cao Quảng Bình.

Chị Vy Hương, thành viên CLB Lòng lề đường đang tổ chức trò chơi cho các cháu dân tộc Vân Kiều ở Bản Dốc Mây (xã Trường Sơn, huyện Quảng NInh)

Bạn Dương Lương, một thành viên Câu lạc bộ cho biết “Thầy Thành dù bận công việc dạy học, nhưng với tình thương học sinh ở miền núi, nên thầy rất hăng say công việc. Chính sự hăng say đó, mà sau bão số 10 vừa qua, Câu lạc bộ đã có những chuyến thiện nguyện ý nghĩa đến với các Bản của xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) như Bản Ón, Bản Yên Hợp, bản Mò O Ồ Ồ. Sắp tới đây, nhóm sẽ liên kết các mạnh thường quân vào trao quà cho Bản 61 xã biên giới Thượng Trạch. Hiện thầy Thành đã liên hệ với phía chính quyền xã và Đồn biên phòng để thông qua thủ tục, sau đó sẽ vào khảo sát cụ thể”.

Với ước mong đồng bào có cuộc sống ổn định. Hiện tại, thầy cùng với câu lạc bộ kết hợp với một số cơ quan, tổ chức đang tìm kiếm các dự án nhỏ về nông nghiệp để đưa về giúp đồng bào dận tộc Rục.

Ngoài việc hỗ trợ về vật chất, sách vở, nhu yếu phẩm cho bà con nhân dân, Câu lạc bộ của thầy giáo Thành còn tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh cho trẻ em thôn bản, cắt tóc cho các cháu, tham gia giúp dân bản dọn và giữ gìn vệ sinh khu dân cư. Hỗ trợ một số sách trồng cây ăn quả, chăn nuôi trong nông nghiệp cho năng suất cao để bà con tham khảo, học tập.

“Đồng bào dân tộc đa số dân trí còn thấp, không được học hành đến nơi đến chốn, nhưng bản tính họ thật thà, và cũng hăng say lao động. Bởi vậy hoạt động thiện nguyện là hỗ trợ một phần nhỏ cùng bà con để phát triển, chứ không làm cho bà con trông chờ, ỷ lại; nên việc phối hợp với chính quyền địa phương rất cần thiết. Dân khó khăn thì cho gì họ cũng quý, nhưng để phát huy giá trị lâu dài, ổn định phải nhờ vào chính quyền cơ sở” thầy giáo Thành chia sẻ.

Thầy giáo Hoàng Anh Thành lấy dụng cụ sửa xe ra vá săm giúp người dân ở đoạn Đèo Đá Đẽo, đường Hồ Chí Minh (xã Thượng Hóa, huyện MInh Hóa)

Theo thầy Thành, vì đi nhiều nên tận mắt chứng kiến nhiều nơi ở trong tỉnh Quảng Bình mình còn nghèo khổ lắm. Ước muốn giúp bà con thì nhiều nhưng vì kinh phí của Câu lạc bộ còn hạn hẹp nên chưa làm được gì đáng kể. Nhờ sự chung tay giúp đỡ của quý mạnh thường quân vì thế chương trình của chúng tôi được lan rộng nhằm san sẻ bớt khó khăn cho đồng bào ở đây.

Dù đam mê hoạt động thiện nguyện, nhưng thầy giáo Thành luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học ở trường THPT Phan Đình Phùng. Trong gần 20 năm đi dạy, thầy luôn được đồng nghiệp quý mến, học trò tin yêu. Từ sự ảnh hưởng thiện nguyện từ thầy, nhiều cựu học sinh trường Phan Đình Phùng sau này đi làm khắp mọi miền đất nước cũng luôn đồng hành cùng Câu lạc bộ Lòng lề đường Quảng Bình, góp phần giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số đang khó khăn của quê hương.

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP