Tin địa phương

Chuyện về lời dạy của một vị quan thanh liêm

Sâu bên trong xã Mai Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) có một tấm bia răn dạy con cái ra đời đã 266 năm. Người viết ra những lời nhắn nhủ sâu sắc ấy là một vị quan thanh liêm tên Đặng Đại Lược. Điều đặc biệt là hậu thế của ông đã nhất mực nghe theo.

 bia di huấn

Tấm bia di huấn của vị quan thanh liêm Đặng Đại Lược

Hằn nét cổ xưa

Một ngày mùa đông, chúng tôi tìm đến khu nhà cấp 4 của ông Đặng Văn Duyện ở xã Mai Thủy. Ông Duyện ngoài 70 tuổi đang nhặt cỏ trong khu lăng mộ họ Đặng. Tìm hiểu về tấm bia răn dạy con cháu của tiền nhân họ Đặng, ông Duyện liền lần giở từng trang gia phả trong cái tráp gỗ sơn son, rồi nói: “Huấn thị con cháu này đã được 266 năm”, người viết là cụ Đặng Đại Lược (1690 - 1764), tước Kim Tử Vinh Lộc.

Ông Duyện dẫn tôi ra phía vườn mé phải ngôi nhà, chỉ tấm bia cổ rêu phong, Hán tự cổ khắc lên đó đã mòn vì thời gian. Bản dịch của cụ Ngô Văn Lại (Thái Trọng Lai) - người dịch Châu bản triều Nguyễn, ra nghĩa là: Tập mục đường phong (lời gia huấn cho con cháu dòng họ): Từ thời tổ tiên ta nối đời trung hậu, truyền dạy lễ nhượng cho đến đời phụ thân ta kính giữ đạo lành kéo dài xuống đời sau cho đến ba anh em ta nối dài đạo tổ tông, lấy văn học làm sự nghiệp, lấy hiếu đễ làm nền móng; kẻ làm quan giữ chức thì trong sáng, thận trọng, liêm khiết, siêng năng; kẻ thủ phận ở nhà thì ôn hòa, lương thiện, tiết kiệm, dè sẻn. Các ngươi là kẻ nối dõi về sau phải kính cẩn giữ theo, chớ nghe lời đàn bà mà làm hư hại đạo luân thường, chớ tính toán tài lợi mà tổn thương nghĩa lớn. Giàu sang, nghèo hèn là do số mệnh ở trời. Các ngươi đời sau cung kính vâng theo lời dạy này, nếu có kẻ làm trái lại thì không được vào cổng nhà ta. Đây là lời dạy tha thiết vậy. Cai bạ dinh Quảng Nam là Đặng hầu tự ký. Ngày mồng năm tháng hai năm Nhâm Thân.

Theo ông Duyện, lời răn dạy này đã được con cháu noi theo, giữ gìn thanh liêm, sống có hiếu với tổ tiên, mẹ cha, phụng sự đất nước, bản quán. Tấm bia thật lạ, bởi trải qua bao bom đạn chiến tranh, bao thời cuộc mà chữ vẫn còn, nghĩa rõ ràng, rành mạch, sâu sắc.

Họ Đặng Đại của ông Duyện dưới triều Nguyễn nổi tiếng nhiều người làm quan. Cụ Đặng Đại Lược làm tới chức cai bạ dinh Quảng Nam, có quyền kiểm tra quan lại ở 3 phủ Thăng Hoa, Quảng Ngãi, Quy Nhơn. Sử cũ còn chép, năm 1761, giặc man Thạch Bích tấn công các huyện vùng dưới Quảng Ngãi, chúa Nguyễn sai ông Đặng Đại Lược cầm quân. Vì dẹp được man Thạch Bích, giúp dân an bình, ông được chúa Nguyễn trọng vọng.

Ông Duyện cho biết thêm, vị quan Đặng Đại Lược có 2 người em cũng làm quan to, 8 người con của ông cũng học hành đỗ đạt (7 người làm quan cho triều Nguyễn với công trạng lớn, một người ở nhà làm cư sĩ). Quan Đại Lược thanh liêm và được người đời kính trọng đến mức Quốc sử quán triều Nguyễn kể lại: “Đại Lược làm quan thanh liêm nghèo khó, nhận hay cho đều không cẩu thả. Ai đưa cho cái gì tầm thường thì nhận một hai thứ, cái gì hơi hậu thì từ chối rằng: “Nhà còn có thừa, không phải là kiểu cách gì đâu !”. Những việc từ chối khéo với người, đại loại như thế”.

gia phả

Ông Duyện giở lại gia phả


Noi gương ông, các con cái cũng chọn cách hành xử đứng về phía nhân dân. Nổi tiếng hơn cả là Khâm sai tuần hành ngũ phủ Lãnh Đức hầu Đặng Đại Độ (1728 - 1765). Khi cha là Đại Lược đưa quân đánh giặc man Thạch Bích, thấy Đặng Đại Độ thông minh, liêm khiết, chúa Nguyễn đã phong Đại Độ chức ký lục Quảng Nam. Cụ Duyện lần lại Đại Nam liệt truyện tập 1 của Quốc sử quán triều Nguyễn có chép: “Đại Độ làm quan thanh khiết còn hơn cha...”.

Tấm gương vì nước, vì dân

Nói về danh thần Đặng Đại Độ, sinh thời Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Trần Văn Giàu đã từng đánh giá: “Một trường hợp quan lại chính trực hiếm hoi của những năm thuộc nửa sau thế kỷ XVIII”. Còn Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần cho rằng: “Vì mục đích an dân, Đặng Đại Độ sẵn sàng nghiêm trị bất cứ một ai dám nhũng nhiễu dân. Thế ra, phép nước nghiêm hay không nghiêm, trước hết đều do ở người thực thi phép nước. Cổ kim vẫn có không ít những vị quan dũng cảm, dám vì công lý mà to gan đụng độ với các đấng quan trên; nhưng nghiêm với chính mình và tự xử chính mình như Đặng Đại Độ quả thật là rất hiếm. Cuộc đời của ông đã vĩnh viễn khép lại từ lâu, nhưng khí khái của ông thì vĩnh tồn với đất Biên Hòa - Gia Định, với tất cả những ai khao khát quốc thái dân an”.

Trong “Đại lễ kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Gia Định (1698 - 1998)”, hình ảnh Đặng Đại Độ được tái hiện trong vở diễn Dũng khí Đặng Đại Độ, tạo nhiều cảm xúc cho người xem và trở thành một trong những vở diễn tiêu biểu của nền sân khấu Việt Nam. Ở TPHCM, Đồng Nai đều có đường mang tên ông, để tưởng nhớ về một vị quan thanh liêm, chính trực, vì nước vì dân.

Trên quê hương ông, ở cánh đồng Nương Sơ, mộ của danh thần Đăng Đại Độ quạnh quẽ, cỏ cây che phủ, dù con cháu đã cố gắng bảo tồn. Những liếp đá ong xây tường quanh ngôi mộ bị thời gian bào mòn. Nhà sử học Nguyễn Khắc Thái đánh giá: “Với những gì cha con vị quan Đặng Đại Lược và Đặng Đại Độ đã cống hiến cho lịch sử, tỉnh Quảng Bình cần có các bước xem khu lăng mộ ở Mai Thủy là di tích văn hóa lịch sử và đặt tên đường để tri ân những bậc hiền nhân vì dân, vì nước”.

Tác giả: MINH PHONG

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP