Giải trí

Chuyện từ lễ tang Minh Thuận: Khi nỗi đau trở thành cái "để xem", nó chua xót lắm!

Bên trong thì khóc, bên ngoài thì cười. Hình ảnh người dân kéo đến, nở nụ cười thật tươi để ngắm nhìn những người nghệ sĩ mình yêu thích, chụp ảnh rồi hồ hởi khoe nhau. 2 cảm xúc tréo ngoe ấy vào cùng 1 thời điểm, ai xem cũng buồn rồi thở dài!

Hình ảnh không đẹp trong đám tang Minh Thuận
Những nụ cười không thể tin trong đám tang Minh Thuận, Duy Nhân và Wanbi Tuấn Anh
Hành động gây bức xúc trong lễ viếng Minh Thuận
Dàn nghệ sĩ viếng tang lễ Minh Thuận
Minh Thuận sống giản dị, cô đơn trọn kiếp người
Điều không thể quên về ca sĩ Minh Thuận​​​​​​​
Minh Thuận vẫn ấm ức vì tâm nguyện chưa hoàn thành'​​​​​​​


Nỗi đau của người này trở thành niềm vui thỏa sự hiếu kỳ của nhiều người khác - Có lẽ, câu này đúng với thời điểm hiện tại khi nhắc về lễ tang của Minh Thuận. Khi mà những ngày qua, không ai còn lạ gì cảnh chen lấn, xô đẩy, hoặc người dân hò hét, rủ rê nhau "đi xem" đám tang Minh Thuận. Là "đi xem", nhưng là xem nghệ sĩ, xem người nổi tiếng nào đến, bên ngoài họ mập ốm thế nào, ăn mặc ra sao để thỏa tính hiếu kỳ, chứ không hẳn là đến để viếng nhân vật chính. Khi mà niềm đau của người khác trở thành cái "để xem", nó chua xót lắm.

Một người mẹ nghẹn ngào nhìn di ảnh con mà bất lực. Một ông bố gần 100 tuổi khóc nấc sau bao ngày mạnh mẽ để chu toàn di nguyện cho con, người tóc bạc tiễn kẻ tóc xanh. Đồng nghiệp viếng thăm, tiếng hát hòa cùng nước mắt để ôn lại kỉ niệm xưa cũ với người đã khuất,... Đó chính là không khí phía bên trong tang lễ. Còn bên ngoài, sẽ vẫn là khung cảnh đượm buồn nếu đó là tang lễ của một người không nổi tiếng. Ngẫm mà thấy đúng thật, nghệ sĩ ấy mà, sống là người của công chúng, mất đi rồi, vẫn cứ là người của công chúng đấy thôi. Ở tang lễ Minh Thuận, ai cũng buồn vì mất đi một nghệ sĩ hiền hậu tận tâm với nghề, với khán giả, vậy mà chúng ta còn phải chứng kiến nhiều chuyện bất cập, còn buồn và chạnh lòng hơn nỗi buồn vốn có.


Bên trong thì khóc, bên ngoài thì cười. Hình ảnh người dân kéo đến, nở nụ cười thật tươi để ngắm nhìn những người nghệ sĩ mình yêu thích, chụp ảnh rồi hồ hởi khoe nhau. Hay chen lấn để giành vị trí đẹp, phá hàng rào phân cách, cãi tay đôi với lực lượng an ninh để được vào "xem tí rồi về, làm gì mà dữ vậy", hoặc truyền tai nhau "mật khẩu": "tôi đi ăn cháo vịt" (trong hẻm nhà Minh Thuận có hàng bán cháo) để được vào trong, chạy theo từng nghệ sĩ đến viếng chỉ để chụp bức ảnh selfie làm kỉ niệm, xin chữ ký,... 2 nồi lẩu cảm xúc buồn vui tréo ngoe ấy vào cùng 1 thời điểm, ai xem cũng buồn rồi thở dài! Đó là khi, sự tò mò và hiếu kỳ chiến thắng tình người mất rồi.

Bức ảnh buồn và chạnh lòng nhất những ngày qua trong tang lễ Minh Thuận


Có lạ lẫm gì đâu, khi mà sự việc này đâu phải lần đầu. Như lễ tang Wanbi Tuấn Anh, Duy Nhân, câu chuyện về ý thức ở tang lễ đã nhiều lần được đưa ra. Còn nhớ câu chuyện dở khóc dở cười khi Hoài Linh đến viếng Duy Nhân, đám đông hô hào, vỗ tay rồi giơ máy chụp ảnh liên tục, thậm chí còn bịa chuyện để tống tiền. Lễ tang Wanbi Tuấn Anh dù đã giữa khuya, người dân vẫn "túc trực" để chạy theo nghệ sĩ và chụp ảnh, cười đùa , dù mắt những nghệ sĩ này đang sưng húp vì khóc thương người quá cố,... đâu cần biết bên trong ai buồn như thế nào cũng được, chỉ cần được thấy tận mắt, sờ tận tay là vui.

Báo chí, mạng xã hội, ai cũng lên án, chỉ trích, ai cũng nhắc nhở nhau rút kinh nghiệm, thông cảm mong ý thức người dân mình tốt hơn ở những lần sau. Ấy vậy mà, cứ mỗi lần có tang lễ của nghệ sĩ thì sự hiếu kỳ ấy lại có dịp lên ngôi. Đám đông vẫn tụ tập và sự cười đùa, trộm cắp,... vẫn diễn ra, thậm chí lại ngày càng quá đáng hơn. Và lễ tang Minh Thuận là như thế.

Đông Nhi đến viếng Wanbi Tuấn Anh vào giữa khuya nhưng vẫn phải cần đến lực lượng an ninh để thoát khỏi vòng vây của đám đông hiếu kỳ

Hoài Linh rơi vào tình huống dở khóc dở cười khi đến viếng Duy Nhân - người dân thì hò reo, vỗ tay và chụp ảnh


Trách sao được, tò mò, hiếu kỳ vốn là bản tính sẵn có của mỗi người. Có chăng chỉ là ở mỗi người, ý thức khác nhau thì sẽ có hành vi tương ứng. Quả thật, không phải ai cũng có cơ hội gặp nghệ sĩ bằng xương bằng thịt ngoài đời, tranh thủ gặp thần tượng một tí thôi thì có sao đâu. Nhưng mà lại quên đi, mong muốn đó lại xuất phát ở thời điểm không phù hợp, tại địa điểm quá đỗi nhạy cảm. Một tâm lý hoàn toàn bình thường nhưng lại đặt trong một tình huống hoàn toàn không phù hợp, vô tình lại làm tổn thương nhau.

Tất nhiên, bản thân tôi cũng có sự tò mò, hiếu kỳ và muốn gặp những người mà tôi yêu thích. Nhưng sau tất cả những gì đã và đang diễn ra, những gì đã thấy trong những ngày qua, một lần nữa tôi nghĩ chúng ta lại phải nhắc nhau, một cách nghiêm túc. Đừng để sự hiếu kỳ làm mất đi cái tình của con người vốn có. Gặp nghệ sĩ, chúng ta có thể gặp ở một nơi khác hơn, ở một sân khấu, một tụ điểm ca nhạc nào đó, chứ đừng là tang lễ nữa. Hãy để nơi đó cho người đã khuất, cho gia đình, cho bạn bè người thân được tiễn biệt nhau lần cuối một cách trọn vẹn nhất.

"Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", từ nhỏ chúng ta đã được ông bà dạy như thế rồi. Nhưng lớn lên, để thực hiện được điều này, còn cần phải tỉnh táo suy nghĩ và dùng trái tim để quyết định hành động của mình nhiều hơn. Mong rằng, những hình ảnh đau đến chạnh lòng này sẽ không xuất hiện thêm ở bất kỳ một tang lễ của người nổi tiếng nào nữa.

Tác giả bài viết: Minh Tài

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP