Giáo dục

Chuyện cử nhân sư phạm thất nghiệp nhắc đi nhắc lại nhưng rồi đâu lại vào đấy!

PGS. Nguyễn Văn Nhã cho rằng, cần có cuộc khảo sát đánh giá nghiêm túc, chuẩn xác: Vì sao có tình trạng cử nhân sư phạm thất nghiệp? Nguyên nhân vì đâu?

LTS: Ngày 17/5/2016, Hội thảo khoa học Quốc gia đào tạo giáo viên tại các trường đại học đa ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay công bố, tính đến năm 2020, dự kiến Việt Nam sẽ thừa khoảng 70.100 sinh viên sư phạm tốt nghiệp (41.000 giáo viên cấp Tiểu học, 12.200 cấp THCS và 16.900 cấp THPT).

Mặc dù, từ năm 2013 đến nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu mỗi năm phải giảm 10% chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm. Tuy nhiên, sau 2 năm, mỗi năm, cả nước vẫn có khoảng 4.000 sinh viên ra trường không có việc làm.

Chỉ tính riêng năm 2016, chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông hệ chính quy của các trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp sư phạm cả nước đã lên tới 65.322/ 108 cơ sở đào tạo.

Trong khi đó, theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 yêu cầu bình quân mỗi năm đào tạo mới để thay thế, bổ sung khoảng hơn 55.000 giáo viên.

So sánh hai con số trên, có thể thấy rõ việc đào tạo sư phạm hiện đang bộc lộ bất cập khi số lượng đào tạo vượt quá nhu cầu sử dụng. Điều khó hiểu là, tại sao các trường vẫn được duyệt chỉ tiêu tuyển sinh với số lượng lớn, trong khi hàng ngàn sinh viên ra trường bị thất nghiệp?


Để làm rõ vấn đề này, Báo điện tử giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với PGS.Nguyễn Văn Nhã - nguyên Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phóng viên: Theo dự kiến tới năm 2020 có khoảng 70.000 cử nhân sư phạm ra trường thất nghiệp. Dư luận không khỏi băn khoăn vì sao sinh viên ra trường có việc làm thì ít mà đầu vào vẫn tuyển ồ ạt. PGS đánh giá sao về điều này?

PGS. Nguyễn Văn Nhã: Hiện các trường Đại học, Cao đẳng vẫn thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh và kế hoạch giảng dạy theo Chiến lược và sứ mệnh, tầm nhìn 2020 hoặc 2030 cho nên việc sản phẩm đào tạo tung ra xã hội có được sử dụng hay thất nghiệp thì không “can hệ” gì nhiều đến việc đào tạo của các trường.

Nếu tiên đoán tới năm đó sẽ dư thừa tới 70 ngàn giáo viên các loại thì cũng có thể đúng.

Tuy nhiên, tôi nhiều lần phát biểu, cần có cuộc khảo sát (survey) đánh giá nghiêm túc, chuẩn xác: Vì sao có tình trạng này? Nguyên nhân vì đâu?

Tôi không muốn chúng ta cứ nói, người khác cứ không nghe rồi đến năm sau đâu lại vào đấy.

PGS.Nguyễn Văn Nhã - nguyên Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: giaoduc.net.vn)


Theo tôi, nạn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hiện nay không hẳn chỉ là “lỗi” của các trường Đại học, Cao đẳng mà còn nhiều nguyên nhân khác nữa.

Nhưng vì các trường tạo ra sản phẩm đó nên các trường cần nghiêm túc suy xét, điều chỉnh chứ không để tình trạng này kéo quá dài, nguy hiểm không chỉ tới vận mệnh từng em mà ảnh hưởng tới cả vận mệnh của quốc gia.

Theo PGS đâu là nguyên nhân quan trọng nhất khiến tỷ lệ cử nhân nói chung, cử nhân sư phạm nó riêng thất nghiệp gia tăng mỗi năm?

PGS. Nguyễn Văn Nhã: Có rất nhiều nguyên nhân. Nào là từ phía các cơ chế chính sách chưa phù hợp của lãnh đạo Nhà nước, từ phía các cơ sở đào tạo chưa hết lòng giúp cho sinh viên thực sự giỏi giang; nào là từ phía các doanh nghiệp, các cơ sở tuyển dụng cũng không đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, chỉ phê phán và đặt tiêu chí tuyển dụng khó như lên trời (nếu không nói là đánh đó các cử nhân mới ra trường).

Rồi đến việc các phụ huynh “xông” vào chỉ đạo định hướng tương lai của các con cho đến các sinh viên không tự quyết định được hướng đi của riêng mình...

Chúng ta cần tĩnh lặng và đánh giá thật thấu đáo mới nói rõ nguyên nhân từ đâu là chủ yếu. Bởi nói theo cảm tính sẽ có nhiều quan điểm trái chiều.

Nhưng rõ ràng, tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp không chỉ là lỗi của các nhà trường, mà là lỗi của xã hội!

Thời buổi bấy giờ không có nhiều tiền thì không xin được 1 chỗ làm ở Hà Nội hoặc các thành phố lớn.

Mà đa số các cử nhân mới ra trường lại “chưa giàu” hoặc bố mẹ họ quá nghèo, sau khi đã gồng mình chi ăn học 4- 5 năm trời cho con, những tưởng sắp được hái quả ngọt, thì lại phải cần khoảng vài ba trăm triệu mới may ra không bị thất nghiệp?

Tôi phải đau buồn nói điều này vì nó đang là nỗi nhức nhối của nhiều bạn thanh niên và gia đình họ. Không biết đã đúng chưa?

Không ít ca thán: “huynh đệ”, “quan hệ” át hơn cả “tiền tệ”, và xếp tiêu chí “trí tuệ” cuối cùng khi đi xin việc làm! Phải chăng đó là nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp nhiều cử nhân, thạc sĩ giỏi?

Đó là chưa kể một số nơi đang “khủng hoảng thiếu” như vùng sâu, vùng xa, những các cử nhân, thạc sĩ không mặn mà gì vì chế độ lương ấy không thể sống nổi.

Nếu không chạy được một việc gì đó ở thành phố thì về quê chăn vịt chứ không nhận công việc nơi biên cương hải đảo. Điều đó đúng không? Bao nhiêu phần trăm, chưa nghiên cứu nào định lượng được.

Hơn nữa, có giai đoạn Bộ GD&ĐT cho phép nâng cấp và thành lập quá nhiều trường Đại học, Cao đẳng. Trong 1 năm mà cho ra đời hơn 200 trường Đại học nên tỷ lệ thất nghiệp gia tăng cũng là điều dễ hiểu.

Hiện nay cả Bộ và địa phương cùng quản lý hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo sư phạm. Vậy theo PGS, quy hoạch hệ thống các trường sư phạm có phải là giải pháp tốt nhất vào thời điểm này để giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp không?

PGS.Nguyễn Văn Nhã: Nói đến chất lượng sản phẩm đào tạo chưa được tốt, thì nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu là lỗi của cơ sở sản xuất ra sản phẩm đó.

Vì vậy, việc quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm (nói cụ thể là tái cơ cấu lại dây chuyền sản xuất) là việc làm cần thiết và cấp bách.

Các trường sư phạm do Bộ quản lý hoặc do các địa phương quản lý trực tiếp thật quá đa dạng, không đồng đều về chất lượng, chưa rõ ràng cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, chỉ tiêu, ngân sách, quy mô, thứ bậc..…nên còn khá nhiều điều bất cập so với yêu cầu của nền giáo dục.

Ngay cả trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đội ngũ giảng viên, GS, PGS giỏi, đầu đàn đang thiếu vắng; giảng viên không được nghỉ 1 học kỳ để đi bồi dưỡng, tu nghiệp (như chế độ dành cho giảng viên ở các đại học tiên tiến trên thế giới).

Họ giống như con tằm chỉ hì hụi nhả tơ quanh năm mà không có giai đoạn ăn dâu làm kén, như cỗ máy chạy hết công suất suốt năm mà không được bôi dầu mỡ và bảo dưỡng.

Vậy thử hỏi, làm sao có thể có sản phẩm độc đáo và chất lượng cao.

Như vậy song song với giải pháp quy hoạch lại hệ thống các Đại học, Cao đẳng cần một số giải pháp nữa đối với con người, đặc biệt là chăm lo hỗ trợ các nhà giáo.

Sinh viên thất nghiệp ngày càng tăng, giáo viên mất việc ngày càng nhiều thông qua hàng loạt vụ cắt giảm biên chế, điều chuyển công tác, chấm dứt hợp đồng như ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Thanh Hóa… Theo ông, cần có lối đi nào cho những giáo viên đó?

PGS. Nguyễn Văn Nhã: Theo công bố mới đây thì năng suất lao động của 1 người Singapore bằng khoảng 16 người Việt Nam, một người lao động Hàn Quốc có năng suất hơn 7 lao động người Việt Nam. Chắc nếu so sánh với năng suất lao động của người châu Âu, châu Mỹ thì sẽ còn kinh khủng hơn?

Sự nghiệp giáo dục đào tạo rất cần những người thầy giỏi (không có thầy giỏi, thì không thể có trò giỏi), nhưng chúng ta hẳn còn nhớ rằng: Thầy thuốc dốt sẽ làm chết một vài người bệnh, thầy giáo dốt có thể làm ngu dốt một thế hệ, lãnh đạo dốt có nguy cơ làm hỏng cả một dân tộc!

Vì thế, những anh chị nào chưa đủ tư chất và trình độ làm thầy thì không thể và không nên làm thầy.

Hãy vì tương lai của lớp trẻ mà nghĩ, mà hành động, mà chấp nhận đổi nghề khác phù hợp - nếu bạn chưa đủ tự khẳng định mình làm THẦY, khi bạn đứng trên bục giảng không đàng hoàng.

Tôi không dám và không đủ khả năng nêu ra lối đi nào nhưng xin lưu ý là nghề nhà giáo có đặc thù hết sức quan trọng: đó là sản phẩm đào tạo không phải là máy, hàng hóa đơn thuần.

Chúng ta cần tôn trọng và cư xử thật nhân văn giữa con người và con người.

Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cho sinh viên vay để đi học nhưng không lo việc làm cho họ sau khi ra trường thì thử hỏi họ lấy gì để chi trả lại Nhà nước. Ông nghĩ sao về điều này?

PGS. Nguyễn Văn Nhã: Chúng ta có khá nhiều bài học (kể cả thành công hay thất bại) trong sự nghiệp đổi mới. Tuy nhiên việc đánh giá rút kinh nghiệm nghiêm túc đến đầu đến đũa thì chưa nhiều, còn chung chung không để lại dấu ấn cụ thể, định lượng.

Nhà nước muốn hỗ trợ sinh viên có điều kiện học hành, đặc biệt là các sinh viên nghèo vượt khó. Nhưng thủ tục vay ngân hàng không dễ, và cũng không nhiều sinh viên được vay.

Tỷ lệ sinh viên được vay này không lớn trên tổng số sinh viên đang theo học, cho nên nếu có thất thoát thì cũng thua xa con số đầu tư lãng phí vào các công trình bỏ hoang hàng ngàn tỷ đồng.

Điều cần nói lại là: Chỉ một cơ chế chính sách đúng, sẽ làm cho thế hệ trẻ thăng hoa, đất nước chuyển mình. Một cơ chế chính sách không đúng, không nghiên cứu thấu đáo mà đã ban hành thì tạo thành sức cản không lường hết được.

Thế hệ trẻ, đặc biệt là sinh viên và phụ huynh đang trông chờ những chính sách thật phù hợp, đẩy lùi nạn thất nghiệp và chảy máu chất xám hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn PGS!

Tác giả bài viết: Thùy Linh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP