Đội tuyển thể thao mùa Đông quốc gia, với thành phần là 6 VĐV đang chuẩn bị lên đường sang Nhật Bản để chuẩn bị thi đấu ở Á vận hội mùa Đông 2017 diễn ra tại thành phố Sapporo. Đây là lần thứ tám, kỳ đại hội “băng tuyết” này được tổ chức, nhưng mới là lần đầu tiên, thể thao Việt Nam góp mặt.
Điều này không có gì lạ lẫm, bởi Việt Nam là một đất nước nhiệt đới. Băng tuyết hiếm khi xuất hiện và nếu có, cũng chỉ vào những ngày lạnh nhất của mùa đông, trên miền rẻo cao như Lào Cai hay Lạng Sơn. Chính vì thế, đây được coi là một chuyện lạ và còn lạ lùng hơn, khi cả 6 VĐV của Việt Nam sang xứ sở mặt trời tranh tài lần này đều tham dự các môn liên quan đến trượt tuyết, gồm trượt tuyết băng đồng, trượt tuyết ván đơn và trượt tuyết ván đôi.
Chưa hết, có lẽ nhiều người sẽ phải tròn mắt ngạc nhiên nếu biết “xuất xứ” của 6 VĐV này cũng như nghe về quá trình luyện tập của họ. Tất cả đều đến với “trượt tuyết” ở tư thế tay ngang, khi mà họ vốn là những VĐV lướt ván, lướt sóng hay thậm chí là trượt patin.
Nguyễn Văn An - VĐV patin từng dự SEA Games 26 và sẽ thi đấu môn trượt tuyết ván đôi cho biết: “Tôi và mọi người đều ưa thích những thử thách thú vị và mạo hiểm nên mới đến với các môn ván trượt. Và trượt tuyết chắc chắn sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời nữa. Tất nhiên đến với một môn mới bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn, cái khó nhất của các VĐV khi chuyển qua trượt tuyết chính là thời tiết”.
Sự khó khăn riêng ấy của VĐV Nguyễn Văn An cũng chỉ ra một cách rõ ràng khó khăn chung của thể thao Việt Nam, đó là không có đủ kinh phí để họ luyện tập ở nước ngoài, càng không có đủ điều kiện về cơ sở vật chất ở trong nước. Chính vì thế, một chuyện thật mà như đùa đã xảy ra trong thời gian qua, là chính 6 VĐV đại diện cho Việt Nam thi trượt tuyết ở Á vận hội mùa Đông này đã phải tập luyện ở… những cồn cát tại Mũi Né, Bình Thuận. Đây là một việc cực chẳng đã và thực tế thì giữa luyện tập và thi đấu chẳng liên quan đến nhau.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, người giành HCV Olympic năm ngoái, khi tập bằng bia cơ học bằng giấy, khi thi đấu bằng bia điện tử, ít ra cũng còn tương đương về nhiều chi tiết khi cầm súng. Đằng này, giữa cát và tuyết là hai địa hình khác nhau rất nhiều, từ độ ẩm, độ ma sát và tất nhiên cả nhiệt độ nữa.
Ông Mai Bá Hùng, Trưởng đoàn Việt Nam dự Á vận hội mùa Đông 2017 khẳng định, nhiều VĐV của Việt Nam từ năm 2013 đến nay, mỗi năm đều được sang Hàn Quốc tập huấn 1 tháng để làm quen với tuyết, nhưng điều này có lẽ cũng chẳng thấm vào đâu. Chính người trong cuộc đã thừa nhận việc tập luyện trên cát chỉ giúp các VĐV phần nào đó, chứ không thể giúp họ hết bỡ ngỡ với môi trường tuyết.
“Tập trên cát khó hơn trên tuyết rất nhiều, nhất là về độ ma sát. Chúng tôi phải chọn những cồn cát cao nhất để được tốc độ lớn nhất khi trượt xuống. Bên cạnh đó, sau mỗi lần trượt, mọi người phải đi bộ ngược lên khá vất vả và tiêu tốn thể lực hơn nhiều so với việc tập trên tuyết (có cáp treo)”, anh Nguyễn Thái Bình, hướng dẫn viên lướt sóng ở Phan Thiết và cũng là VĐV tham dự môn trượt tuyết ván đơn chia sẻ.
Dẫu sao, với việc chỉ tham dự để học hỏi kinh nghiệm và không đặt nặng mục tiêu thành tích, các VĐV đang vô cùng hào hứng với thách thức sắp tới. Bởi thể thao là vậy, luôn tiềm ẩn trong đó những bất ngờ, biết đâu đấy, dù tập trên cát những VĐV sẽ giành Huy chương tại Á vận hội mùa Đông cho thể thao Việt Nam. Nếu xảy ra, đó sẽ là một kỳ tích không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới.
Tác giả bài viết: Hà Mi