Thế giới

Chuyên gia: Tên lửa Triều Tiên có thể đánh lừa hệ thống phòng thủ Mỹ

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể bị công nghệ của Triều Tiên đánh lừa nếu Bình Nhưỡng quyết định phóng tên lửa nhằm vào Mỹ, các chuyên gia về vũ khí nhận định.

Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: EPA)

Triều Tiên sáng 29/11 đã phóng đi một tên lửa đạn đạo liên lục địa loại mới mà họ gọi là Hwasong-15. Tên lửa này bay xa 960km và bay cao 4.500km. Triều Tiên tuyên bố, tên lửa này có tầm bắn bao trùm toàn bộ nước Mỹ.

Tuy chưa rõ liệu Triều Tiên đã đạt được công nghệ gắn đầu đạn hạt nhân cho ICBM chưa, nhưng việc Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thử thành công tên lửa có tầm bắn tới bất cứ đâu của Mỹ đã làm dấy lên cuộc tranh luận về năng lực của hệ thống phòng thủ của Mỹ trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng “khoe” rằng Mỹ có “trang thiết bị quân sự tốt nhất thế giới”. “Chúng tôi sở hữu những tên lửa có thể đánh chặn một tên lửa khác trong không trung với xác suất 97% và nếu phóng 2 tên lửa đánh chặn cùng một lúc thì khả năng thành công là 100%”, ông Trump nói.

Tuy nhiên, giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi về tuyên bố này.

"Nếu phóng thử một tên lửa đánh chặn thì khả năng đánh trúng mục tiêu khoảng 50%. Ngược lại, xác suất thất bại cũng là 50%. Tôi không hoàn toàn tin tưởng về hệ thống đánh chặn (của Mỹ)”, Michael Elleman, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về phòng thủ tên lửa thuộc Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho biết với Newsweek.

Chuyên gia này cũng cho rằng: “Nếu Triều Tiên phóng 1 tên lửa nhằm vào Mỹ, Mỹ có thể bắn rơi nó. Tuy nhiên, tên lửa loại mới của họ còn gắn các thiết bị nghi trang. Vì thế, không thể chắc chắn tên lửa mà chúng ta phóng đi có thể phân biệt được giữa mảnh vỡ tên lửa, thiết bị ngụy trang và đầu đạn thực sự”.

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ gồm một mạng lưới các radar, cảm biến vệ tinh và thiết bị đánh chặn nhằm phát hiện và phá hủy các đầu đạn di chuyển tới. Trong một kịch bản hoàn hảo, hệ thống này sẽ phát hiện ICBM ngay khi nó được phóng đi và triển khai các tên lửa đánh chặn để phá hủy. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống này không thể phá hủy được tất cả các mục tiêu tên lửa trong các đợt thử nghiệm.

Các thiết bị nghi trang của tên lửa đối phương có thể đánh lừa các cảm biến trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Ngoài ra, tên lửa Triều Tiên sử dụng các đầu bịt để hạ nhiệt đầu đạn cũng khiến tên lửa đánh chặn của Mỹ khó phát hiện đầu đạn thật.

Nói cách khác, việc Triều Tiên liên tục thể hiện những bước tiến lớn trong chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân cũng đặt ra nhiều hoài nghi liên quan đến khả năng đánh chặn tên lửa của Mỹ.

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP