Dân Hóa là một xã biên giới khó khăn của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào người Chứt, Sách, Mày và Khùa với khoảng 3 ngàn nhân khẩu.
Cuộc sống đồng bào ở đây còn lắm khó khăn, nhiều nơi chưa có điện sáng, nước sạch sinh hoạt. Nơi đây hiện vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, đặc biệt là nạn tảo hôn.
Theo thống kê của UBND xã Dân Hóa, từ năm 2015 đến nay, tại địa phương này đã có gần 20 trường hợp kết hôn khi chưa đủ tuổi. Đa số các cặp vợ chồng này chỉ mới 15 đến 17 tuổi.
Những bé gái chỉ mới 16, 17 tuổi đã lấy chồng, sinh con ở các bản làng dân tộc tại xã Dân Hóa không hiếm |
Tại bản K-Ai, xã Dân Hóa, mới đây cũng có 3 cặp vợ chồng kết hôn khi chưa đủ tuổi. Sơn nữ Hồ Thị Lạng tại bản nghèo này lấy chồng khi chưa đầy 16, còn chồng Lạng cũng chỉ mới vừa lên 17. Cả hai đều nghỉ học từ sớm, theo bố mẹ lên rừng phát rẫy, thích nhau thì về ở chung thế là thành vợ chồng.
Cạnh nhà của Lạng là một đôi vợ chồng trẻ khác, chồng là Hồ Lập mới 18, còn vợ là Hồ Thị Chui, chưa đầy 17 nhưng vừa sinh con. Cả hai đều không học hết lớp 9, ở nhà đi rừng, làm nương rồi cưới nhau.
“Chồng đi làm rẫy, đi làm thuê kiếm tiền, em ở nhà chăm con, cũng vất vả lắm. Bọn em không đi đăng ký ở xã vì họ nói chưa đủ tuổi. Ở đây cứ bố mẹ, gia đình đồng ý là mổ lợn mời làng đến ăn cưới được rồi”, Hồ Thị Chui nói.
Hồ Thị Chui lấy chồng, sinh con khi chỉ mới tròn 16 tuổi |
Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết, đa số các trường hợp tảo hôn đều nghỉ học sớm, nhận thức về hôn nhân, gia đình còn rất hạn chế, chưa có nhiều kiến thức làm cha làm mẹ. Hậu quả là những đôi vợ chồng này đều khó khăn về kinh tế.
“Nhận thức của gia đình và chính các cháu rất hạn chế. Cứ học hết lớp 8, 9 là lại nghỉ học, ở nhà đi làm rẫy, làm thuê, quen biết rồi cưới nhau. Mỗi lần biết chuyện, chính quyền đều đến tuyên truyền, vận động nhưng các em cứ ưng là về ở với nhau. Nhiều lúc mình đến tuyên truyền, giải thích, gia đình họ nghe thì nghe đấy mà vẫn cứ làm sai”, ông Hạnh cho hay.
Đến với Dân Hóa, không khó để bắt gặp hình ảnh những em gái gầy gò, xanh xao địu theo đứa con ốm yếu. Hỏi các em sao lấy chồng sớm, sao bỏ học sớm, các em cũng chỉ cười và cho rằng thế là đủ lớn để lấy chồng!
Cái khó của chính quyền xã Dân Hóa hiện nay là người dân chẳng cần đợi xã ký giấy chứng nhận kết hôn, gia đình đã mổ heo, làm rượu mời dân làng đến ăn cưới, mời cán bộ xã đến chung vui.
Việc kết hôn của đồng bào chủ yếu được thực hiện theo phong tục, tập quán, chỉ cần sự đồng ý của những người đứng đầu trong dòng họ hoặc của cha mẹ hai bên nam nữ, sự chứng kiến của gia đình, làng xóm là xong.
Nhận thức của đồng bào còn hạn chế nên việc đẩy lùi nạn tảo hôn còn gặp nhiều khó khăn |
Cũng vì đời sống kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí và ý thức pháp luật của đồng bào còn hạn chế. Vấn đề giáo dục giới tính cho thanh, thiếu niên chưa thường xuyên. Bản thân cha mẹ các em lại đồng tình ủng hộ việc con tảo hôn.
“Phạt thì đồng bào nghèo không có tiền, chỉ còn cách nhắc nhở, tuyên truyền mỗi ngày, mỗi tháng để bà con nhận thức dần chứ cũng chưa thể giải quyết dứt điểm ngày một ngày hai được. Cứ phải nâng cao nhận thức, ổn định kinh tế cho bà con thì mới xóa được nạn tảo hôn”, ông Cao Xuân Xiêm, Trưởng bản K-Ai chia sẻ.
Trong những năm qua, chính quyền xã Dân Hóa và lực lượng biên phòng đã rất nỗ lực trong việc phát hiện, ngăn chặn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó cũng phối hợp với nhà trường để các em đến lớp, hoàn thành chương trình phổ thông trước khi lập gia đình để sớm đẩy lùi nạn tảo hôn. Thế nhưng vì nhận thức hạn chế của đồng bào, công tác này đến nay vẫn còn gặp muôn vàn gian nan.
Tác giả: Tiến Thành - Đặng Tài
Nguồn tin: Báo Dân trí