Giáo dục

Chuyện chưa kể về cô gái người Dao đỗ học bổng thạc sĩ tiền tỉ của Đức

Bằng nỗ lực, khát khao cháy bỏng, một bước ngoặt mới mở ra cũng là bước tiến cho ước mơ bảo vệ rừng quê hương của Chảo Thị Yến, em chính thức nhận được học bổng để theo học thạc sĩ ngành quản lý tài nguyên rừng bền vững của trường ĐH Gottingen (CHLB Đức) trong vòng 2 năm trị giá 47.000 Euro (gần 1,2 tỷ đồng).

Cô gái đầu tiên ở xã biên giới Việt-Trung trúng học bổng 50.000 USD


Người đầu tiên ở xã giáp biên giới Việt – Trung xuống xuôi học đại học

Chảo Thị Yến (sinh năm 1990) sinh ra và lớn lên ở thôn Ngám Xá, xã Nậm Chạc – một trong những xã nghèo nhất của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Học xong lớp 9, Yến phải ở nhà mất 3 năm rồi mới thuyết phục được bố mẹ cho đi học cấp 3. Ước mơ thi đại học khối C để trở thành cô giáo của cô gái người Dao thay đổi khi em chứng kiến trận lũ lịch sử năm 2008.

Ký ức khủng khiếp về trận lũ cuốn trôi cả một làng bản và tàn phá ruộng nương do hành động phá rừng của con người khiến Yến quyết tâm chuyển thi khối C sang khối A với mong muốn vào trường ĐH Lâm nghiệp để làm kiểm lâm bảo vệ rừng.

Cuối cùng, em cũng là người đầu tiên của xã giáp biên giới Việt – Trung xuống dưới xuôi học đại học (dù mức điểm đậu không cao). Ở kỳ đầu tiên của ĐH, khi nghe nhà trường giới thiệu về ngành đào tạo tiên tiến, đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, Yến đã nộp đơn xin học ngành này.

Cô gái xinh xắn người Dao Chảo Thị Yến đã không bỏ cuộc dù con đường đến với ước mơ du học vô cùng gập ghềnh, gian nan.


Từ những chán nản, muốn bỏ cuộc năm đầu đại học do không biết ngoại ngữ, Yến quyết tâm học tiếng Anh. Từ một sinh viên có điểm dưới trung bình, Yến đã vươn lên trở thành một sinh viên xuất sắc của lớp.

Yến cố gắng học và xin đi làm trong sân golf ở gần trường để có thu nhập thêm nhằm đỡ gánh nặng cho bố mẹ. Từ năm thứ 3 ĐH, kì nào Yến cũng giành học bổng cho sinh viên xuất sắc. Điểm khóa luận tốt nghiệp em cao thứ 2 toàn khóa, điểm tổng kết chung xếp thứ 3 toàn khóa.

Sau khi tốt nghiệp ra trường (tháng 12/2014), nhờ vốn tiếng Anh tốt, Yến làm phiên dịch cho một công ty may, rồi làm bộ phận chăm sóc khách hàng cho một công ty du lịch ở Lào Cai. Thế nhưng, giấc mơ ngày nào vẫn còn nguyên đó.

Bằng nỗ lực và khát khao cháy bỏng, một bước ngoặt mới mở ra cũng là bước tiến cho ước mơ bảo vệ rừng quê hương của Chảo Thị Yến, em chính thức nhận được học bổng của chương trình SUFONAMA để theo học thạc sĩ ngành quản lý tài nguyên rừng bền vững của Trường ĐH Gottingen (CHLB Đức) trong vòng 2 năm trị giá 47.000 Euro (khoảng 50.000 USD).

Hết lớp 9, Yến từng phải nghỉ học ở nhà đi làm nương mất 3 năm vì nếp nghĩ "con gái học nhiều chỉ tốn của, lấy chồng thành con nhà người ta" ăn sâu vào tiềm thức người lớn.

Cùng lắng nghe những tâm sự chân thực xung quanh hành trình bước ra thế giới của cô gái người Dao - Chảo Thị Yến:

“Bà cho đi bà tự nuôi nó nhé!”

Từng quyết tâm thi vào trường ĐH Lâm nghiệp để sau này trở thành một kiểm lâm bảo vệ tài nguyên rừng quê hương, điều gì khiến em rẽ sang du học sau khi tốt nghiệp trong nước?

Trước em chưa bao giờ nghĩ là sẽ đi du học. Thầy giáo em – GS. Lee Macdonald là người đầu tiên đã giúp em có ý định được đi học thêm ở nước ngoài. Vì bản thân em trước đây em không biết học bổng du học là gì.

Ý định xin học bổng nảy sinh từ thầy Lee Macdonald. Thầy ấy rất quý em - dù về nước nhưng hay gửi mail an ủi, động viên. Rồi thầy nói, thầy muốn em tiếp tục đi học cao hơn. Có 1 lần làm bài kiểm tra môn thầy, em làm bài khá tốt. Lúc trả bài thầy ghi chữ "Come to CSU" lên bài của em (CSU - Colorado State University là trường đối tác của trường em). Em đã rất vui vì thầy thật sự quan tâm đến em.

Rồi thầy Dũng cũng giới thiệu cho em các suất học bổng đi Nhật, thầy ấy cũng rất tốt, sau khi biết sức khoẻ em không đủ đi Nhật, thầy đã gọi điện quan tâm rồi động viên em chữa bệnh rồi tìm kiếm cơ hội khác. Thế nên em cũng bắt đầu ấp ủ một giấc mơ khác xa hơn là đi du học.

Em đã vượt qua rất nhiều rào cản, thử thách để có được thành quả hôm nay, đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất khi em theo đuổi ước mơ con chữ và ước mơ du học?

Khó khăn thì nhiều lắm ạ. Nếu mà kể chắc cũng mất rất nhiều thời gian. Sự nghèo đói, sự lạc hậu, rào cản từ cộng đồng, đường xá đi lại khó khăn... Còn về kỷ niệm cũng nhiều, em không thích nói kỷ niệm buồn, em sẽ kể kỷ niệm vui ạ.

Có lẽ kỷ niệm vui nhất là lần mẹ em gật đầu đồng ý cho em đi học cấp 3. Hôm ấy các bạn học lớp 9 ở trên em có một số bạn may mắn được xuống ôn thi cấp 3 để thi vào lớp 10 của trường THPT dân tộc nội trú Tỉnh, đang ngồi ăn cơm em cũng mon men xin bố mẹ.

Nhưng nhận được cái lạnh lùng từ bố, mẹ em thì không nói gì, em bỏ ra sau nhà ngồi khóc. Sau đó thấy bố mẹ tìm, em chạy sang đồi để bố mẹ không thấy em. Mãi sau bị muỗi đốt nhiều quá em mới về nhà.

Thấy em về, mẹ em nói với bố “con thích học quá mình cho nó đi học đi”. Bố em chần chừ một lúc rồi nói "bà cho đi bà tự nuôi nó nhé". Thế là mẹ em cho em đi. Cả đêm em không ngủ được vì vui và hồi hộp. Lúc đấy chắc em vui gấp 10 lần khi em nhận được tin trúng học bổng du học.

Phải trải qua mới biết nó vui như thế nào chị ạ. Sáng hôm sau em háo hức với chị gái em xuống đăng ký ôn thi. Và chuỗi ngày khó khăn khác lại bắt đầu.

Em có thể chia sẻ nội dung bài luận em gửi trường đại học ở Đức?

Nội dung bài luận em gửi đi chính là bản tóm tắt về câu chuyện của chính em, về ước mơ, khát khao của em.

Hình ảnh của xã Nậm Chạc - quê hương của cô gái giàu nghị lực Chảo Thị Yến.


Bà con thôn bản cho lộ phí đi đường trước ngày bay

Theo em, tại sao hội đồng tuyển sinh chương trình học bổng SUFONAMA, Trường ĐH Gottingen lại chọn mình?

Có lẽ em là người dân tộc ít người, cộng thêm sự chân thành và khát khao được học bổng của em. Cũng có thể là do nội dung trong thư giới thiệu của các thầy đã thuyết phục được hội đồng chấm.

Là cô gái đầu tiên ở xã biên giới Việt - Trung trúng học bổng du học nước ngoài, bà con thôn bản phản ứng thế nào? Bố mẹ dặn dò em điều gì trước ngày lên đường?

Bà con dân bản thì có nhiều người họ cũng vui cùng gia đình em, có một số người thì đã nhận ra rằng học không xấu như họ nghĩ. Nhưng em vẫn buồn vì có người vẫn nói “con gái mà cứ cho đi học như thế bao giờ mới được ăn sức lao động của nó”.

Nếu như trước đây em đi học cấp 3 rồi đại học không ai ủng hộ gia đình em thì bây giờ mọi người đã đến nhà em và chúc mừng, an ủi em cố lên để dân bản được nhờ. Có người còn cho ít lộ phí đi đường nữa. Nên em nghĩ họ đã dần hiểu rồi.

Bố mẹ em dặn em “cố gắng lên con gái, con đừng nghĩ nhiều về bố mẹ và gia đình, con hãy cố lên, những ngày tháng vất vả sắp qua rồi”.

Dự định của em sau khi kết thúc 2 năm thạc sĩ tại Đức? Trong tương lai, em hình dung mình trở thành một người thế nào?

Em chỉ ước có công việc ổn định liên quan chuyên ngành em theo đuổi, thu nhập vừa đủ để em có thể thành lập một quỹ học bổng cho trẻ em vùng cao. Em rất thích hướng nghiên cứu về quản lý lưu vực, thủy văn nên em mong muốn được áp dụng những kiến thức học được vào công việc ở Việt Nam sau này.

Em hình dung em sau này sẽ là một người khá là nghiêm nghị, nếu em mà có làm giáo viên thì sinh viên đừng mơ quay bài ạ.

Cảm ơn Chảo Thị Yến vì cuộc trò chuyện và chúc em vươn xa hơn nữa!

Trận lũ lịch sử cuốn trôi hết trâu bò, ruộng nương, nguồn sống của gia đình và thôn bản đã khiến Yến ấp ủ ước mơ có thể bảo vệ rừng.

Yến và người thầy Lee Macdonald truyền cảm hứng, động lực cho cô chinh phục ước mơ du học.

Trước ngày Yến lên đường sang Đức, bà con đã đến chúc mừng cô.

Tác giả bài viết: Lệ Thu - Ảnh: NVCC

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP